Ngày gặp mặt của cựu chiến binh Trung đoàn 'Củ Chi đất thép' anh hùng
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tôi có mặt và chứng kiến cuộc gặp mặt vô cùng ý nghĩa và tràn đầy xúc động sau nhiều năm xa cách của các chiến sĩ Trung đoàn 'Củ Chi đất thép' tại đền Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Những cái bắt tay thật chặt, những giọt nước mắt hạnh phúc của các thương binh, cựu chiến binh - những chiến sĩ dũng cảm năm xưa nay đầu đã bạc, đi lại khó khăn vì thương tật, nhưng vẫn đến được với nhau giữa thành phố mang tên Bác.
Bùi ngùi nhớ lại, cách đây 46 năm, trước những diễn biến mau lẹ của chiến trường, ngày 12-4-1975, Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ra Chỉ thị hướng dẫn những công tác quan trọng trong và sau giải phóng; giao cho Thành đội Sài Gòn-Gia Định khẩn trương xây dựng lực lượng để tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Thành đội đã triển khai, nhanh chóng rút 3 đại đội bộ đội địa phương gồm: Đại đội 7, Đại đội 3 và Đại đội 25, cùng một số cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị và bộ đội địa phương thành lập thêm Trung đoàn để tham gia giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Vì lẽ đó, Trung đoàn Gia Định 2 được thành lập ngày 14-4-1975 trên quê hương Củ Chi và được gọi với cái tên thân thương: Trung đoàn “Củ Chi đất thép".
Khi thành lập, đơn vị có 768 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đoàn, 3 cơ quan và 4 đơn vị trực thuộc: Đại đội trinh sát, Đại đội cối, Đại đội thông tin, Đội nữ du kích, với hầu hết con em của huyện Củ Chi. Trung đoàn Gia Định 2 đã phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang đất thép: “Kiên cường bám trụ, tự lực, tự cường, chiến đấu sáng tạo, thắng lợi vẻ vang". Đơn vị đã dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn, đánh địch trên trục đường 15, giải phóng Đồn Tổng Khôn, bót chợ Tân Thạnh Đông, thị trấn Hóc Môn, Thành Quan 5, quân trường Quang Trung, đánh chiếm Tòa hành chính tỉnh Gia Định. Thành tích và chiến công oanh liệt của Trung đoàn Gia Định 2 góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ngày đầu giải phóng, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân quản, truy quét tàn quân địch, tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia chiến dịch X1 (cải tạo hạ sĩ quan, binh sĩ Sài Gòn) và X2 (cải tạo tư sản mại bản). Mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh, còn mang trên mình lắm vết thương thì chiến tranh biên giới nổ ra, tháng 2-1976, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quyết định thành lập Trung đoàn 2 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) trên cơ sở Trung đoàn Gia Định 2 (Trung đoàn “Củ Chi đất thép”).
Trung đoàn 2 CANDVT được Bộ Tư lệnh CANDVT giao nhiệm là Trung đoàn cơ động của Bộ trên tuyến biên giới Viêt Nam - Campuchia (từ tỉnh Gia Lai-Kon Tum đến tỉnh Cà Mau). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam, cùng với các lực lượng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc, đến tháng 12-1979, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 2 tiếp tục được lệnh chuyển từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng với chức năng nhiệm vụ mới là một đơn vị BĐBP (Trung đoàn 688) hoạt động trên biên giới phía Campuchia, dưới sự quản lý của Quân khu 7.
Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, gian khổ, ác liệt ở một chiến trường mới lạ, quân địch tuy bị đánh bại ngày 7-1-1979, nhưng phần đông chúng tan rã tại chỗ và luôn bị kích động hận thù, ngày đêm mai phục, tìm sơ hở của quân tình nguyện để đánh phá, gây cho ta rất nhiều gian khổ, hy sinh. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã vượt qua muôn vàn khó khăn, dũng cảm chiến đấu, làm cho bọn địch phải khiếp sợ.
