Ngày Đo lường Việt Nam 20/1
Ngày 20/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL quy định về đo lường hợp pháp của Việt Nam. Ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20/01 hàng năm là 'Ngày Đo lường Việt Nam'. 75 năm qua, ngành Đo lường Việt Nam đã phát triển không ngừng và đáp ứng được yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Đo lường tham dự vào toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất, điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và giai đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, cho đến khâu lắp đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành sản phẩm. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất. Hoạt động đo lường là một trong những hoạt động đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu được trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Đo lường là một quá trình đánh giá, định lượng một đại lượng cần đo để có kết quả bằng số so với đơn vị đo.
Ngày 06/7/1990, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh đo lường và ngày 16/07/1990, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ký lệnh công bố Pháp lệnh này. Pháp lệnh đo lường 1990 thể hiện sự đổi mới công tác quản lý nhà nước về đo lường khi chuyển từ nền kinh tế tập trung - bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Những năm qua, hệ thống các văn bản pháp luật về đo lường được sửa đổi nhiều lần và tương đối hoàn thiện, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngày 06/10/1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh đo lường (sửa đổi) và ngày 18/10/1999, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký công bố Pháp lệnh này. Đây chính là cơ sở để đo lường nước ta phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày 11/11/2011, Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Đo lường; đây là văn bản pháp luật cao nhất của Nhà nước ta về đo lường. Luật đã thể hiện những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ đo lường phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế hiện nay. Luật Đo lường có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 01/07/2012.
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030” (gọi tắt là Đề án 996) nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp quy hoạch phát triển bộ ngành và địa phương; xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường… Đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương; Phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 10.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp; triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường. Đến năm 2030, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận ít nhất 300 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận; phát triển ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường ít nhất 20.000 cán bộ; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 100.000 doanh nghiệp; áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 2.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường…
Ngày 30/7/2024, thay mặt Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư “về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ, để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển đất nước, trong đời sống xã hội; về ý nghĩa của việc sản xuất, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng; nâng cao ý thức tự giác chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế dựa trên các nền tảng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và mô hình quản trị thông minh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Chuyển hình thức kiểm soát đối tượng, công đoạn cụ thể sang quản lý chuỗi sản phẩm, từ khâu nghiên cứu tiền sản xuất, tổ chức sản xuất đến tổ chức phân phối, lưu thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam...
Trong các hoạt động của xã hội ngày nay, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của hoạt động đo lường đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng… Việc áp dụng hệ đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, văn minh thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và cũng là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế thế giới.
75 năm qua, ngành Đo lường Việt Nam đã phát triển không ngừng và đáp ứng được yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử. Hệ thống các văn bản pháp luật về đo lường được sửa đổi nhiều lần qua các giai đoạn lịch sử đến nay đã tương đối hoàn thiện, bao gồm Luật Đo lường (2011) và các văn bản dưới luật, phù hợp với trình độ kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế thời đại. Đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khỏe và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ngay-do-luong-viet-nam-20-1-3175064.html