Ngày hội Đại đoàn kết là nét đẹp văn hóa của dân tộc

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức 'Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc' và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Sau hơn 20 năm thực hiện nghị quyết, cùng với sự đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội, sức mạnh quần chúng nhân dân-nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn đã được tập hợp, huy động có hiệu quả, góp phần quan trọng, tích cực vào thành công của công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết hằng năm (18/11) khu dân cư Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đều tổ chức Hội đua thuyền truyền thống -Ảnh: N.P

Vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết hằng năm (18/11) khu dân cư Văn Trị, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng đều tổ chức Hội đua thuyền truyền thống -Ảnh: N.P

Ngày hội của ý Đảng, lòng Dân

Hằng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, là hình thức tập hợp, biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong giai đoạn phát triển mới, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh về tận khu dân cư tham gia các hoạt động cùng với Nhân dân, qua đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, động viên Nhân dân phát huy tình đoàn kết, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Những kết quả ngày hội mang lại được đánh giá rất tích cực.

Với tinh thần “Đoàn kết, hợp lực, tự quản” các hoạt động hướng đến ngày hội và chào mừng ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11 hằng năm) đã diễn ra đa dạng về hình thức, sôi động, phong phú và trở thành nét đẹp trong hoạt động thường xuyên trong mỗi cộng đồng như các hoạt động chỉnh trang nông thôn, xây dựng các mô hình sản xuất kiểu mẫu, chăm sóc gia đình chính sách, hộ nghèo. 100% khu dân cư đều tổ chức ngày hội; trên 98% khu dân cư tổ chức thực hiện cả phần lễ và phần hội thu hút toàn thể người dân, cán bộ, kể cả con em ở xa quê về cùng tham gia.

Ngày hội được tổ chức theo khu dân cư hay liên khu dân cư với tinh thần vui tươi, phấn khởi và nhiều nội dung phong phú. Về phần lễ, ôn lại truyền thống MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; ghi nhận, biểu dương những tấm gương làm kinh tế giỏi, người có uy tín trong cộng đồng, các dân tộc, các chức việc trong tổ chức tôn giáo; tặng quà động viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...trên địa bàn.

Ngày hội cũng là diễn đàn để Nhân dân tham gia phát biểu đóng góp nhiều ý kiến về những thành tích, những tồn tại, hạn chế trên địa bàn và đề xuất những giải pháp thực hiện thiết thực, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân cùng tham gia phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngay tại khu dân cư.

Về phần hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động, trong đó nhiều bữa cơm “Đại đoàn kết” được tổ chức rất ý nghĩa giúp cộng đồng gần nhau hơn, hiểu nhau hơn hướng đến tập thể, đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi, động viên giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, đóng góp công sức, tiền của xây dựng quê hương.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, TP. Đông Hà -Ảnh: N.PHONG

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, TP. Đông Hà -Ảnh: N.PHONG

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nhân dân tham gia đóng góp trên 110 triệu ngày công, đóng góp 459 tỉ đồng; làm mới và sửa chữa 3.714 km đường giao thông, xây dựng 65 cổng làng; nạo vét, nâng cấp 547 km kênh mương nội đồng; hiến trên 771.913 m2 đất của gia đình để xây nông thôn mới theo quy hoạch; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Cứu trợ” các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 490,6 tỉ đồng; qua đó, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 13.198 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.011 hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng 15 nhà cộng đồng chống bão, lũ, lụt cho các vùng trọng yếu ảnh hưởng thiên tai và 125 công trình dân sinh.

Hưởng ứng chủ trương vận động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 197 của UBNDUBMTTQVN tỉnh phát động, từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, đã hỗ trợ xây mới 638 nhà ở cho hộ nghèo, trị giá 42,2 tỉ đồng, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành xây dựng 1.145 nhà; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Nhân đạo từ thiện”, toàn tỉnh đã vận động được 180,5 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh các hạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; 27/27 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng; 97,47% hộ tương ứng 41.425 hộ chính sách trong tỉnh có mức sống trung bình trở lên ở khu dân cư, đời sống vật chất của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn tỉnh có 98/125 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao đạt chuẩn, đạt tỉ lệ 78,4%; có 772/801 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa-khu thể thao, đạt tỉ lệ 96,5% góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần ở các khu dân cư được nâng lên, đem lại giá trị văn hóa tinh thần và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Những con số nói trên mặc dù chưa phải là nhiều so với nhu cầu cộng đồng, có thể chưa thể hiện đủ những giá trị vật chất, tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh to lớn trong Nhân dân, song cũng đã thể hiện rõ khi Nhân dân đồng thuận, khi sức dân được huy động hiệu quả sẽ là động lực vượt qua khó khăn, thách thức, mang đến mọi thắng lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển trên quê hương Quảng Trị anh hùng.

Ngày hội Đại đoàn kết là nét đẹp văn hóa

Ngày hội thực sự đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị xã hội sâu rộng, là một nét đẹp văn hóa truyền thống trên tất cả các địa bàn dân cư; MTTQ Việt Nam đã và đang kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, góp phần to lớn tạo nên sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền, động viên Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và phát triển đất nước.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, các phong trào, Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’’; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư...có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước.

Với chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân luôn được Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, thực hành dân chủ cơ sở, việc đối thoại, nắm bắt và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đến cấp ủy, chính quyền để giải quyết một cách kịp thời nhằm ổn định địa bàn cơ sở, giúp ý Đảng gần với lòng dân hơn. Tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của ngày hội Đại đoàn kết, thông qua ngày hội để lan tỏa sự đồng thuận trong Nhân dân là yêu cầu quan trọng đối với hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh với vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Mặt trận đã chú trọng đổi mới nội dung tổ chức ngày hội thiết thực hơn theo hướng phát huy vai trò chủ thể người dân, vai trò tự quản của cộng đồng để tổ chức các hoạt động thật ý nghĩa xây dựng các khu dân cư đáng sống theo tiêu chí “Trù phú, sạch, xanh, sáng, an toàn, thân thiện”; vận động nguồn lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; đồng thời, khuyến khích tổ chức ngày hội liên khu dân cư, tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử, gắn kết việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với các giá trị dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sau mỗi ngày hội, tinh thần đại đoàn kết dân tộc thêm một lần được củng cố và lan tỏa, trở thành nền tảng tinh thần, động lực nội sinh giúp khơi dậy niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng quê hương và phát triển đất nước.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hy vọng rằng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Những kết quả và kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình vận động, tập hợp Nhân dân tham gia ngày hội là tiền đề, cơ sở thực tiễn để tiếp tục duy trì, củng cố, đổi mới và ngày càng mở rộng sự kết nối cộng đồng, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.

Phúc Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ngay-hoi-dai-doan-ket-la-net-dep-van-hoa-cua-dan-toc-187444.htm