Ngày hội ở khu dân cư

Vừa cùng với bà con ở 8 ấp tham gia hội thi nấu ăn trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (gọi tắt là Ngày hội) năm 2023, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long An (H.Long Thành) Nguyễn Hữu Trí cho hay, mỗi năm phần hội trong Ngày hội ở xã được tổ chức chung cho tất cả các ấp. Riêng phần lễ, mỗi ấp có ngày thực hiện riêng.

Bí thư Chi bộ, Trưởng KP.1, P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa Ca đón bà Nguyễn Thị Hai (92 tuổi) được con gái chở đến tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: Sông Thao

Bí thư Chi bộ, Trưởng KP.1, P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) Nguyễn Hòa Ca đón bà Nguyễn Thị Hai (92 tuổi) được con gái chở đến tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023. Ảnh: Sông Thao

Những hoạt động vui tươi, sôi nổi của người dân xã Long An cũng đã và đang diễn ra tại 934 ấp, khu phố trong tháng 11 này.

* Linh động tổ chức Ngày hội

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân số đông, lực lượng lao động lớn, người có đạo chiếm đến 70% dân số. Do vậy, để thu hút được đại diện của 464,8 ngàn hộ tham gia vào Ngày hội, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố đã có sự điều chỉnh để hoạt động này phù hợp với thực tế. Cụ thể, mỗi khu phố, ấp đều có sự linh động về thời gian tổ chức sao cho phù hợp với đặc điểm khu dân cư.

Chẳng hạn, TP.Biên Hòa có 200 ấp, khu phố, lực lượng lao động chủ yếu làm việc vào giờ hành chính. Đa số ấp, khu phố tại TP.Biên Hòa tổ chức ngày hội vào buổi tối hoặc 2 ngày cuối tuần.

Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.1, P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) Tô Thị Ớt cho hay, bà con trong khu phố chủ yếu làm việc tại các công ty, buôn bán nhỏ. Để thuận tiện cho việc tham gia Ngày hội, khu phố tổ chức vào ban đêm. Quá trình triển khai Ngày hội gói gọn trong khoảng 1 giờ, song đầy đủ các nội dung.

Tối 3-11, mặc dù trời đổ mưa và dù đã 92 tuổi, song bà Nguyễn Thị Hai vẫn nhờ con gái chở đến tham dự Ngày hội của KP.1.

“Tôi đến để biết năm qua khu phố hoạt động ra sao, năm tới đây có gì trọng tâm và bà con sẽ tham gia đóng góp gì” - bà Hai nói.

Đối với những khu vực tập trung đông đồng bào có đạo, ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã cùng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố có sự trao đổi, thống nhất cùng chức sắc, chức việc về thời gian, địa điểm tổ chức phù hợp. Đồng thời, thông qua những người đứng đầu tôn giáo tại địa phương tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa, quyền, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, gia đình khi tham gia ngày hội; khuyến khích các cơ sở tôn giáo, đồng bào có đạo đóng góp, tham gia những hoạt động văn hóa, thể thao trong quá trình diễn ra sự kiện.

Hoạt động tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được diễn ra từ ngày 1 đến hết 18-11-2023. Riêng các địa phương có nhiều ấp, khu phố có thể tổ chức sớm hơn.

Trưởng ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (H.Thống Nhất) Phạm Nguyễn Minh Chiến cho biết, 99% dân số của ấp là đồng bào có đạo. Người dân ở đây làm nhiều ngành nghề. Qua thống nhất, ấp thực hiện Ngày hội vào sáng thứ hai, bởi thời gian này không trùng với buổi lễ của tôn giáo, đại diện các gia đình đều có thể cử người tham gia.

Trước thời điểm diễn ra Ngày hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản hướng dẫn tổ chức Ngày hội năm 2023 gửi đến hệ thống Mặt trận tỉnh. Theo đó, việc tổ chức Ngày hội phải đảm bảo 3 mục đích là: ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; thông qua Ngày hội, vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết trong cộng đồng; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, biểu dương nhân tố tiêu biểu.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu việc tổ chức Ngày hội phải đảm bảo thời gian, chất lượng và hiệu quả, nội dung, phương thức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khu dân cư. Trong đó, phần lễ tổ chức trang trọng, ngắn gọn; phần hội cần tạo được không khí vui tươi và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Riêng phần hội có thể tổ chức liên khu phố, ấp để tạo thêm khí thế, thi đua giữa các khu dân cư và không khí sôi nổi của Ngày hội.

* Gắn kết người dân thông qua Ngày hội

Ngày hội là nơi người dân bày tỏ ý kiến về kết quả 1 năm triển khai các nhiệm vụ ở khu dân cư, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh thông báo những kết quả đạt được của ấp trong năm qua, tuyên dương các gia đình, cá nhân, đơn vị đóng góp tích cực cho cộng đồng, Ngày hội cũng là dịp để những người làm công tác Mặt trận, lãnh đạo địa phương lắng nghe bà con nêu lên những vấn đề còn tồn tại để kịp thời chấn chỉnh.

Do đó, những ý kiến trái chiều luôn được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng ban công tác Mặt trận ấp, khu phố tiếp thu, ghi nhận để hoàn thiện hoặc kiến nghị cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết, bởi mục tiêu cao nhất là xây dựng đời sống nhân dân ngày một tốt hơn.

Người dân tham gia thi đấu cờ tướng trong chương trình của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tổ chức tại xã Tam An (H.Long Thành)

Người dân tham gia thi đấu cờ tướng trong chương trình của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tổ chức tại xã Tam An (H.Long Thành)

Như trong Ngày hội tại KP1, P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa), người dân phản ảnh nhiều bãi rác tự phát mọc lên trong khu dân cư và hễ cứ dọn hôm trước thì hôm sau lại xuất hiện; xảy ra nhiều trường hợp người dân bị cướp giật tài sản… Người dân kiến nghị chi bộ, ban điều hành khu phố, ban công tác Mặt trận cần vào cuộc giải quyết các vấn đề người dân quan tâm một cách quyết liệt hơn.

Năm 2023, đời sống của người dân tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn. Thời điểm tổ chức Ngày hội cũng là thời điểm phát động Tháng Hành động vì người nghèo hàng năm. Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho hay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khuyến khích Mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên tích cực vận động nguồn lực thực hiện các hoạt động trợ giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong thời gian diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023, các đồng chí trong Ban TVTU và lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tham dự Ngày hội cùng người dân tại 23 ấp, khu phố tiêu biểu.

Theo đó, tùy theo khả năng vận động mà mỗi ấp, khu phố tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện; thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, người có công; cán bộ lão thành cách mạng; trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, trao tặng quà, nhà tình thương cho hộ nghèo; tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hiếu học; khởi công, hoàn thành các công trình dân sinh…; phát động đóng góp chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và đối tượng khó khăn khác.

Ngoài ra, các hoạt động như: tổ chức dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tổ dân phố, khu dân cư, đảm bảo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp… cũng được khuyến khích thực hiện.

Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 4, xã Tam An (H.Long Thành) Lê Thị Tuyết Mai cho hay, ấp có hơn 1 ngàn gia đình. Trên địa bàn ấp cũng tập trung rất nhiều nhà trọ với những gia đình công nhân, đời sống của nhiều gia đình còn khó khăn. Do vậy, trong dịp tổ chức Ngày hội, ấp vận động mạnh thường quân tặng quà cho người kém may mắn, đồng thời tuyên truyền những người ở trọ, chủ hộ cho thuê phòng trọ giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống.

Đặng Thắm - Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/doan-the/202311/ngay-hoi-o-khu-dan-cu-956613a/