Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Vinh danh sắc màu thổ cẩm

Không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, ngày nay, thổ cẩm đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thiết kế đưa thổ cẩm ra thế giới.

Người dân bản Sin Suối Hồ, Lai Châu thêu những tấm thổ cẩm để bán cho du khách. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Người dân bản Sin Suối Hồ, Lai Châu thêu những tấm thổ cẩm để bán cho du khách. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Thổ cẩm là loại vải được đồng bào dân tộc dệt thủ công với những họa tiết, hoa văn độc đáo nổi lên như thêu.

Hoa văn thổ cẩm có những nét đặc trưng riêng để khi nhìn vào đó mọi người phân biệt được các tộc người.

Không chỉ là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, ngày nay, thổ cẩm đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thiết kế đưa thổ cẩm ra thế giới và thực hiện nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị.

Truyền cảm hứng sáng tạo

Giới thiết kế thời trang Việt Nam không ai xa lạ với tên tuổi của nhà thiết kế Minh Hạnh. Bà là người rất ưa thích đưa chất liệu văn hóa truyền thống trong các thiết kế.

Với thổ cẩm, bà là một trong những người tiên phong đưa nét đẹp độc đáo của loại hình này ra thế giới và nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè yêu thời trang quốc tế.

Cũng từ những thành công đó, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế trẻ bắt tay khai thác các chất liệu độc đáo, đậm bản văn hóa Việt, trong đó có chất liệu thổ cẩm vào thiết kế thời trang.

Vào năm 2012, nhà thiết kế Minh Hạnh đã giới thiệu 50 mẫu thiết kế đặc biệt tại Lễ hội quốc tế dệt may đặc biệt tại Triển lãm “Les Métamorphoses” ở Bảo tàng Bargoin (Pháp).

Giữa kinh đô thời trang của thế giới, bạn bè quốc tế không khỏi trầm trồ khi chiêm ngưỡng những trang phục mang sắc màu thổ cẩm độc đáo, làm từ loại vải dệt tay của người H’Mông ở Hà Giang và Bắc Hà (Lào Cai), kết hợp với kỹ thuật thêu tay truyền thống tinh xảo.

Có thể nói rằng bộ sưu tập này của nhà thiết kế Minh Hạnh đã phối hợp tinh tế giữa truyền thống, hiện đại, tạo nên bức tranh sinh động sắc màu của sự hòa quyện Đông-Tây…

Năm 2017, một lần nữa, bộ sưu tập thời trang dựa trên chất liệu thổ cẩm của nhà thiết kế Minh Hạnh lại chiếm trọn cảm tình của bạn bè quốc tế tại Geneve, Thụy Sỹ.

Lần này, bà chọn chất liệu từ thổ cẩm Zèng của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bà đã nhìn thấy sản phẩm dệt Zèng chính là một chất liệu quý để sáng tạo ra các sản phẩm thời trang cao cấp.

Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ thành công của bà với thổ cẩm đều bắt nguồn từ chất liệu truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi họa tiết, hoa văn thổ cẩm của đồng bào đều mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đồng bào các dân tộc Việt Nam có ngôn ngữ, trang phục riêng.

Đặc biệt, họ tự làm ra trang phục, tự dệt vải từ khung dệt thủ công, nhuộm vải hoàn toàn từ cây lá trong rừng từ rất lâu đời và đến nay vẫn giữ được điều đó. Mỗi thước vải đồng bào tự dệt chứa đựng tình cảm, sự gửi gắm ước vọng vào đó nên có thể nói giá trị mỗi tấm là vô giá.

Thông qua nhiều hành động, việc làm đưa thổ cẩm nhiều vùng miền ra thế giới, nhà thiết kế Minh Hạnh mong muốn không chỉ thổ cẩm mà tất cả chất liệu truyền thống dệt bằng tay của Việt Nam cần có chiến lược.

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của nhiều bên liên quan, các nhà thiết kế chỉ là một phần trong chuỗi mắt xích này.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để quảng bá, giờ đây, không chỉ trang phục được may bằng thổ cẩm, mà cả những phụ kiện như ví, túi xách, túi khoác, ba lô, khăn tay, khăn choàng…từ thổ cẩm đã trở thành món quà hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo chân du khách, những sắc màu thổ cẩm đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo, riêng có của Việt Nam ra khắp năm châu.

Lan tỏa vẻ đẹp hoa văn dân tộc vào cuộc sống đương đại

Ethnicity là một dự án bảo tồn di sản họa tiết hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.

Thông qua hình thức mỹ thuật số hóa các họa tiết thổ cẩm, dự án Ethnicity đã tạo ra thư viện số đầu tiên tại Việt Nam để bảo tồn, quảng bá, phát triển các hoạt tiết, hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc.