Bước chân các chiến sĩ của Trung đoàn đã đi khắp Pai Lin, Mohon, Cầu Cháy, Cao Mê Lai, Tra Công, Krao, Phum Kop, Mỏ Vẹt, Poi Pét, Đăng Cum, Am Pin, núi Hồng... Vượt qua gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của 2 dân tộc. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống hay hy sinh một phần xương máu trên chiến trường khốc liệt vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang mà đến nay, còn nhiều hài cốt liệt sĩ đang nằm rải rác giữa núi rừng Campuchia.
Từ ngày 14-4-1975 đến ngày 18-6-1984, Trung đoàn Gia Định 2 đã mang nhiều phiên hiệu như: Trung đoàn Gia Định 2, Trung đoàn 2 CANDVT, Trung đoàn 688 (BĐBP trực thuộc Mặt trận 479). Tuy mang nhiều phiên hiệu, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường của Trung đoàn.
Xúc động biết bao khi đồng đội bao nhiêu năm gặp lại, anh Đoàn Văn Thuần, quê ở quận Kiến An, thành phố Hải Phòng là thương binh cụt 2 chân tâm sự: “Tôi bị vướng mìn K58 trong một lần đi truy quét địch, được chuyển về Xiêm Riệp (Campuchia) và đưa về nước điều trị. Sau khi ra Bắc, tôi luôn được sự động viên, thăm hỏi của Trung đoàn và đồng đội, điều ấy đã thôi thúc tôi quyết tâm lao động, sản xuất và năm 1993, thành lập Công ty 3.3 chuyên sản xuất bê tông đúc sẵn, bảo đảm công ăn việc làm cho hàng chục người, doanh thu mỗi năm lên tới gần 20 tỷ đồng. Từ đó, tôi mới có điều kiện giúp đỡ đồng đội”.
Còn anh Phan Xuân Nghĩa, nguyên Quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2, Sư đoàn 5, Trưởng ban liên lạc 6 Trung đoàn BĐBP giúp Campuchia, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hòn Én thì luôn giữ đầu mối liên lạc với các tỉnh, anh đã đến nhiều địa phương để thăm và động viên đồng đội. Riêng anh đã đóng góp hơn 200 triệu đồng để ủng hộ vào quỹ học bổng con em BĐBP tại thành phố Hồ Chí Minh, ủng hộ kinh phí và vận động nhiều đơn vị đóng góp trên 500 triệu đồng xây nhà Tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, cùng với các mạnh thường quân quyên góp hơn 300 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung...
Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 2 đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của quân đội; nhiều đồng chí khi rời quân ngũ đã trở thành doanh nhân thành đạt, những cán bộ địa phương gương mẫu. Song, dù ở đâu, làm gì, họ vẫn đau đáu nghĩ về đồng đội, về Trung đoàn, khi có điều kiện là tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nhau với nhiều hình thức, bằng tình cảm yêu thương, trân trọng. Thật đáng tự hào những cựu chiến binh của Trung đoàn “Củ Chi đất thép” anh hùng!
Ngày 18-2-2021, Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP đã ký quyết định tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới" cho 235 đồng chí thuộc Trung đoàn 2 CANDVT và được trao trong buổi họp mặt truyền thống lần thứ 16. Trong niềm xúc động, nhiều đồng chí đã hôn lên Kỷ niệm chương và nói: “Chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay, được gặp đồng đội, được nhận Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, đó là niềm vinh dự, tự hào và niềm hạnh phúc vô bờ bến, nhưng nhiều đồng chí đã mãi mãi nằm lại ở biên cương và trên đất bạn Campuchia. Mong Bộ Tư lệnh BĐBP nghiên cứu để truy tặng Kỷ niệm chương cho các đồng chí ấy để an ủi vong linh liệt sĩ và động viên gia đình họ”.