Ngày đêm khoét núi mở hầm làm cao tốc: 'Gian khổ nhưng tự hào!'
Dù phải làm việc cả ngày lẫn đêm, xuyên cả lễ, Tết nhưng các kỹ sư, công nhân thi công hầm Trường Vinh đều rất tự hào, hãnh diện.
Gác tình riêng, bám công trường
"Cu Bon vẽ gì đó?". "Con vẽ gia đình, đây là bố, đây là mẹ, còn đây là con nè. Bố thấy đẹp không?". "Đẹp quá! Con ở nhà chăm học, nghe lời mẹ và ông bà, hôm sau về bố sẽ mua quà nhé!". "Dạ!"...
Giữa bốn bề núi rừng, cuộc nói chuyện vui vẻ của bố con kỹ sư Nguyễn Huy Thanh khiến mọi người có mặt cũng cảm thấy vui lây.
Anh Thanh (SN 1985), quê ở TP Đồng Hới, Quảng Bình, là kỹ sư công trình giao thông nên đã quá quen với cảnh xa nhà.
Vợ anh là nhân viên siêu thị, làm việc theo ca nên thời gian cũng thất thường. Trong khi đó, con trai chỉ mới 5 tuổi, nên hết ca là anh lại tranh thủ gọi điện về nói chuyện.
Hôm nay làm ca chiều (từ 12 – 18h), sau khi tắm rửa, cơm tối xong anh mới điện thoại nói chuyện với con.
Hỏi ra mới biết, hầm Trường Vinh chưa phải là công trình xa nhà nhất mà anh Thanh từng thi công. Tuy nhiên, vì đường găng tiến độ và tầm quan trọng của dự án mà nhiều tháng nay anh em kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vẫn ngày đêm bám công trường.
“Công ty luôn sẵn sàng sắp xếp để anh em tranh thủ về nhà khi có công việc. Tuy nhiên, vì đặc thù của dự án và lại không phải việc thật sự hệ trọng thì anh em đều động viên nhau bám công trường.
Thương vợ và con nhỏ, mình càng cố gắng hơn. Thêm một mét hầm, mét đường được hoàn thành là quãng đường về với gia đình ngày càng ngắn hơn”, kỹ sư Thanh tâm sự.
Chúc con trai ngủ ngon, anh Thanh lại vội ngồi vào bàn làm việc. Lúc này đã là 20h30’. “Ban ngày, anh em tập trung làm các thí nghiệm và kiểm tra hiện trường. Đêm đến, mệt mấy cũng phải kiểm tra lại các số liệu nhiều lần nữa mới an tâm. Làm hầm, không thể để xảy ra một sai sót, dù nhỏ nhất…”, kỹ sư Thanh nói.
Cách đó không xa, trong ống hầm bên trái, gần chục kỹ sư, công nhân khác của Công ty Sơn Hải cũng đang miệt mài thi công. Do mới khoan nổ mìn nên vẫn còn đá, bụi còn gác lại trên trần hầm có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Chưa kể, hầm đã đào xuyên vào trong núi cả trăm mét sâu nên đơn vị thi công phải dùng quạt gió công suất lớn để thổi không khí vào trong. Vì vậy, các kỹ sư, công nhân phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ như: mũ công trường, ủng, khẩu trang… mới được vào trong hầm.
Công nhân lái máy khoan Phạm Hồng Khanh (SN 1965, ở Hậu Lộc, Thanh Hóa) kể: Hai vợ chồng ông nguyên là lính Binh đoàn Trường Sơn, thi công thủy điện Hòa Bình. Sau khi nghỉ hưu, vợ ở nhà còn ông đầu quân cho Tập đoàn Sơn Hải.
"Tôi đã từng thi công hầm Hải Vân, Thung Thi… Công việc đã quen, lại có sự hỗ trợ tối đa của máy móc hiện đại nên không quá mệt nhọc. Sống và làm việc xa gia đình nhưng bù lại, anh em luôn hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Ngoài vợ và 4 cháu nội ngoại, ở nhà tôi còn bà nội 106 tuổi và mẹ già 85 tuổi nên xa nhà lâu ngày cũng có lúc không an tâm.