Đặc biệt nhất là những người thực hiện dự án này đều là những người còn rất trẻ, yêu thích và hiểu về miền đất Tây Nguyên, muốn gìn giữ và bảo vệ những nét đẹp văn hóa này.

Ý tưởng về việc bảo tồn hoa văn thổ cẩm của nhóm các bạn trẻ bắt đầu từ năm 2018.

Một họa tiết thổ cẩm được giới thiệu qua hình thức mỹ thuật số hóa. (Nguồn: Facebook Ethnicity)

Một họa tiết thổ cẩm được giới thiệu qua hình thức mỹ thuật số hóa. (Nguồn: Facebook Ethnicity)

Bắt nguồn từ thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), một nhóm các bạn trẻ đến từ nhiều trường đại học nung nấu ý tưởng làm sống lại hoa văn dân tộc K’Ho và Mạ.

Thông qua dự án này, các bạn trẻ mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng thiết kế, sáng tạo ứng dụng hoa văn dân tộc vào các sản phẩm đương đại.

Ví dụ như hoa văn thổ cẩm được thiết kế cách điệu, bắt kịp xu hướng từ những hoa văn gốc lên trang phục của Hoa hậu H'Hen Niê, trang phục thổ cẩm cách tân trong các video âm nhạc “Để Mỵ nói cho mà nghe” của nữ ca sỹ Hoàng Thùy Linh…

Không chỉ thế, hoa văn thổ cẩm đều được Ethnicity mỹ thuật hóa, lưu trữ trong thư viện số, công khai miễn phí cho cộng đồng sử dụng. Những người thực hiện dự án này còn thu thập, nghiên cứu ý nghĩa của hoa văn thổ cẩm nhằm quảng bá vẻ đẹp tinh thần của di sản văn hóa này.

Đại diện nhóm dự án Ethnicity cho biết hoa văn thổ cẩm được tạo nên bởi hình tam giác, chữ nhật, vuông, tròn, đường thẳng, gấp khúc…, mỗi hình dáng mang một ý nghĩa, câu chuyện của người dệt ở từng tộc người.

Dựa vào các hoa văn gốc, dự án Ethnicity phát triển theo nhiều phong cách, kết hợp với nhiều màu sắc, bắt kịp xu hướng thời đại để thúc đẩy cộng đồng sử dụng, quảng bá.

Đặc biệt, những bạn trẻ trong muốn còn “tham vọng” tạo nên làn sóng ứng dụng hoa văn thổ cẩm vào các thiết kế hằng ngày của người Việt như đồ dùng sinh hoạt, thời trang, nghệ thuật, quà lưu niệm...

Sau thời gian chuẩn bị, nghiên cứu thông tin tư liệu, đến nay, nhóm dự án đã cho ra mắt Thư viện hoa văn thổ cẩm các dân tộc thiểu số vào tháng 7/2020.

Đây là thư viện số hoa văn gốc và hoa văn phát triển, sáng tạo dựa trên hoa văn thổ cẩm gốc của đồng bào dân tộc thiểu số Mạ và K’ho.

Các sáng tạo mới vẫn giữ được hồn cốt, tinh thần dân tộc trên mỗi hoa văn nhưng cũng rất độc đáo, đa dạng, dễ dàng chỉnh sửa và sử dụng trong thiết kế. Đặc biệt, màu sắc, kiểu dáng các thiết kế rất hiện đại, mang tính ứng dụng cao với các loại hình thiết kế khác nhau.

Từ những hoa văn phát triển này, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể hoa văn thổ cẩm sẽ được lưu giữ, lan tỏa đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì lòng tự hào về văn hóa truyền thống của đất Việt nghìn năm văn hiến.

Dự án Ethnicity được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa đánh giá cao bởi đây là dự án góp phần thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị của thổ cẩm trong cuộc sống đương đại trong bối cảnh văn hóa thổ cẩm của đồng bào các dân tộc nói chung đang mai một trong cuộc sống hàng ngày.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam khẳng định để bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm, chính cộng đồng của các dân tộc phải bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống. Muốn vậy, không chỉ chú trọng việc dạy nghề bằng phương pháp thủ công mà cần phải kết hợp song song giữa thủ công và công nghiệp, chú trọng việc tìm ra nguồn nguyên liệu mới, giá cả phải chăng, thiết kế cải tiến mẫu mã trang phục hoặc làm thành nhiều vật dụng tiêu dùng khác./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngay-di-san-van-hoa-viet-nam-vinh-danh-sac-mau-tho-cam/678197.vnp