Ngày hội công nghệ thực phẩm Việt - Ý tại TP.HCM
Ngày hội công nghệ thực phẩm Việt - Ý tại TP.HCM là không gian giao lưu kỹ thuật công nghệ văn hóa ẩm thực, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế cho Việt Nam và Ý trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Sáng 22.4, tại Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (TP.HCM), sự kiện Vietnam Italy Foodtech Day 2025 (Ngày hội công nghệ thực phẩm Việt - Ý) đã khai mạc với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia và tổ chức giáo dục đến từ Việt Nam và Ý.

Màn biểu diễn khai mạc Vietnam Italy Foodtech Day 2025 - Ảnh: T.V
Vietnam Italy Foodtech Day là sự kiện phi lợi nhuận hằng năm, do Tim Corp phối hợp cùng các trường đại học, Lãnh sự quán Ý, Phòng Thương mại Ý và các đối tác quốc tế đồng tổ chức. Đây là một diễn đàn kết nối chuyên nghiệp dành cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và các doanh nghiệp trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage).

Sự kiện thu hút hàng trăm sinh viên tham gia
Với chủ đề “Công nghệ - Kết nối - Phát triển bền vững”,ngày hội đã đã trở thành diễn đàn kết nối giữa giảng đường, doanh nghiệp và công nghệ quốc tế. Tất cả tạo một diễn đàn học thuật ứng dụng, nơi sinh viên, giảng viên và các chuyên gia cùng gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi và trải nghiệm thực tế. Hơn 30 loại máy móc hiện đại từ Ý phục vụ ngành công nghệ thực phẩm cùng các chuyên gia nước ngoài được đưa đến để sinh viên giao lưu, vận hàng trực tiếp - một cơ hội hiếm hoi mà chương trình đào tạo truyền thống khó có thể có được.

Các chuyên gia Ý hướng dẫn sử dụng thiết bị chế biến thực phẩm công nghệ cao
Tại sự kiện, các chương trình workshop như: Chocolate, kem gelato, pizza, pha chế... với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, các đầu bếp Việt đã diễn ra rất sôi nổi thu hút hàng ngàn sinh viên tham gia.
Tại mỗi workshop, sinh viên được tận tay sử dụng thiết bị và trò chuyện với chuyên gia. Hoạt động này không chỉ giúp củng cố kiến thức lý thuyết mà còn tăng cường kỹ năng thực hành, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và môi trường sản xuất thực tiễn. Đây chính là cách tiếp cận đào tạo theo mô hình “đại học khởi nghiệp” - đào tạo gắn liền thực tiễn, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng thích ứng thị trường cho người học. Việc cho sinh viên cơ hội được tiếp cận máy móc, công nghệ cũng cho các em một góc nhìn rộng mở, tạo động lực cho các em có khát vọng sáng tạo, nắm giữ công nghệ và làm chủ tương lai.

Đại diện hai nước Việt Nam - Ý tại sự kiện
Ông Fabio De Cillis - Tham tán thương mại Ý tại TP.HCM cho biết sự kiện không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận trực tiếp những công nghệ hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Điều này đóng vai trò quan trọng trong quá trình quốc tế hóa giáo dục, giúp Việt Nam tiệm cận với chuẩn đào tạo quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên khi gia nhập thị trường lao động toàn cầu.
Việc các doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng, triển khai chương trình “ươm mầm tài năng” từ trong trường đại học là minh chứng rõ nét cho việc đào tạo đang gắn chặt với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Ngành công nghệ thực phẩm có vai trò sống còn trong xã hội - nơi sản phẩm không chỉ là nhu cầu cơ bản mà còn là biểu tượng của văn hóa, sức khỏe và kinh tế.

Ông Trần Dương Xuân Vũ - Tổng giám đốc TIM Corp giới thiệu về chương trình
Theo ông Trần Dương Xuân Vũ - Tổng giám đốc TIM Corp - người đưa ra ý tưởng cho chương trình Vietnam Italy FoodTech Day, việc tiếp cận công nghệ, thiết bị Ý không chỉ mang lại kiến thức mới mà còn khơi dậy cảm hứng học tập, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang chuyển mình, hướng đến đào tạo cá nhân toàn diện, có khả năng khởi nghiệp, đổi mới và thích ứng.

Khu vực trưng bày giới thiệu các thiết bị công nghệ cao luôn thu hút sự quan tâm của giới sinh viên
Ông Lưu Duẩn - nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam cho biết việc đổi mới giáo dục ngành này không chỉ giúp sinh viên nâng cao năng lực mà còn tác động tích cực đến toàn bộ nền kinh tế nông nghiệp và thực phẩm.

Chuyên gia nước ngoài tại workshop của sự kiện
TS Ngô Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (STU) cho biết sự kiện này sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên để trường hiện thực hóa mô hình “đại học khởi nghiệp” - nơi nhà trường là cầu nối giữa sinh viên, doanh nghiệp và xã hội. Sự kiện này không chỉ trao cơ hội việc làm, mà còn trao cơ hội phát triển, khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo, và mở ra những con đường mới cho sinh viên của trường trong tương lai gần.
Từ cuối năm 2024, TP.HCM đã bắt đầu manh nha về mô hình “đại học khởi nghiệp”. Đây là mô hình quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM phát triển, góp phần tạo động lực thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng và nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực có tư duy khởi nghiệp cho thành phố giai đoạn 2024 - 2028. Trong bối cảnh nền giáo dục đang ngày càng đẩy mạnh hội nhập và đổi mới, mô hình “Đại học khởi nghiệp” không còn là xu hướng mà đã trở thành một đòi hỏi thiết yếu. Qua đó, sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp không chỉ tạo nên các startup giá trị cao mà còn nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và bền vững.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ngay-hoi-cong-nghe-thuc-pham-viet-y-tai-tp-hcm-231827.html