Ngày đầu tiên 'siết chặt hơn', chợ và siêu thị vắng lặng không bóng khách
Không khí im lặng bao trùm các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố. Đây là những hình ảnh khác biệt của một TP.HCM vốn nhộn nhịp thường ngày.
Ghi nhận của PV. VietNamNet trong sáng 23/8, ngày đầu tiên TP.HCM áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội trên toàn TP, để hạn chế tối đa người dân ra ngoài, hướng tới mục tiêu kéo giảm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả.
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) trái với khung cảnh ít ngày trước đó (từ ngày 20-22/8) khi lượng người đổ ra đường đông để mua sắm thì nay chợ không một bóng người. Chỉ có lực lượng kiểm soát chốt chặn, kiểm tra giấy đi đường của người dân qua lại.
Đường Vũ Tùng, đường Bùi Hữu Nghĩa bao quanh khu chợ sầm uất này trong cảnh vắng lặng. Toàn bộ các tiệm tạp hóa, sạp hàng cóc bên đường đều đóng cửa.
Ông Hoàng Tám sinh sống gần chợ Bà Chiểu cho biết, đây là cảnh tượng lần đầu tiên được thấy trong đời từ khi ông định cư tại khu vực. Ông mong các biện pháp siết chặt người dân ra đường sẽ có hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Chợ Tân Định, chợ Đa Kao (quận 1) cũng trong trạng thái tương tự. Các lối vào bị bít kín và khóa trái.
Chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) nằm trên tuyến phố vốn nhộn nhịp Phan Đình Phùng cũng không một bóng người lai vãng.
“Có lẽ đây là hình ảnh lịch sử. Vắng hơn cả sáng mùng 1 Tết. Tôi đi làm 20 năm nay mới chứng kiến cảnh này”, chị Phạm Thị Phượng - một công nhân công ty môi trường - nói khi đang quét dọn đường phố.
Đối với các kênh phân phối hiện đại, trong sáng nay ghi nhận Bách Hóa Xanh, San Hà, Vinmart+, Vissan có nhân viên đến mở cửa nhưng không người dân nào đến mua sắm.
Trong khi đó các hệ thống phân phối thực phẩm, cửa hàng tiện lợi khác như Satra Food, Hà Hiền, Ministop lại trong tình trạng đóng cửa và không có nhân viên đến làm.
Theo chính quyền TP.HCM, từ 0h ngày 23/8, người dân TP sẽ ở nhà và việc tổ chức phân phối hàng hóa, thực phẩm cho người dân được được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”.
Phương thức “đi chợ hộ” do Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương (Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố,... ), các lực lượng công an, quân đội đang được tăng cường tại các địa phương cùng tham gia hỗ trợ thực hiện với tần suất 1 lần/tuần và trực tiếp phân phối tới người dân (hộ dân trả tiền).
Đối với người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp với Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức cấp túi an sinh miễn phí cho người dân, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn.
Hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn TP (Coop, Satra, Big C, Lotte, Vinmart, Bách Hóa Xanh,... ) sẽ phối hợp với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thống kê nhu cầu của người dân trên địa bàn để tổ chức phân phối hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thực tế và tình hình hình kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM.
Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân. TP.HCM tính toán, nhu cầu tiêu dùng bình quân là 10.964 tấn/ngày. Trong đó, gạo:1.981 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở,... ): 660 tấn; thịt gia súc: 755 tấn; thịt gia cầm: 660 tấn; thực phẩm chế biến: 236 tấn; trứng gia cầm: 108 tấn (2,1 triệu quả); rau củ quả: 4.246 tấn.