Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11: Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể giàu giá trị

Đã có nhiều giải pháp được đề ra, trong đó không thể không nhấn mạnh đến công tác nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đến đông đảo người dân. Đồng thời, cần có những giải pháp cấp thiết cả về cơ chế, chính sách và kinh phí, nhằm bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc và ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền hay sai lệch giá trị di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Trò Xuân Phả. Ảnh: Khôi Nguyên

Có nhận định cho rằng, nếu như di sản văn hóa vật thể là những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử của một dân tộc trong quá khứ; thì di sản văn hóa phi vật thể lại là những truyền thống văn hóa đang “sống” và chứa đựng trong đó những trải nghiệm cuộc sống, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vùng đất cổ Thọ Xuân được con người đến tụ cư từ rất sớm. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu vết hoạt động của con người trong nền văn hóa Sơn Vi trên các gò, đồi thấp ở các xã phía Bắc sông Chu. Chưa hết, đây còn lưu lại dấu vết những làng cổ quy mô lớn của thời kỳ văn minh Đông Sơn, được phát hiện tại thị trấn Thọ Xuân, các xã Xuân Hồng, Xuân Lập... Song, điều đặc biệt hơn cả và ít có vùng đất nào trên dải đất hình chữ S có được, khi mảnh đất địa linh này là nơi phát tích của hai vương triều phong kiến hiển hách bậc nhất lịch sử: Tiền Lê và Hậu Lê. Trên cái nền của lịch sử - văn hóa lâu đời và giàu có ấy, con người nơi đây đã sáng tạo nên một kho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mà nổi tiếng nhất phải kể đến Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn và Trò Xuân Phả.

Trò Xuân Phả là một hệ thống gồm 5 trò diễn là Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Lục Hồn Nhung. Trò Xuân Phả phản ánh việc sứ thần các nước lân bang đến tiến cống vua Nam Việt và nghinh bái Thành hoàng nước Nam trong dịp mừng thắng trận. Suốt nhiều thế kỷ ra đời, tồn tại và trải qua vô vàn biến cố lịch sử và xã hội, Trò Xuân Phả đã được người dân làng Xuân Phả bảo tồn, chắt lọc giá trị và nâng tầm nó trở thành di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, Trò Xuân Phả đã hoàn thiện cả về kỹ thuật làm mặt nạ, đạo cụ, trang phục, âm nhạc và lời ca. Cũng nhờ đó mà phần linh hồn của di sản đã được làm sống lại và được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trò Xuân Phả thể hiện rõ tính đại diện và bản sắc văn hóa cộng đồng địa phương. Đồng thời, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, nó được nhận định là biểu hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất của truyền thống văn hóa, văn minh Việt Nam ở một vùng đất đã và đang tồn tại cùng dặm dài lịch sử. Cũng bởi những giá trị đặc sắc, độc đáo và riêng có ấy mà Trò Xuân Phả là một trong những di sản đầu tiên của Thanh Hóa, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện, di sản đặc sắc này đang được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, Trò Xuân Phả đã trở thành một phần hấp dẫn của lễ hội Lam Kinh - di sản văn hóa độc đáo, gắn với sự ra đời và tồn tại của Di tích Lam Kinh ngót 6 thế kỷ qua.

Nói đến các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của xứ Thanh, không thể không nhắc đến Hò Sông Mã. Đây là một trong những đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật trình diễn dân gian xứ Thanh. Hò Sông Mã ra đời từ trong quá trình lao động, hay là thành quả từ sự kết tinh mồ hôi và trí tuệ của cư dân vùng sông Mã. Bởi vậy, Hò Sông Mã chỉ hay, sống động, giàu sức sống và sức biểu cảm khi được “trình diễn” trong khi lao động, hay theo những chuyến đò ngược xuôi sông Mã. Hò Sông Mã được kết cấu bằng một hệ thống làn điệu mang tính nguyên hợp, không phân tách, với 5 chặng rõ rệt, gồm hò rời bến, hò đò ngược, hò mắc cạn, hò đò xuôi và hò cập bến. Mỗi câu hò đều thấm đẫm mồ hôi của các trai đò và quyện cùng con nước mỗi khi lên thác xuống ghềnh, hay xuôi theo dòng nước hiền lành chảy về phía hạ lưu. Lời ca có đôi khi là sự ngẫu hứng theo tâm trạng người hát, gắn với động tác và bối cảnh lao động. Nhưng cũng có đôi khi, người hát “lẩy” ca từ trong kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca dân gian. Cũng từ đó mà Hò Sông Mã có được loại “ngôn ngữ thi ca” khá dung dị, gần gũi nhưng cũng không kém phần tinh tế. Thế nhưng, khi những chuyến đò ngược xuôi sông Mã dần vắng bóng, thì “sân khấu trình diễn” đích thực của Hò Sông Mã cũng theo đó mà biến mất. Bởi vậy mà khác với Trò Xuân Phả, Hò Sông Mã giờ chỉ như “cái bóng” của một thời quá khứ, khi nó ít xuất hiện trong đời sống cộng đồng.

