Ngày đầu mở cửa, khu công nghiệp vắng lặng vì... chờ hướng dẫn
HEPZA đang chờ hướng dẫn từ cơ quan y tế để triển khai, lúc đó các DN mới cửa đón công nhân quay lại nơi làm việc.
Theo ghi nhận của phóng viên PLO, sáng 1-10, các tuyến đường đến các khu chế xuất - khu công nghiệp tại thành phố Thủ Đức, khu công nghệ cao TP.HCM khá thông thoáng.
Nhiều nhân viên văn phòng đi làm trở lại, tuy nhiên lực lượng công nhân vẫn chưa đi làm nên không khí tại các khu công nghiệp khá trầm lắng.
Lực lượng bảo vệ làm việc nghiêm túc, không cho người ngoài vào cổng khu chế xuất và giải thích chưa mở cửa đón công nhân vào nhà máy làm việc.
Tại Khu công nghệ cao, ngoài các công ty vẫn duy trì “3 tại chỗ’, các công ty còn lại chưa mở cửa đón công nhân đi làm lại.
Một lao động của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho biết công ty đã giải tỏa một bộ phận lao động "3 tại chỗ” về nhà sau nhiều tháng ở lại công ty để ổn định tâm lý. Sau đó, đơn vị sẽ tiếp tục rút thêm đợt thứ hai.
Để quay lại trạng thái bình thường mới, công ty đặt ra các tiêu chí khá chặt chẽ. Đơn cử như những người vào công ty làm việc phải tiêm đủ hai mũi vaccine và ở vùng xanh. Tiếp đến là người tiêm mũi 1 ở vùng xanh, cận xanh và vàng.
Sau đó, hai tuần sẽ mở cửa cho toàn bộ lao động vào làm. Đáng chú ý, trước khi nhân viên vào làm việc, công ty bố trí một xe y tế đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm có kết quả mới được đi làm trở lại. Còn người lao động ở vùng đỏ chưa được vào công ty làm việc.
Nhiều công nhân nóng lòng muốn đi làm trở lại để giải tỏa tâm lý do ở nhà lâu ngày và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, phần lớn công ty vẫn chưa mở cửa hoạt động từ ngày 1-10.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, cho biết thời gian qua công ty hoạt động theo phương châm “2 địa điểm 1 cung đường” với hơn 50% lực lượng lao động.
"Do đơn hàng nhiều nên công ty trông ngóng thành phố mở cửa để bổ sung thêm lực lượng lao động nhưng chưa có hướng dẫn nên phải chờ thêm" - bà Vân nói.
Anh Nguyễn Định, công nhân làm đế giày tại khu chế xuất Linh Trung I, chia sẻ nhiều tháng nay vợ chồng anh cầm cự nuôi ba đứa con khá chật vật nên rất nóng lòng đi làm trở lại để có tiền trang trải cuộc sống.
"Tôi đã liên hệ công ty nhiều lần để hỏi thời gian quay lại nhà máy làm việc nhưng phía công ty cho biết còn chờ hướng dẫn. Công ty vợ tôi cũng thế, chưa có phản hồi lúc nào sẽ được vào nhà máy làm" - anh Định lo lắng nói.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho hay, ngày đầu TP.HCM mở cửa (1-10) nhưng các doanh nghiệp (DN) trong khu công nghiệp chưa hoạt động trở lại.
Theo ông Trực, hiện HEPZA cũng đang chờ hướng dẫn từ cơ quan y tế để triển khai đến các khu, lúc đó các DN mới cửa đón công nhân quay lại nơi làm việc.
Trong đó, DN chủ động xây dựng các tiêu chí, phương án phòng chống dịch COVID-19 và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.
Không xét nghiệm người lao động tiêm đủ liều vaccine
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các bộ, ngành và UBND tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế đề nghị thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Với các tỉnh/thành phố có nguy cơ rất cao, hàng tuần cần xét nghiệm tối thiểu 20% người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty…) và xét nghiệm toàn bộ những người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh (cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên liệu…).
Với các tỉnh/thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ, cần xét nghiệm hai lần/tuần tối thiểu cho 5-10% người lao động có nguy cơ cao và toàn bộ những người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bộ Y tế nhấn mạnh không thực hiện việc xét nghiệm định kỳ đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (liều cuối cùng thêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng sáu tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).