May mắn là nhà xa nhưng công nghệ hiện đại, đơn vị lắp đặt cả wifi nên liên lạc luôn dễ dàng, thuận lợi. Mỗi lần gọi về, cả gia đình đều động viên an tâm bám công trường, thi công tốt để hoàn thành công trình sớm", ông Khanh kể.
Được thi công công trình trọng điểm quốc gia ngay trên quê hương, ông khoe: "Công trình sau khi hoàn thành sẽ kết nối các địa phương gần với nhau hơn nữa. Mỗi lần đăng ảnh tiến độ hầm lên nhóm Hậu Lộc quê tôi, thấy mọi người rất vui mừng, tôi càng thấy tự hào, hãnh diện".
Thi công 24/24h xuyên lễ, Tết
22h30', ngọn núi Mồng Gà vẫn sáng trưng đèn. Cả 2 ống hầm phía Bắc, hàng chục công nhân của Tập đoàn Đèo Cả vẫn miệt mài làm việc. Ở ống hầm bên phải, tập đoàn huy động 2 dây chuyền khoan và 1 dây chuyền phun bê tông. Phía trong, công nhân vừa khoan vừa cắm thép neo, lắp vì sắt, còn phía sau máy phun bê tông gia cố.
Ở ống hầm bên trái, xe máy đang tiến hành thu hót đất đá bên trong để chuyển ra ngoài. Cách đó khoảng hơn 500m về phía Bắc, một kíp công nhân khác của Tập đoàn Đèo Cả cũng đang khẩn trương thi công đường dẫn vào hầm… Không khí trên đại công trường lúc nửa đêm không khác gì so với ban ngày.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Thành, phụ trách công tác thi công hầm Trường Vinh của Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Trên công trường hầm Trường Vinh lúc nào cũng có khoảng 50 kỹ sư, công nhân làm việc 24/24h, xuyên cả lễ và Tết.
“Môi trường làm việc trong hầm khác hoàn toàn với bên ngoài. Các kỹ sư, công nhân thi công hầm đều là những người có chuyên môn cao, kinh nghiệm lâu năm, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc an toàn lao động.
Ngoài ra, công nhân còn được sự hỗ trợ tối đa của các máy móc, thiết bị hiện đại với độ chính xác cao. Cụ thể thiết bị khoan của Nhật, công nghệ của Áo; còn thiết bị phun của Thụy Điển với độ đếm rất chuẩn”, kỹ sư Thành nói.
Nhờ phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học, đến nay Đèo Cả đã khoan được 190/291m, hạ nền được 50m ống hầm bên phải; khoan được 267/281m ống hầm bên trái, đáp ứng đúng tiến độ đề ra.
Hầm Trường Vinh nối thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) dài 450 m là một trong những hạng mục dự án hầm quan trọng trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thuộc dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu.
Trải qua 8 tháng thi công liên tục, hai đơn vị thi công hầm Trường Vinh đang thực hiện những mũi khoan cuối cùng. Dự kiến cuối tháng 4/2022 sẽ thông ống hầm bên trái, và hoàn thành cả 2 ống hầm vào giữa tháng 5/2022.
Về vấn đề kỹ thuật, kỹ sư Thành cho biết: Các hầm lớn khác mà đơn vị từng thi công như Hải Vân, Cù Mông chỉ có đường kính 12m. Còn hầm Trường Vinh đường kính mở rộng lên đến 15m cho 3 làn xe.
Vì vậy việc gia cố phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Cho đến nay, các kỹ sư của tập đoàn đều xử lý cơ bản các khó khăn về kỹ thuật. Ngoài ra, trong quá trình thi công còn phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn giám sát để đảm bảo chất lượng cao nhất.
Ở phía Nam hầm Trường Vinh, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã khoan và hạ nền xong ống hầm bên phải. Ống hầm bên trái chỉ còn 24m nữa là xong. Hiện công ty này đang thiết kế ván khuôn để đổ bê tông hoàn thiện.
Kỹ sư Nguyễn Viết Lập cho biết: "Từ ngày khởi công cho đến nay, công ty đều bố trí 3 ca làm việc 24/24, xuyên lễ Tết. Cũng giống như Đèo Cả, bên cạnh công tác chuyên môn, đơn vị còn luôn chăm lo, đảm bảo mọi công nhân đều có sức khỏe và tinh thần tốt nhất để làm việc".