Trò Xuân Phả và Hò Sông Mã là những ví dụ điển hình nhất cho sự giàu có, đa dạng và độc đáo của cái nôi di sản xứ Thanh. Vùng đất giàu truyền thống này không chỉ có 1.535 di tích, danh thắng; mà còn là nơi sản sinh, nuôi dưỡng hàng trăm lễ hội lịch sử, văn hóa - tín ngưỡng, trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc. Điển hình phải kể đến trò diễn Pồn Pôông của người Mường, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); Trò Chiềng, xã Yên Ninh (Yên Định); lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy (lễ hát múa ăn mừng dưới cây bông) của người Thái, xã Xuân Phúc (Như Thanh); dân ca dân vũ Đông Anh (xã Đông Khê, huyện Đông sơn); lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc)...

Chưa hết, nói về di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại cùng đời sống cộng đồng các dân tộc xứ Thanh, còn phải nói đến kho tàng ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru... gắn với tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Đồng thời, đó còn là nghệ thuật trình diễn dân gian, với âm nhạc, múa, hát, sân khấu và nhiều hình thức trình diễn dân gian độc đáo khác. Cùng với đó là các tập quán xã hội đã ăn sâu bén rễ trong đời sống như luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác. Ngoài ra, đó còn là kho tàng tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục; nghề thủ công truyền thống...

Những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng ấy là yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa xứ Thanh. Đồng thời góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam và là nơi lưu giữ linh hồn của nước Việt. Bởi, cùng với các di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể đã và đang góp phần tạo nên chiều sâu, bề dày và hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ đích thực cho văn hóa dân tộc. Và hơn hết, các di sản này trở thành sợi dây vô hình, có khả năng gắn kết các cá nhân thành một cộng đồng bền chặt.

Tuy nhiên, cũng như bức tranh với những gam màu sáng - tối đối lập, ví như Trò Xuân Phả đang được gìn giữ và phát huy tương đối tốt; thì ngược lại, Hò Sông Mã lại đang chật vật tìm lại chỗ đứng trong đời sống văn hóa. Thực tế, không ít các di sản văn hóa phi vật thể đang dần mai một, khi bị chính cộng đồng sản sinh ra nó lãng quên hay không được quan tâm gìn giữ. Cách đây vài năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện một đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Kết quả, chỉ tính riêng 6 huyện, thành phố là Hà Trung, Thường Xuân, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Sầm Sơn và Quan Sơn, đã có 58/194 di sản có nguy cơ mai một và 41 di sản đã mai một hoàn toàn. Riêng huyện Hà Trung, kết quả rà soát, kiểm kê đối với 64 di sản thuộc 7 loại hình, cho thấy, có 28 di sản vẫn còn tồn tại, 32 di sản có nguy cơ bị mai một và 4 di sản đã mai một.

Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một khó khăn đến từ chính đặc trưng tồn tại của di sản. Ví như Hò Sông Mã thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, nhưng lại không có không gian để trình diễn. Song, cái khó hơn là nhiều loại hình trình diễn dân gian nói riêng và nhiều di sản văn hóa phi vật thể nói chung, đang chật vật tìm chỗ đứng trong đời sống, do không “được lòng” giới trẻ và không thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật hiện đại. Do vậy, muốn bảo tồn các loại hình di sản này cần đến nguồn kinh phí lớn để duy trì hoạt động, hỗ trợ nghệ nhân, khôi phục không gian trình diễn...

Việc nhiều di sản phi vật thể đối mặt với nguy cơ mai một hoặc đã mai một, là một thực trạng cần được quan tâm hiện nay. Đồng thời, nó đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, cộng đồng có di sản và mỗi cá nhân trong cộng đồng ấy. Đã có nhiều giải pháp được đề ra, trong đó không thể không nhấn mạnh đến công tác nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể đến đông đảo người dân. Đồng thời, cần có những giải pháp cấp thiết cả về cơ chế, chính sách và kinh phí, nhằm bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc và ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền hay sai lệch giá trị di sản.

Du lịch hiện được xem là một “giải pháp” hữu hiệu, để duy trì và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, di sản phi vật thể nói riêng. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần đầu tư có chiều sâu cho việc duy trì một số ngành nghề thủ công, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, trò chơi trò diễn tiêu biểu và độc đáo nhất, gắn với các khu di tích và phục vụ phát triển du lịch. Tất nhiên, việc khai thác các di sản phục vụ phát triển du lịch phải trên cơ sở tôn trọng tính nguyên vẹn và giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... của di sản ấy. Đồng thời, các bên liên quan như người chịu trách nhiệm quản lý di sản, người kinh doanh du lịch và cộng đồng sản sinh ra di sản, phải tìm được tiếng nói chung hay cam kết chung trong việc bảo vệ di sản. Từ đó, tạo ra các điều kiện bảo đảm một tương lai bền vững cho di sản.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-23-11-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-phi-vat-the-giau-gia-tri/127592.htm