Ngày Gia đình, Mỹ Linh tiết lộ các con chịu áp lực vì sự nổi tiếng của bố mẹ
Nữ 'diva' chia sẻ, cô từng tìm đọc cả sách tâm lý học về vấn đề này để học cách ứng xử với các con.
Dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Mỹ Linh lần đầu tiên trải lòng về các con của mình. Giọng ca “họa mi tóc nâu” tâm sự, cô con gái lớn Anna (con riêng của nhạc sĩ Anh Quân – PV) từng không chịu được việc bị “soi” từng ly từng tý một khi mới lớn vì có bố mẹ là người nổi tiếng. Có lẽ vì thế mà cô bé chọn tìm cơ hội học tập và thành công ở một phương trời khác. Cậu con trai thứ hai – Trương Anh Duy của vợ chồng cô mặc dù có năng khiếu nhất nhà nhưng cũng chọn một cuộc sống đơn giản, không ồn ào. Hiện được biết Anh Duy cũng đang theo học ngành bác sĩ y khoa tại trường Đại học Melbourne, Australia. Cậu cũng là người duy nhất trong ba con của nữ “diva” không đi theo con đường nghệ thuật nối gót bố mẹ. Còn cô con gái út Mỹ Anh thì đến năm ngoái vẫn khẳng định với mẹ rằng: “con không chịu được áp lực nên chắc con cũng đi”.
Hiểu được tâm lý và cả những áp lực mà các con của mình phải đối diện song Mỹ Linh cũng đã phải tìm đọc sách tâm lý học về vấn đề này để tìm ra cách ứng xử phù hợp. Nữ ca sĩ kể, đầu năm vừa rồi, Mỹ Anh cho cô nghe một bài hát mới mà cô bé sáng tác, tựa đề là “Pillar”, dịch ra có nghĩa là “cái cột nhà”. Khi ấy, Mỹ Anh từng tâm sự với mẹ rằng, cô bé rất hoang mang vì có quá nhiều lời khuyên dành cho mình, người thì bảo phải sáng tác và hát nhạc thị trường, người lại bảo phải viết ca khúc tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh. Ngay cả nhạc sĩ Huy Tuấn – người bạn thân thiết với gia đình Mỹ Linh – cũng khuyên Mỹ Anh là “không viết tiếng Việt khó thành công”.
Nghe con gái giãi bày tâm trạng hoang mang, Mỹ Linh nhẹ nhàng khuyên nhủ cô bé “hãy cứ là chính mình, không giả vờ được đâu, rồi con sẽ tìm thấy tâm giao, thấy những người hiểu mình”. Hơn ai hết, cô hiểu, có nhiều thứ phải biết chờ đợi chứ không “chín ép” được và cô tin Mỹ Anh sẽ sáng tác nhạc tiếng Việt khi đủ “chín”, còn nếu “ép” thì vừa không thành công, lại vừa khiến con gái cảm thấy thêm thành kiến.
Sau khi nghe Mỹ Linh phân tích và khuyên nhủ, đến một ngày Mỹ Anh gọi riêng mẹ ra và khoe hình xăm tên bài hát “Piller” trên cánh tay. Điều băn khoăn lúc này của cô bé là không biết bố - nhạc sĩ Anh Quân – có giận về hình xăm này không. Chưa vội trả lời câu hỏi của con gái, Mỹ Linh hỏi Mỹ Anh: “con có định xăm tiếp không?” và nhận được lời hồi đáp: “bây giờ thì chưa mẹ ạ”. Cô con gái út của vợ chồng Mỹ Linh cũng bày tỏ không thích việc xăm lắm nhưng vì “Pillar” là bài hát rất có ý nghĩa với mình nên muốn ghi lại để nhớ.
Lúc này, Mỹ Linh mới nhẹ nhàng nói với cô bé rằng cô không xăm cái gì bao giờ vì sợ đau, còn với việc Mỹ Anh xăm một chút cũng không sao, cũng đẹp. Nghĩ lại, Mỹ Linh bảo, cô biết Mỹ Anh đã trăn trở rất nhiều và quyết tâm xăm chữ “Pillar” lên cánh tay với quyết tâm có những sáng tác mang tên mình. Đối diện với áp lực sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ nổi tiếng, cô bé quyết tâm từ chối mọi sự giúp đỡ từ gia đình mà lặng lẽ đi tìm lối đi riêng, tìm bạn bè, êkip riêng chỉ với một mục tiêu là chính mình chứ không chỉ là “con của bố mẹ”. Nữ ca sĩ kể, cô biết có một nhóm các em học sinh học cùng trường với Mỹ Anh đều như cô bé với khát khao khẳng định thế hệ mình. Mới đây thôi, nhìn bọn trẻ vô tư cười nói vang nhà, cô chợt thấy nghẹn ngào vì xúc động.
Nói thêm về ca khúc “Pillar” (tạm dịch “Điểm tựa”) mà Mỹ Anh sáng tác và vừa trình làng rộng rãi, Mỹ Linh tâm sự, thời trẻ cô cũng từng có điểm tựa riêng, đó là quyết tâm vượt khó khi còn là sinh viên trường Nhạc viện Hà Nội. Thời đó, hàng ngày cô đạp xe từ nhà ở Thanh Xuân đến trường, thường xuyên ăn “bánh mì chịu”, uống “nhân trần chịu” ở quán gần trường vì chưa hết tháng đã tiêu hết tiền học bổng.
Ngẫm lại, Mỹ Linh bảo, cô nhận thấy điểm tựa của mình lúc bấy giờ chính là khát khao làm sao để giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh bữa nay lo bữa mai. Đó là lý do cô lao vào đi hát thuê, kể cả hát nhạc Bolero tại các nhà hàng cho khách ăn ngồi dưới nghe. Còn với cô con gái út Mỹ Anh, Mỹ Linh nói vui có lẽ điểm tựa của cô bé không còn là khát khao vượt khó, mà là “vượt sướng”, tức là không dựa dẫm vào bố mẹ hay gia đình và việc “vượt sướng” này xem ra cũng chẳng dễ dàng hơn “vượt khổ”.