Ngày hội công nghệ tại Olympic Tokyo 2020
Không chỉ có những cuộc tranh tài thú vị, Olympic Tokyo 2020 còn đem lại sự hào hứng cho số đông người hâm mộ bởi những màn trình diễn công nghệ đỉnh cao. Đây thực sự là ngày hội của những công nghệ đến khó tin, nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người…
Sự lên ngôi của công nghệ xanh, sạch, an toàn
Lẽ ra, Olympic Tokyo 2020 đã diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 24-7 đến ngày 9-8-2020. Tuy nhiên, do tác động từ đại dịch COVID-19 nên sự kiện thể thao được mong đợi này buộc phải đẩy lùi thời gian tổ chức vào tháng 7 năm nay, cụ thể từ ngày 23-7 đến ngày 8-8-2021. Olympic Tokyo 2020 quy tụ hơn 11.000 vận động viên đến từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau. Với một quốc gia có sự phát triển vượt bậc về công nghệ như Nhật Bản, Thế vận hội năm nay là dịp để đất nước mặt trời mọc thể hiện và phô diễn những công nghệ hiện đại, tiên tiến.
An toàn là một trong những tiêu chí hàng đầu với nước chủ nhà Nhật Bản trong bối cảnh đất nước này vốn thường xuyên hứng chịu những cơn động đất. Với sự hợp tác từ tập đoàn Bridgestone Corporation, hai công trình xây dựng phục vụ cho kỳ Olympic năm nay là cung thể thao dưới nước Tokyo Aquatics Centre và nhà thi đấu Ariake Arena đã được lắp đặt công nghệ chống động đất hiện đại. Nhờ các gối cách ly địa chấn là các giá đỡ có kết cấu linh hoạt, giúp cách ly cấu trúc với mặt đất bởi tác động từ chấn động của địa chấn. Qua đây, nó làm giảm khả năng hư hỏng của công trình trong trường hợp động đất. Trên thực tế, hệ thống gối cách chấn được tạo thành từ các vòng bi có kích thước đường kính từ 0,6 đến 1,8 mét.
“Bridgestone Corporation tự hào là một trong những tập đoàn đi đầu trong công nghệ cách ly địa chấn. Chúng tôi hy vọng mọi vận động viên sẽ có trải nghiệm an toàn và thú vị khi thi đấu trong những công trình được lắp đặt công nghệ chống động đất hiện đại”, Tomohiro Kusano, Phó chủ tịch tập đoàn Bridgestone Corporation hào hứng phát biểu trên kênh truyền hình Nhật Bản NHK.
Cùng với công nghệ chống động đất tiên tiến, Olympic Tokyo 2020 còn chứng kiến sự nở rộ của những công nghệ hướng đến sự thân thiện, gần gũi với môi trường. Huy chương của Thế vận hội được làm hoàn toàn từ 78,985 tấn đồ điện tử tái chế, trong đó có 6,21 triệu điện thoại di động được quyên góp từ các công dân Nhật Bản. Quá trình thu thập bắt đầu vào tháng 4 năm 2017 với sự hưởng ứng từ 1.621 trong số 1.719 thành phố, thị trấn trên toàn quốc tại Nhật Bản. Sau quá trình tháo dỡ, phân loại và tái chế, người ta đã thu được 30,3kg vàng, 4.100kg bạc và 2.700 kg đồng.
Trong khi huy chương cho Thế vận hội Tokyo được làm từ rác thải điện tử, các bục để vận động viên nhận huy chương lại làm từ nhựa tái chế. Trung tâm mua sắm tại làng Olympic được xây dựng bằng gỗ của chính quyền địa phương và sẽ được tháo dỡ, trả lại sau Thế vận hội để sử dụng cho cộng đồng. Đặc biệt, 90% hàng hóa, đồ lưu niệm tại Thế vận hội được tái sử dụng hoặc tái chế. Nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon, các địa điểm thi đấu ở Olympic Tokyo 2020 sử dụng điện tái tạo từ năng lượng sinh khối và năng lượng mặt trời. Đáng chú ý, chính quyền Tokyo đã cho lắp đặt các tấm pin mặt trời tại một số tuyến đường tại thành phố nhằm cung cấp thêm năng lượng mặt trời. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại trong việc phủ một lớp nhựa đặc biệt nên các tấm pin này vẫn hoạt động bình thường ngay cả khi các phương tiện giao thông lưu hành trên đường.
