Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024

Sáng 1/10, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), diễn ra Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng các bộ, cơ quan liên quan phối hợp tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trực tiếp, 10.000 đại biểu trực tuyến, cùng hàng chục nghìn đại biểu tham dự các hoạt động tổ chức trong 2 ngày 1 và 2/10.

NIC - đầu tàu về đổi mới sáng tạo

Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức sự kiện và nêu rõ sự tham gia đông đảo của các đại biểu cho thấy sự quan tâm sâu sắc, cũng là minh chứng cho sự thành công bước đầu của NIC nói riêng và sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia nói chung. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và có giải pháp tạo đột phá về các lĩnh vực này, thúc đẩy ĐMST.

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện

Thủ tướng phát biểu tại sự kiện

Thủ tướng đánh giá sự ra đời của NIC theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy khoa học công nghệ, ĐMST; với mô hình hoạt động dựa trên những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế. Qua đó nhằm mục tiêu chủ yếu là tạo môi trường thuận lợi cho ĐMST, khởi nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển công nghệ cao, công nghệ số, chuyển đổi xanh; tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, lực lượng trí thức khoa học công nghệ trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài.

Sau 5 năm thành lập, NIC đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng về cơ sở vật chất, xây dựng thể chế, chính sách (đang tiếp tục được hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định pháp luật). Về kết nối, đã thu hút các doanh nghiệp, nhiều đối tác từ các quốc gia tham gia, cụ thể hóa các hoạt động hợp tác thông qua các thảo thuận, bản ghi nhớ đã ký với NIC.

Về xây dựng hệ sinh thái ĐMST, NIC đã từng bước trở thành một trong những đầu tàu về ĐMST, đến nay đã phát triển gồm 10 mạng lưới thành viên và gần 2.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của NIC, Bộ KH&ĐT, của các cấp, các ngành, các địa phương và các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học trong thời gian qua, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam về khoa học công nghệ, ĐMST trong khu vực và quốc tế.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của Trung tâm NIC. "Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, NIC sẽ là trái tim của hệ sinh thái ĐMST, là điểm tựa cho sự phát triển vượt bậc, bền vững và hội nhập toàn cầu của các bạn trẻ. Trung tâm hãy dẫn đầu xu hướng, lan tỏa tư duy sáng tạo, nâng tầm Việt Nam thành một quốc gia khởi nguồn của ĐMST, có khả năng làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực và thế giới, không chỉ để ứng dụng mà còn đóng góp, định hình tương lai thế giới", Thủ tướng phát biểu.

ĐMST thực sự trở thành một động lực đột phá

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐMST là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng chủ thể, từng doanh nghiệp, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Nhìn lại kết quả ĐMST thời gian qua, Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy ĐMST và đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 56/100 quốc gia; Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2023, tăng 4 bậc so với năm 2022) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 của Liên Hợp Quốc tăng 15 bậc, từ vị trí 86/193 quốc gia lên vị trí 71/193.

Đại biểu quốc tế phát biểu tại sự kiện

Đại biểu quốc tế phát biểu tại sự kiện

ĐMST ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực đột phá, không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là chìa khóa cho phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn về khoa học công nghệ, ĐMST. Trong đó, thách thức lớn nhất là năng lực cạnh tranh về công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cùng với việc các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây…

Thủ tướng chia sẻ 3 quan điểm thúc đẩy ĐMST: Thứ nhất, ĐMST phải là lựa chọn chiến lược, là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ trọng tâm, là ưu tiên hàng đầu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; Thứ hai, ĐMST phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước; Thứ ba, ĐMST phải dám nghĩ, dám làm, dám hành động, dám chấp nhận rủi ro, dám vượt lên chính mình, dám dấn thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, ĐMST, đảm bảo tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển...). Cùng với đó, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo…

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn… Tăng cường thu hút các nguồn đầu tư tài chính (nhất là cho nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực, như AI, công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức trong và ngoài nước.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia hiện đại, chuẩn mực, kiến tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy ĐMST của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ĐMST. "Tóm lại, thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả", Thủ tướng phát biểu.

Nhân sự kiện, Thủ tướng tuyên bố lấy Ngày 1/10 hàng năm là Ngày hội ĐMST Việt Nam để vinh danh, khích lệ và thúc đẩy ĐMST.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Đây là cơ hội để thúc đẩy, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ sở nghiên cứu trong nước và quốc tế thông qua gặp gỡ, giới thiệu, trao đổi, chia sẻ và trình diễn các giải pháp công nghệ và sản phẩm ĐMST mới nhất trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và chuyển đổi xanh”.

NIC được thành lập với sứ mệnh là hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, nhanh chóng nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để Việt Nam bứt phá, vươn lên. Để thực hiện được sứ mệnh này, thời gian qua Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo NIC xây dựng tầm nhìn chiến lược, tranh thủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức tập trung triển khai 09 ngành lĩnh vực công nghệ trọng tâm đóng vai trò cốt lõi cho sự phát triển của thế giới, gồm: sản xuất thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ y tế, công nghiệp bán dẫn, hydrogen xanh, và AI.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngay-hoi-doi-moi-sang-tao-viet-nam-2024-156193.html