Ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp: Công chức tích cực, người dân hài lòng
Sáng 1-7, toàn bộ 168 phường, xã, đặc khu của TPHCM chính thức bước vào ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sau sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại một số phường trên địa bàn TPHCM cho thấy đội ngũ cán bộ, công chức đã nhanh chóng nhập cuộc với công việc.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Xuân Hòa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH
Khởi đầu thuận lợi
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Mỹ, đội ngũ cán bộ, công chức đã vào vị trí làm việc từ sớm. Sau 20 phút đến trung tâm làm thủ tục nhận trợ cấp người cao tuổi, bà Dương Thị Hạnh (80 tuổi) ra về trong sự hài lòng. “Các cháu đưa tôi vào tận nơi, hướng dẫn tôi tới lấy số thứ tự”, bà Hạnh kể.
Trong thời gian chờ cán bộ giải quyết, bà Hạnh cùng một số người lớn tuổi khác được bố trí ngồi tại phòng tiếp dân, có trà và đồ ăn nhẹ. “Mọi thứ đều rất trơn tru, thuận lợi, không gian thân thiện, cán bộ nhiệt tình, nhẹ nhàng và chu đáo”, bà Hạnh nhận xét. Tương tự, ông Huỳnh Văn Thanh đến làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế cũng ra về với nụ cười hài lòng khi được hướng dẫn rất tận tình.

Đông đảo người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, sáng 1-7. Ảnh: CẨM TUYẾT
Tại phường Xuân Hòa, đội ngũ cán bộ, công chức đã có mặt từ sáng sớm để chuẩn bị máy móc, thiết bị phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trước cửa Trung tâm Phục vụ hành chính công có trang bị một ki-ốt thông minh, người dân có thể quét CCCD, mã QR hoặc thao tác trên màn hình để lấy số thứ tự và được hướng dẫn bằng giọng nói. Người dân khi đến liên hệ công tác được cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công hướng dẫn tận tình, từ việc thao tác trên ki-ốt lấy số thứ tự đến giải quyết các thủ tục. Bà Lê Thị Tùng, ngụ phường Xuân Hòa, bày tỏ kỳ vọng vào bộ máy hành chính mới gần dân, hỗ trợ người dân được tốt hơn. Đồng thời mong muốn các Trung tâm Phục vụ hành chính công bố trí cán bộ để hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Sẵn sàng tâm thế thực hiện nhiệm vụ mới
Tại phường Vũng Tàu, gần 7 giờ sáng, cán bộ, viên chức của Trung tâm Phục vụ hành chính công đã có mặt đông đủ để vận hành máy móc phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến khoảng 8 giờ, người dân đến rất đông, bàn ghế được kê thêm để có chỗ cho người dân ngồi chờ làm thủ tục. Ông Bùi Văn Hy, Chủ tịch UBND phường Vũng Tàu, cho biết, bảo hiểm y tế, đất đai, hồ sơ pháp lý là những lĩnh vực có đông người đến làm thủ tục.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hòa Hiệp hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: HUYỀN TRANG
Tương tự, tại phường Bà Rịa cũng có rất đông người đến Trung tâm Phục vụ hành chính công làm các thủ tục về giấy phép kinh doanh, bảo hiểm y tế, đất đai. Hiện nay đang phát sinh vấn đề về bảo hiểm y tế do trước đây tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, khi sáp nhập với TPHCM thì bảo hiểm y tế của những người này đang bị tạm đóng để chờ hướng dẫn mới.
Khi TPHCM mới đi vào hoạt động chính thức, nhiều cán bộ, công chức tỉnh Bình Dương cũ lựa chọn làm việc tại các cơ quan mới sau hợp nhất, đều bày tỏ sự phấn khởi, sẵn sàng tâm thế thực hiện nhiệm vụ mới.

Đoàn viên thanh niên phường Tân Mỹ hướng dẫn người dân. Ảnh: THU HƯỜNG
Bà Nguyễn Kim Loan (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Dương), được phân công đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM mới, chia sẻ: Ngay khi được phân công nhiệm vụ tại TPHCM mới, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào và sẵn sàng ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Với tinh thần luôn luôn xung phong, dù ở đâu tôi cũng cống hiến hết mình và cố gắng sớm hòa nhập với đồng nghiệp mới, đóng góp sức mình vào sự phát triển của đơn vị.
Anh Nguyễn Quốc Trí (nguyên cán bộ thanh tra, Sở Xây dựng Bình Dương cũ), về đơn vị mới và được bố trí làm việc tại Phòng Kiểm tra giám sát thuộc Thanh tra TPHCM, đã sắp xếp công việc gia đình để đi - về trong ngày, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh tâm sự: “Ở đơn vị mới có nhiều người quen và từng tương tác công việc trước đây nên tôi không có gì bỡ ngỡ mà xác định sẽ bắt tay ngay vào việc, sớm lên kế hoạch trực tiếp đi cơ sở nắm bắt các hoạt động cấp xã, phường mới”.

Phường Thủ Đức sử dụng robot phục vụ người dân lấy số thứ tự tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: TRẦN THANH
Xây dựng không gian khang trang, thuận tiện
Ông Nguyễn Đoàn Đăng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Mỹ, cho biết, đơn vị phối hợp Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường xây dựng không gian khang trang, thân thiện cho người dân đến giao dịch, như bố trí khu vực phục vụ nước uống, thức ăn nhẹ miễn phí; khu vực hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; khu vực hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo và các trường hợp khó khăn, trong đó thực hiện miễn phí thủ tục hành chính cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Trung tâm cũng phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn của phường để cử cán bộ sang hỗ trợ trực tiếp các trường hợp cần thiết. Cũng trong ngày 1-7, Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII (TPHCM) đã bố trí viên chức thường trực tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính cấp xã.
Sử dụng robot phục vụ người dân
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, người dân đến làm thủ tục hành chính rất bất ngờ khi nơi này sử dụng robot để phục vụ người dân. Robot với dòng chữ “Kính chào quý khách”, với màn hình lấy số thứ tự, đem theo các chai nước, được cài đặt chạy quanh khu vực người dân ngồi chờ làm thủ tục hành chính. Ông Lê Thượng Duy Lập, Phó Chủ tịch UBND kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, cho biết, phường bố trí 2 robot, trước mắt được cài đặt để chào đón, mời nước người dân; hỗ trợ hướng dẫn người dân lấy số thứ tự; hỗ trợ hướng dẫn chỉ đường đến đúng bộ phận thực hiện thủ tục.