Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhân dân ta cần phải tiếp tục giúp đỡ quân đội về mọi mặt, phải hăng hái tham gia mọi công cuộc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng”. Quán triệt những tư tưởng trên, Đảng và Nhà nước xác định giữ gìn nền hòa bình, độc lập lâu dài là trách nhiệm của toàn thể nhân dân trên tinh thần của một nền quốc phòng toàn dân (QPTD).

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh giao lưu văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân gắn với Ngày hội Văn hóa quân dân tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).Ảnh: M.H

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh giao lưu văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân gắn với Ngày hội Văn hóa quân dân tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).Ảnh: M.H

Dựa trên thực tiễn tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ quốc phòng,để khẳng định tầm quan trọng của quốc phòng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ này, ngày 17/10/1989, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã họp và đưa ra các biện pháp nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và sẵn sàng chiến đấu BVTQ trong giai đoạn mới, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ. Chấp nhận đề xuất này, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CV/TW, chính thức quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là Ngày hội QPTD. Từ đó, ngày hội được tổ chức trên toàn quốc, trở thành ngày hội lớn của dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, Ngày hội QPTD luôn được tổ chức chu đáo, trang trọng, sáng tạo, với các hoạt động đa dạng, phong phú tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Cụ thể như: Tổ chức các lễ kỷ niệm, mít tinh, diễu hành, diễu binh của LLVT, đoàn thể và học sinh, sinh viên để thể hiện sức mạnh quốc phòng và tình yêu đất nước; dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩđi đôi với các hoạt động từ thiện, thăm,tặng quà cho các gia đình công với cách mạng, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo; tổ chức biểu diễn nghệ thuật với chủ đề về tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi người chiến sĩ và tinh thần đoàn kết dân tộc; các cuộc thi đấu thể thao, trò chơi dân gian nhằm gắn kết cộng đồng và nâng cao sức khỏe; kết hợp các hoạt động trưng bày, triển lãm các hiện vật, hình ảnh về lịch sử quân đội và những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta gắn với hoạt động nói chuyện chuyên đề, thông báo tình hình, chia sẻ kiến thức QP-AN và hướng dẫn xử trí các tình huống khẩn cấp; tổ chức gặp gỡ, giao lưu giữa các thế hệ chiến sĩ và nhân dân; phát động phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng ngày hội với các mục tiêu cụ thể.

Thông qua các hoạt động đa dạng,phong phú, Ngày hội QPTD thể hiện ý nghĩa thiết thực với đồng bào và chiến sĩ cả nước qua nhiều khía cạnh quan trọng. Trước tiên, ngày hội là dịp để toàn dân ôn lại và tôn vinh lịch sử hào hùng của dân tộc, từ đó nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết, giúp duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngày hội còn nhấn mạnh vai trò,trách nhiệm của mỗi công dân trong việc BVTQ, đồng thời khẳng định sức mạnh quốc phòng là sự kết hợp của toàn dân. Thông qua các hoạt động, người dân nâng cao nhận thức về nhiệm vụ QP-AN. Từ đó thấy rõ trách nhiệm bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng xã hội có ý thức quốc phòng vững chắc. Đây cũng là nguồn động viên tinh thần lớn cho các LLVT, đặc biệt là những chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các vùng biên giới,hải đảo xa xôi;khích lệ toàn dân trong công cuộc xây dựng và BVTQ. Các hoạt động giáo dục và giao lưu trong ngày hội giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh của cha ông, từ đó kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng BVTQ trong mọi hoàn cảnh. Ngày hội không chỉ là một sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước mà còn là hoạt động mang ý nghĩa chiến lược nhằm củng cố, nâng cao sức mạnh của toàn dân đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời đại mới.

Hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực có những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó dự đoán,mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính. Tuy nhiên, các yếu tố gây bất ổn như an ninh truyền thống và phi truyền thống, một số ý kiến sai lầm và xuyên tạc về Ngày hội QPTD đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội và trong đời sống xã hội. Để phát huy, lan tỏa tinh thần, truyền thống dựng nước và giữ nước, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, thống nhất tư tưởng, nhận thức, hành động vì một nền QPTD, toàn diện, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền,giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về vai trò,ý nghĩa của Ngày hội QPTD. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các LLVT kết hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục về lịch sử, truyền thống, các giá trị cốt lõi của ngày hội. Sử dụng đa dạng các kênh truyền thông như báo chí, truyền thông xã hội để truyền tải những thông điệp yêu nước, trách nhiệm BVTQ. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện theo hướng tiếp cận mọi tầng lớp nhân dân, từ người cao tuổi đến thế hệ trẻ -những người sẽ gánh vác nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước. Từ đó, tạo môi trường học tập,tìm hiểu quốc phòng hấp dẫn, gần gũi với giới trẻ.

Hai là, phát huy vai trò của LLVT nhân dân trong nâng cao chất lượng,hiệu quả của Ngày hội QPTD. Trong đó, QĐND là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. LLVT cần phát huy vai trò thông qua diễn tập quân sự nhằm củng cố khả năng chiến đấu và nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về các mối đe dọa quốc phòng hiện đại, về vai trò then chốt của LLVT trong giữ vững nền hòa bình, độc lập. LLVT cũng cần tổ chức các triển lãm, trưng bày về lịch sử quân đội và những thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và BVTQ, như giới thiệu các hiện vật, hình ảnh các chiến dịch quân sự trong lịch sử, những vũ khí, khí tài quân sự hiện đại giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ củng cố niềm tin vào sức mạnh BVTQ từ trong thời bình, qua đó hun đúc lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Giúp người dân hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của quốc phòng trong việc duy trì hòa bình và phát triển bền vững đất nước; trách nhiệm BVTQ trong thời bình.

Ba là, đẩy mạnh phối hợp và tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp trong đảm bảo cơ sở vật chất cho Ngày hội QPTD. Ngày hội không chỉ là sự kiện của riêng của LLVT, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, thúc đẩy tinh thần đoàn kết toàn dân trong nhiệm vụ BVTQ. Từ đó, huy động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và khơi dậy lòng yêu nước. Nhằm khẳng định chân lý nền QPTDlà sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và từng bước hiện đại.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung,hình thức tổ chức Ngày hội QPTD. Đây là một yếu tố quan trọng để duy trì tính hấp dẫn và ý nghĩa giáo dục lâu dài. Tiếp tục lan tỏa tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức quốc phòng và phù hợp với yêu cầu tình hình hiện nay. Việc đổi mới cần hướng đến sự đa dạng trong tổ chức các hoạt động, vừa thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân, vừa đảm bảo tính thực tiễn và giáo dục cao. Không chỉ đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức, ngày hội cũng cần được cải tiến để phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Các chương trình giao lưu giữa các thế hệ, gặp gỡ cựu chiến binhvà quân nhân trẻ cần được tổ chức sáng tạo hơn. Việc mời các chuyên gia về quân sự, tướng lĩnh trong quân đội tham gia các buổi giao lưu cũng sẽ tạo ra nhiều giá trị thiết thực, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn tình hình QP-AN của đất nước. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ BVTQ trong bối cảnh mới.

Năm 2024 đúng vào dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội QPTD, 94 năm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc và Ngày hội Văn hóa quân dân,tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sôi nổi, gắn kết các tầng lớp nhân dân, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đây, những chiến công vẻ vang, oanh liệt của QĐND được tuyên truyền, các vũ điệu quân dân được lan tỏa sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, kết hợp với các nội dung sinh hoạt văn hóa đậm bản sắc dân tộc ở khu dân cư, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng, gắn kết lòng dân, ý Đảng, thắm đượm tình cảm quân dân cá - nước, làm rạng ngời trang sử truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc;thực hiện tốt chủ trương của ĐảngBVTQ từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy,khoan thai sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc của dân tộc.

Đại tá, PGS, TS Phạm Thành Trung

Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/231/196276/ngay-hoi-quoc-phong-toan-dan-ngay-hoi-cua-truyen-thong-dung-nuoc-va-giu-nuoc.htm