Ngày Giỗ Tổ nhớ lời Bác dạy

Cứ đến dịp Giỗ Tổ mùng 10.3 âm lịch hằng năm, người dân nước Việt lại nhớ tới lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: 'Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'.

Đền Giếng - nơi Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Mai Anh

Đền Giếng - nơi Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Mai Anh

Chọn đất Tổ để khẳng định nhiệm vụ cách mạng

Theo sách “Hồ Chí Minh-474 ngày độc lập đầu tiên”, đúng 16 giờ ngày 11.4.1946 (tức mùng 10.3 năm Bính Tuất), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá, nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cùng ngày hôm ấy, tại Đền Hùng, cụ Huỳnh Thúc Kháng (bấy giờ là quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa) đã dâng hương cùng một tấm bản đồ và một thanh gươm quý để cáo tế với tổ tiên quyết tâm bảo vệ nền tự chủ quốc gia của dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm Đền Hùng. Đáng chú ý là lần thăm thứ nhất diễn ra vào ngày 19.9.1954. Sau khi dâng hương kính lễ các Vua Hùng, Bác Hồ đã nói chuyện và căn dặn bộ đội Đại đoàn Quân Tiên Phong-Sư đoàn 308: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lời căn dặn của Bác vừa thể hiện lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp cháu con phải cùng nhau giữ lấy nước.

Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cội nguồn dân tộc lên một tầm cao mới. Nhắc đến công lao của các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng, Bác đã khơi gợi lên ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn, nhất là trong lúc sự nghiệp cách mạng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những hy sinh to lớn. Niềm tự hào vững chắc về tổ tiên dựng nước là nguồn động lực lớn lao cổ vũ tinh thần đoàn kết đối với nhân dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết tuôn chảy từ cội nguồn. Lòng biết ơn, tục thờ cúng tổ tiên chính là nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam. Hình tượng Vua Hùng trong tâm thức Hồ Chí Minh đã gợi lên sức mạnh cội nguồn, khơi dậy tình cảm thiêng liêng cổ vũ toàn dân quyết chiến, quyết thắng trước kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông liền một dải.

Hải Dương khắc ghi lời Bác

Biết ơn tổ tiên, nhớ lời Bác dạy, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân Hải Dương đã phát huy sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, ra sức bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Hải Dương cùng với cả nước đã thực hiện triệt để đường lối kháng chiến, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước hòa bình, các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đưa quê hương, đất nước vững bước đi lên. Hàng nghìn người Hải Dương đã tạm biệt quê hương đi đến các vùng kinh tế mới ở khắp mảnh đất hình chữ S. Ở đâu những người con quê hương xứ Đông cũng nêu cao tinh thần đoàn kết với dân bản địa, hăng hái, sáng tạo, đi đầu trong mọi hoạt động góp phần đưa kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tinh thần đoàn kết càng được thể hiện rõ hơn. Cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa Hải Dương phát triển vượt bậc. Năm 2021, Hải Dương tăng trưởng kinh tế đứng thứ 8, quy mô nền kinh tế đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Với khát vọng vươn lên, Hải Dương đang mở rộng hợp tác, đoàn kết cùng phát triển với nhiều tỉnh, thành phố trên nhiều lĩnh vực. Gần đây nhất là sự kiện Hải Dương cùng với TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị hợp tác phát triển. Việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương sẽ phát huy vai trò là những cực tăng trưởng, địa bàn động lực, góp phần quan trọng, xứng đáng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tinh thần đoàn kết được nhân dân Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung thể hiện qua việc quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Đầu năm 2021, Hải Dương trở thành tâm dịch Covid-19 của cả nước, hàng chục tỉnh, thành phố đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi dịch lan rộng và diễn biến phức tạp trong cả nước, Hải Dương cử nhiều đoàn công tác tham gia hỗ trợ các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... Cán bộ, nhân dân trong tỉnh quyên góp hàng tỷ đồng, 160 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, thiết bị, vật tư y tế ủng hộ miền Nam chống dịch. Những năm gần đây, Hải Dương đã hỗ trợ hai tỉnh Phú Yên, Lai Châu xây dựng 75 ngôi nhà "đại đoàn kết" cho hộ nghèo...

Tinh thần đoàn kết đã, đang và sẽ tạo nên sức mạnh giúp quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lam-theo-guong-bac/ngay-gio-to-nho-loi-bac-day-200246