Ngày đầu mở bán trở lại, tiểu thương TPHCM vừa mừng vừa lo
TPHCM và một số tỉnh phía Nam đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và dần từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Một số hoạt động kinh doanh và đời sống dân sinh được hoạt động trở lại sau một thời gian hiện giãn cách nghiêm ngặt.
Thương nhân chợ Bình Điền vui mừng được ra chợ. Ảnh: U.P
Tiểu thương tại chợ đầu mối, chủ cửa hàng ăn uống… trong ngày đầu được mở bán lại tại TPHCM vừa mừng vừa lo, nghe ngóng tín hiệu thị trường.
Ngày 9/9, hàng quán tại TPHCM được phép kinh doanh trở lại dưới hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, ghi nhận tại nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Luông (quận 6), Hai Bà Trưng (quận 1), Điện Biên Phủ (quận 3)…, đa số cửa hàng vẫn chưa hoạt động trở lại.
Hay tin được mở bán trở lại, anh Đức Mạnh, chủ một quán ăn chay tại quận 3, liên hệ với bạn hàng để lấy nguyên liệu, đăng ký với hãng công nghệ để kết nối với shipper giao hàng online.
“Tôi thuê mặt bằng trong hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với giá hơn 20 triệu đồng/tháng. Khi thành phố giãn cách, mình vẫn bán được online và tự đi giao hàng nên vẫn ráng cầm cự.
Tuy nhiên, từ khi ngưng shipper, hàng quán không được bán mang về thì mình khó khăn thật sự. Nay nghe được bán lại nên mừng lắm, tôi sẽ cố gắng thực hiện 5K, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch”, anh nói.
TPHCM chấp thuận cho Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền hoàn chỉnh phương án tổ chức thí điểm điểm trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1) và chính thức đưa điểm trung chuyển hàng hóa đi vào hoạt động kể từ ngày 7/9. Cụ thể, đây là điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chỉ thực hiện việc giao nhận hàng hóa, không tổ chức giao dịch, sơ chế, đóng gói, mua bán hàng hóa.
Để được mở cửa bán mang đi, các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”; kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper; phải đăng ký kinh doanh với địa phương để được cấp giấy đi đường; đảm bảo lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và test nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày.
Các shipper chỉ được giao hàng nội quận cũng gây nhiều khó khăn cho chủ cửa hàng.
Chợ đầu mối sáng đèn
Vừa hoạt động được 2 ngày, trạm trung chuyển tại chợ đầu mối Bình Điền đã có khoảng 20 thương nhân đăng ký tham gia. Bà Nguyễn Thị Mộng, chủ vựa mực Út Tài, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chia sẻ rằng, bà rất mừng khi được đến chợ mua bán trở lại.
“Mới ngày đầu bán lại, chúng tôi không dám đưa hàng ra nhiều, mà chỉ nhập về khoảng 2 tấn cho mối sỉ và chưa bán lẻ. Tôi luôn nhắc nhở mọi người giữ khoảng cách, mang khẩu trang khi làm việc”, bà Mộng nói.
Nhanh tay phân từng bịch rau và để riêng thành từng nhóm chờ khách đến nhận, anh Võ Minh Thái (kinh doanh ngành rau) cho biết, trong ngày đầu tiên chợ mở cửa trở lại, anh đã nhập 20 tấn hàng từ Đà Lạt và miền Tây Nam bộ về TPHCM.
“Nguồn cung rau hiện nay khá dồi dào và giá cả cũng ổn định. Nếu chợ hoạt động hiệu quả, tôi sẽ tăng lượng hàng nhập để cung cấp cho người dân TPHCM. Hơn 2 tháng đóng cửa, giờ chợ mở lại, chúng tôi vừa mừng vừa run. Vừa bán vừa nghe ngóng, kết nối các mối hàng từ từ chờ hết giãn cách”, anh Thái bộc bạch.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Thanh Tân, Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cho biết, hiện số thương nhân gần lấp đầy các ô vựa tại chợ với khối lượng hàng đăng ký đạt khoảng 150 tấn, bao gồm các ngành hàng thịt heo, thủy hải sản, rau củ quả.
“Được mở cửa trở lại, chợ đầu mối Bình Điền trở thành điểm tập kết, trung chuyển hàng từ các tỉnh về TPHCM để cung cấp cho người dân thành phố, làm cách nào để đảm bảo giá cả cho người dân trong giai đoạn hiện nay.
Chúng tôi đã xây dựng phương án hoạt động rất kỹ. Thương nhân vào chợ đều đã được tiêm từ 1-2 mũi vắc-xin. Mỗi thương nhân chỉ có từ 5-10 lao động, được cấp thẻ ra vào và lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần”, ông Tân thông tin.
Về kịch bản xấu nhất nếu chợ đầu mối Bình Điền tái diễn tình trạng bùng phát dịch, ông Tân cho biết đã xây dựng khu cách ly, khi có ca nhiễm sẽ kích hoạt tổ phản ứng nhanh để xử lý. Nếu cùng lúc ghi nhận 5 ca nhiễm trở lên, chợ sẽ báo cáo UBND TPHCM để có phương án cụ thể và tổ chức xét nghiệm diện rộng.