Ngày hội thống nhất non sông, nghĩ về thực hiện những mục tiêu lớn

Hòa bình, thống nhất, độc lập và cường thịnh là mục tiêu cao cả của mọi quốc gia và của mỗi cá nhân gắn kết trong cộng đồng các dân tộc hợp thành đất nước. Với vị trí địa chính trị nhạy cảm, lịch sử dân tộc - đất nước Việt Nam là lịch sử đấu tranh kiên cường để hướng tới, giành được những mục tiêu cao cả đó.

Từ thuở bình minh của nền độc lập, trải qua nghìn năm Bắc thuộc, kế tiếp hơn nghìn năm khôi phục và bền bỉ giữ gìn nền độc lập, mở mang bờ cõi; đất nước, dân tộc Việt Nam có được cơ đồ như ngày hôm nay: non sông liền một dải, 54 dân tộc anh em và gần 100 triệu con Lạc cháu Hồng đoàn kết; nền kinh tế phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao; an ninh, quốc phòng được giữ vững, chính trị ổn định; Việt Nam ngày càng củng cố vị thế, uy tín trên trường quốc tế, tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động của Liên hợp quốc, vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Có được thành tựu đó, trong thế kỉ XX dân tộc Việt Nam đã kiên cường tranh đấu, đặc biệt là sự hi sinh to lớn để đất nước có được hòa bình, thống nhất và độc lập tròn 46 năm về trước – một dấu mốc quan trọng nhằm thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc lịch sử: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, năng động, sáng tạo, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế vùng và cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, năng động, sáng tạo, giữ vững vai trò đầu tàu phát triển kinh tế vùng và cả nước.

Tự hào về những thành tựu đạt được, chúng ta cũng không khỏi trăn trở trước những nguy cơ, thách thức đe dọa sự phát triển ổn định của đất nước. Bên cạnh bốn nguy cơ đã được Đảng ta xác định: tụt hậu về kinh tế, chệch hướng XHCN, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn, thì cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức mới; xuất hiện nhiều thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, suy giảm môi trường sống, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các dịch bệnh mang tính toàn cầu…

Đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước, với tinh thần khoa học, dân chủ, Đảng ta xác định rõ những nguy cơ, thách thức nêu trên; đồng thời đặt ra mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII: Phấn đấu đến năm 2025: là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.

Việc đặt ra mục tiêu một cách khoa học với mốc thời gian cụ thể là rất quan trọng để xác định giải pháp thực hiện. Nghị quyết Đại hội XIII đề ra các giải pháp trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việc triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu Đại hội XIII đề ra là vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của nhân dân. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta có niềm tin vào sự thắng lợi và thành công; tuy nhiên, nhân dân có quyền hi vọng và đòi hỏi các mục tiêu nêu trên được hoàn thành sớm hơn, với kết quả cao hơn. Điều đó là hoàn toàn chính đáng và có cơ sở.

Bởi lẽ, nửa cuối năm 1974, hội nghị Bộ Chính trị họp quyết định phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp để bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976 và kết luận: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc… Bộ Chính trị đặt quyết tâm: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như tiên liệu của Bộ Chính trị và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Đó là minh chứng sinh động để chúng ta hướng tới quyết tâm thực hiện thành công sớm hơn, tốt hơn các mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Như phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý chí vươn lên mãnh liệt, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới, sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng của toàn dân tộc”.

Trần Duy Hiển

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/ngay-hoi-thong-nhat-non-song-nghi-ve-thuc-hien-nhung-muc-tieu-lon-639326/