NGÀY ĐẦU THI TUYỂN SINH LỚP 10 Ở TP HCM: Đề thi mang tính giáo dục cao

Hơn 98.000 thí sinh tại TP HCM đã trải qua ngày thi đầu tiên (6-6) với 2 môn thi ngữ văn và ngoại ngữ. Trong ngày thi đầu tiên, có một thí sinh vi phạm quy chế thi, 306 thí sinh vắng thi

Ngày thi đầu tiên được đánh giá là nhẹ nhàng, khi cả 2 đề thi ngữ văn và ngoại ngữ được nhiều giáo viên, học sinh (HS) nhận xét gợi nhiều cảm xúc, mang tính giáo dục cao, đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu phân hóa thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10.

Đề thi ngữ văn gợi cảm xúc

Thầy Lê Ngọc Thức, Tổ trưởng Tổ văn Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết đề thi ngữ văn được xây dựng theo như định hướng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đầu năm học. Cấu trúc đề quen thuộc với HS, nội dung các câu theo trục chủ đề xuyên suốt. Với chủ đề "Nhịp trái tim không chỉ dành riêng cho mình" không chỉ có giá trị gợi cảm xúc khi các em làm bài mà còn mang tính giáo dục cao.

Ở câu 1 đọc hiểu, các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ tư duy (nhận biết, thông hiểu, vận dụng) sẽ không quá khó để HS đạt được điểm tối đa ở câu này.

Về câu 2, HS viết bài văn nghị luận khoảng 500 chữ trình bày quan điểm của bản thân với lời khuyên của tác giả Thu Giang, Nguyễn Duy Cần: "Biết nghĩ bằng con tim". Các em sẽ thực hiện tốt yêu cầu của câu hỏi này nếu nắm được phương pháp và kỹ năng làm bài nghị luận xã hội. Với cách đặt lệnh đề của câu hỏi, HS không quá khó để thể hiện quan điểm của mình ở góc nhìn cá nhân như đồng tình hoặc không đồng tình, miễn sao các em thuyết phục người đọc về việc mình chọn quan điểm nào trong quá trình làm bài.

Thí sinh phấn khởi sau môn thi ngoại ngữ tại điểm thi Trường THCS Diên Hồng (quận 10, TP HCM). Ảnh: HUẾ XUÂN

Thí sinh phấn khởi sau môn thi ngoại ngữ tại điểm thi Trường THCS Diên Hồng (quận 10, TP HCM). Ảnh: HUẾ XUÂN

Câu 3 xây dựng thành 2 đề, HS được chủ động chọn 1 trong 2, nhìn chung cấu trúc câu này như 2 năm gần đây. Ở đề 1, HS cảm nhận tình cảm của bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Từ đó liên hệ thực tế cuộc sống hoặc với một tác phẩm khác viết về đề tài tình cảm gia đình để thấy được ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người. Dạng đề này đã rất quen thuộc với HS và các em đã được thầy cô ôn tập kỹ. Phần liên hệ có tính mở để HS chủ động chọn liên hệ thực tế hoặc liên hệ tác phẩm cùng đề tài. Ở đề 2, đề xây dựng một tình huống và yêu cầu HS chủ động chọn đoạn/khổ/bài thơ để phân tích và qua đó chia sẻ tình cảm mà thơ ca khơi lên trong mình.

Với đề này, HS có thể dễ dàng chọn lựa khổ/đoạn/bài thơ mà mình yêu thích (ngay cả trong đề hội đồng biên soạn đề cũng đã có định hướng một khổ thơ trong bài thơ "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu). "Tuy nhiên, nếu không chú ý và đọc kỹ yêu cầu đề thì sẽ khó tránh trường hợp các em chỉ phân tích nghệ thuật và nội dung của đoạn/khổ/bài thơ mà không chia sẻ được tác động của thơ ca đối với bản thân mình" - thầy Thức đánh giá.

Môn tiếng Anh sẽ có nhiều điểm cao

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), nhận định về tổng thể, đề thi không quá khó, cho HS cơ hội có thể bung hết sức hiểu biết của mình. HS có thể làm bài đạt điểm 7 không khó nếu học bài, làm bài, ôn luyện kỹ lưỡng. Tuy nhiên, để đạt điểm 8 trở lên, các em cần hiểu biết sâu sắc, phân bổ thời gian làm bài tốt, biết cách xử lý đề tốt.

"Đề thi văn năm nay là một trong những đề thi nhẹ nhàng với thí sinh khi vấn đề không phải lên gân quá nhiều hay nói nhiều về những vấn đề cao siêu trong cuộc sống. Và ở độ tuổi 15, để trả lời câu hỏi suy nghĩ khối óc hay con tim, các em có thể sử dụng kỹ năng đã học để viết. HS áp dụng tới đâu và độ sâu sắc của các em ở mức độ nào là do khả năng từng em. Tuy nhiên, với câu nghị luận văn học ở đề số 1, phân tích tình cảm bé Thu dành cho cha trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sẽ khó với thí sinh chưa học kỹ bài, nhất là thí sinh quen với dạng bài thi có trích dẫn sẵn dẫn chứng văn bản. Nếu thí sinh không nhớ dẫn chứng trong tác phẩm thì khi phân tích sẽ khó đạt điểm cao" - thầy Đức Anh cho biết.

Nhiều thí sinh sau buổi thi môn tiếng Anh nhận xét đề thi là dạng đề quen thuộc như các năm trước, tuy nhiên độ khó giảm hơn so với kỳ thi năm trước.

Liên quan đến nhận xét trên, ThS Phùng Xuân Cường - giáo viên môn tiếng Anh, Trường THPT Vĩnh Viễn - thừa nhận nhìn tổng thể, đề thi tiếng Anh năm nay dễ hơn so với năm trước. Những HS không bị mất căn bản sẽ dễ dàng đạt 6 - 7 điểm. Thầy Cường cho biết phần ngữ pháp, từ vựng, giới từ, liên từ rải đều các bài trong sách giáo khoa, xuất hiện trong đề thi cũng là những dạng câu cơ bản. Câu hỏi bắt đầu phân hóa HS có thể tính từ câu 7 đến câu 22. Ở phần IV, câu khó nằm ở câu 28. Với đề "dễ thở" hơn, dự báo môn tiếng Anh năm nay sẽ có nhiều điểm cao.

Đón xem gợi ý giải đề thi toán

Trong hôm nay (7-6), thí sinh thi lớp 10 thường sẽ thi bài thi cuối cùng là môn toán, thời gian làm bài 120 phút. Với thí sinh thi lớp 10 chuyên, tích hợp sẽ dự thi thêm bài thi chuyên, tích hợp vào buổi chiều. Mời phụ huynh, HS tiếp tục đón xem gợi ý giải đề các môn thi tiếp theo trên Báo Người Lao Động tại địa chỉ: nld.com.vn.

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngay-dau-thi-tuyen-sinh-lop-10-o-tp-hcm-de-thi-mang-tinh-giao-duc-cao-196240606220641984.htm