Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nói về văn hóa gia đình Việt

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: 'Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình'. Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Báo Gia đình & Xã hội trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Duy Báu bàn về giá trị văn hóa của gia đình Việt.

Gia đình Việt Nam luôn coi văn hóa gia đình là một nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ảnh: T.L

Gia đình Việt Nam luôn coi văn hóa gia đình là một nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ảnh: T.L

1. Gia đình được xây dựng trên cơ sở hôn nhân nam nữ, được pháp luật công nhận. Chức năng quan trọng nhất chính là tái sinh ra con người để tiếp tục duy trì và phát triển nòi giống. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử, cũng như phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi địa phương mà quy mô gia đình có thể khác nhau. Phổ biến nhất hiện nay là quy mô gia đình gồm hai thế hệ. Song cũng có nhiều gia đình ba thế hệ, hoặc bốn thế hệ. Xã hội loài người tồn tại và phát triển từ nguồn gốc gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Bởi vậy muốn xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ thì trước tiên và quan trọng nhất là quan tâm đến gia đình, xây dựng một nền văn hóa gia đình phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội.

Ở Việt Nam, văn hóa gia đình là một nét đẹp truyền thống của dân tộc. Truyền thống từng gia đình gắn liền với truyền thống của dân tộc, của quê hương, của tổ tiên, của dòng họ. Đó là lòng yêu nước, thương nòi; tinh thần cần cù siêng năng lao động; ý thức hiếu học, tìm tòi sáng tạo; biết kính trên, nhường dưới, sống thủy chung… Văn hóa gia đình được thể hiện trong sự ứng xử giữa các mối quan hệ phụ thuộc, ràng buộc trong gia đình và từng thành viên của gia đình với xã hội. Trong gia đình đó là quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh em, giữa cháu chắt với ông bà, các cụ. Trong xã hội là quan hệ láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, quan hệ họ hàng, dòng tộc, quan hệ giữa người công dân với việc thực thi pháp luật, kỷ cương phép nước, việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

2. Hiện nay bên cạnh những mặt tốt nổi lên do phát huy được truyền thống cha ông và tính ưu việt của xã hội, như là chú ý đến giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục công dân chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy quyền dân chủ, tự do, bình đẳng; quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, tổ chức cuộc sống mới, đảm bảo an sinh xã hội... thì nhiều vấn đề nổi lên cần được quan tâm. Do tàn dư của xã hội cũ và áp lực của cuộc sống mà tiêu cực diễn ra trong nhiều gia đình đang diễn ra đáng lo ngại. Như là bạo lực gia đình, hành hạ thể xác và tinh thần giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái. Sự ăn chơi đua đòi của một bộ phận con em dẫn đến hư hỏng. Sự ứng xử thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng nhau trong các thành viên gia đình. Do thiếu việc làm chính đáng nên lâm vào cảnh túng quẫn, sa vào những tiêu cực của xã hội. Sự thâm nhập không được chọn lọc của văn hóa ngoại lai và mặt trái của cơ chế thị trường mà một số chuẩn mực đạo đức truyền thống gia đình đang bị xói mòn…

3. Văn hóa gia đình ở nước ta được xây dựng trên cơ sở từ lâu đời của cha ông để lại, mang màu sắc nho giáo. Cũng phải nói, mặc dầu nho giáo được truyền vào nước ta từ thế kỷ thứ III, thứ II trước công nguyên, nhưng trong quá trình thâm nhập vào gia đình Việt Nam đã được "việt hóa", được chọn lọc giữ lại những điều phù hợp như là đạo tu thân (tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ); đạo luân thường (ngũ luân: Vua tôi - cha con - vợ chồng - anh em - bạn bè; ngũ thường: Nhân - lễ - nghĩa - trí - tín). Giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình trong điều kiện và hoàn cảnh mới, chúng ta đang có cuộc vận động "Xây dựng gia đình văn hóa"; "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" mà nội dung chủ yếu xoay quanh văn hóa gia đình.

Điều quan trọng của văn hóa gia đình trước tiên và cốt lõi là văn hóa chung sống giữa vợ và chồng. Vợ chồng sống thủy chung và hết sức tin yêu nhau; bình đẳng, dân chủ và tôn trọng nhau; thật sự hiểu nhau, biết rõ cá tính và những ưu, nhược điểm của nhau để phát huy, bổ sung và hòa nhập, để có mối liên kết bền chặt, thành chỗ dựa và trung tâm quy tụ của gia đình. Cha ông đã đúc kết "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn". Quan hệ cha mẹ và con cái là mối quan hệ ruột thịt, máu mủ. Cha mẹ quan tâm đến việc giáo dục con cái trong gia đình để con khôn lớn, mạnh khỏe, để trở thành con ngoan, trò giỏi. Ra đời trở thành những "công dân tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt, những người chủ tương lai của đất nước" như Bác Hồ đã nói. Trong gia đình người con sống hiếu thảo, biết thương yêu, kính trên nhường dưới đối với cha mẹ ông bà, anh chị em và bà con xóm giềng. Rèn luyện cho con có nghị lực, có ý chí và bản lĩnh để làm chủ được mình. Ngoài sự chăm sóc nuôi dưỡng con cái thì cha mẹ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, nếp sống trong gia đình và ngoài xã hội. Mặt khác con cái phải tự mình học hỏi, tìm tòi sáng tạo để vươn lên làm chủ bản thân để không những tự lập được cuộc sống mà còn bổn phận nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ và đóng góp công sức cho xã hội.

Trong cuộc sống gia đình, giữa các thế hệ có khoảng cách về tuổi tác, giữa các thành viên còn có những mối quan hệ khác ở ngoài đời, nên nếp sống, cách nghĩ, sở thích… cũng khác nhau. Vì vậy con cháu phải biết đối xử với cha mẹ, ông bà kính nhường, lễ phép, tế nhị, mặt khác cha mẹ, ông bà cũng cần thông cảm và tôn trọng sinh hoạt của dâu con trong gia đình.

Văn hóa gia đình dựa trên nền tảng cuộc sống vật chất và tinh thần hài hòa. Các thành viên trong gia đình tự giác và hăng say lao động, làm việc để có cuộc sống vật chất, đảm bảo có chỗ ở, đủ ăn, đủ mặc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học hành, đi lại, giao tiếp… Gia đình văn hóa không thể sống trong nghèo khổ, mà phải biết tạo lập được cuộc sống bằng lao động chính đáng của các thành viên để làm giàu cho bản thân, cho gia đình và góp phần cho xã hội. Trong gia đình các thành viên chung sức tạo nên không khí yên lành, nghĩa là sống phải có kỷ cương, nề nếp trong sinh hoạt; luôn hòa thuận, yêu thương, quan tâm, đùm bọc lẫn nhau.

Xây dựng văn hóa gia đình là một việc lớn nhưng cũng rất cụ thể đối với từng nhà. Đây quả là một việc khó và công phu mà toàn xã hội cần quan tâm và suốt cả cuộc đời ai cũng phải chăm lo, phải phấn đấu. Từ văn hóa trong gia đình mà tỏa ra xã hội, văn hóa gia đình tốt đẹp thì xã hội mới giàu đẹp văn minh.

Đặng Duy Báu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/ngay-gia-dinh-viet-nam-28-6-noi-ve-van-hoa-gia-dinh-viet-20200626145413312.htm