Toyota, nhà tài trợ tại Olympic 2020 cung cấp nhiều loại phương tiện hiện đại, không thải khí carbon, trong đó có loại xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro phục vụ việc di chuyển của vận động viên. Hydro sạch còn được sử dụng để thắp sáng ngọn đuốc Olympic trong suốt thời gian diễn ra giải đấu. Ngoài các loại xe điện, Toyota còn đưa vào sử dụng mẫu xe được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tự động chạy trên đường mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này đang đem lại sự hào hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những tín đồ của công nghệ.
Điểm độc đáo nữa từ Olympic Tokyo 2020 là việc góp mặt của một loạt robot khác nhau có nhiệm vụ hỗ trợ vận động viên trong quá trình ăn ở, sinh hoạt, tập luyện và thi đấu. Nổi bật hơn cả là robot Miraitowa và Someity, mô phỏng linh vật tại kỳ Olympic và Paralympic năm nay. Với các tính năng độc đáo cùng khả năng nhận diện khuôn mặt, các loại robot này được dùng làm nhiệm vụ đón tiếp vận động viên tại các địa điểm thi đấu. Robot tham gia hỗ trợ cho ban tổ chức trong quá trình vận động viên thi đấu, chẳng hạn như loại Robot chuyên dùng để mang theo dụng cụ thi đấu cho vận động viên.
Với công nghệ thực tế ảo của Hãng Intel, khán giả sẽ có sự tương tác cao khi dõi theo các nội dung thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Nhờ tính năng chiếu lại 360 độ, khán giả khi dùng công nghệ True VR của Intel sẽ cảm nhận rõ nét hơn sự hấp dẫn của Olympic 2020. Ngoài lễ khai mạc và bế mạc, một số môn thể thao khác mà khán giả có thể xem qua công nghệ True VR bao gồm điền kinh, thể dục dụng cụ, quyền Anh và bóng chuyền bãi biển. Đây được xem là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho khán giả. Không dừng lại ở đó, các sân vận động tại Tokyo được thắp sáng bằng ánh sáng từ kỹ thuật 3D nhằm thay thế cho các loại pháo hoa truyền thống. Cụ thể, các thiết bị bay không người lái có gắn đèn Led trên đó sẽ tạo hiệu ứng chuyển động giống như một bữa tiệc ánh sáng, đem lại những cảm xúc thăng hoa cho bất kỳ ai chiêm ngưỡng. Thậm chí, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 còn lên phương án thực hiện các trận mưa sao băng nhân tạo để phục vụ Thế vận hội năm nay.
Công nghệ hỗ trợ vận động viên
Sự nở rộ về công nghệ tại Olympic Tokyo 2020 tiếp tục thể hiện rõ nét hơn nữa khi các đoàn thể thao đến từ các quốc gia đua nhau áp dụng công nghệ để nâng cao thành tích thi đấu của từng vận động viên. Công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến giúp số hóa các chuyển động của cơ thể và vị trí của trái bóng, nhất là trong hai môn bóng đá và bóng chày. Qua đây, ban huấn luyện của các đội bóng đá và bóng chày sẽ có kho dữ liệu phân tích để khắc phục những điểm yếu đối với từng cầu thủ hay vận động viên trong mỗi tình huống cụ thể.
Nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ, Omega khá đắt hàng trong dịp diễn ra Thế vận hội năm nay tại Tokyo, Nhật Bản. Cụ thể, Omega đã cung cấp cho một số đoàn thể thao như Anh, Mỹ, Đức… loại đồng hồ đặc biệt có khả năng thu phát tín hiệu với các cảm biến nhỏ được gắn vào áo của tất cả các vận động viên. Sau khi thu thập dữ liệu, nó có khả năng phân tích khoảng 2.000 bộ dữ liệu mỗi giây, chẳng hạn như tốc độ hoặc điểm gia tốc. Với bộ môn bóng chuyền bãi biển, Omega đưa vào sử dụng một camera có gắn trí tuệ nhân tạo (AI) để đo vị trí, phân tích trái bóng được đánh đi cũng như độ bật nhảy của từng vận động viên. Công nghệ phân tích tương tự cũng được áp dụng trong một số môn thể thao khác như đua xe đạp, bơi lội hay thể dục dụng cụ.
“Công nghệ của chúng tôi có thể đo lường toàn bộ hiệu suất của một cầu thủ,” Alain Zobrist, giám đốc điều hành của Omega cho biết, “Đây là kênh tham khảo hữu hiệu để huấn luyện viên có định hướng và điều chỉnh khối lượng vận động phù hợp sao cho phát huy hiệu quả cao nhất với mỗi vận động viên”.
Công ty công nghệ thể thao Đan Mạch, TrackMan đã được đội bóng chày Nhật Bản lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ hỗ trợ trong hành trình chinh phục huy chương vàng tại kỳ Olympic năm nay. Xây dựng dựa trên công nghệ radar được sử dụng trong quân đội để theo dõi tên lửa và máy bay, thiết bị TrackMan có khả năng phân tích mọi cú đánh. Video được tự động kích hoạt khi vận động viên tung ra cú ném bóng hoặc khi người đánh bóng tiếp xúc với bóng và được hiển thị song song với phân tích dữ liệu của TrackMan. Đối với các cú ném, nó có thể đo tốc độ thả, tốc độ xoáy, trục quay, chiều cao thả và góc thả, có thể giúp huấn luyện viên đánh giá xem một người ném đang ở phong độ cao nhất hay vẫn còn mệt mỏi từ trận đấu trước. Đối với động tác đánh bóng, TrackMan nắm bắt vận tốc thoát, tốc độ quay, điểm tiếp xúc 3D, góc phóng, hướng phóng và khoảng cách.
Các công cụ kỹ thuật số cũng được mùa nở rộ tại Olympic Tokyo 2020. Ứng dụng quản lý sức khỏe One Tap Sports của công ty Euphoria có trụ sở tại Tokyo được sử dụng bởi hơn 45% vận động viên Nhật Bản tham gia Thế vận hội Tokyo. Các vận động viên đánh giá tình trạng sức khỏe, chấn thương, bữa ăn và quá trình tập luyện hàng ngày qua One Tap Sports. Dữ liệu có thể được xem bởi các huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng thông qua đồ thị và biểu đồ.
Trong khi đó, đoàn thể thao Mỹ đã gây ồn ào khi dùng công nghệ làm mát của hãng Ralph Lauren cho các vận động viên để chống lại sự nóng bức. Gây ấn tượng ở chỗ thiết bị này được tích hợp vào quần áo, cảm nhận nhiệt độ cơ thể và tự động điều chỉnh bằng cách phân tán nhiệt từ da.
Muôn hình vạn trạng song nhìn chung công nghệ đã góp phần tạo sự hấp dẫn, thú vị cho những màn đua tranh ở Olympic Tokyo 2020.
Vận động viên được giám sát như thế nào?
Sau khi đặt chân xuống sân bay tại Nhật Bản, vận động viên cũng như phóng viên đưa tin về Olympic sẽ được yêu cầu cài đặt ứng dụng điện thoại thông minh và kích hoạt GPS để theo dõi nơi ở của họ. Sau khi kiểm tra y tế, vận động viên chỉ được phép vào Tokyo nếu có kết quả âm tính với COVID-19.
Ngoài ra, các vận động viên phải truy cập ứng dụng đăng ký và báo cáo sức khỏe (OCHA) trên điện thoại để cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày. Nếu bất kỳ ai bị nhiễm bệnh, Ban tổ chức sẽ sử dụng GPS để xem xét nhật ký di chuyển và truy vết nhằm thực hiện cách ly ngay lập tức.