Ngày hội tôn vinh hòa giải viên

Sau 6 tháng triển khai với sự hưởng ứng tích cực, sôi nổi đầy hào hức của đội ngũ hòa giải viên, ngày 25-10, Cuộc thi Hòa giải viên giỏi TP Hà Nội năm 2019 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Cuộc thi đã chọn ra được các đội thi có thành tích tốt để trao giải, nhưng quan trọng hơn là qua Cuộc thi, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn Thủ đô thêm hiểu hơn công việc của các hòa giải viên – những người vẫn được ví như là 'thẩm phán cơ sở', là 'sợi dây kết nối yêu thương', 'nhịp cầu nối những bờ vui'.

Cái “lý” cái “tình” - tiêu chí thành công

Một vụ việc hòa giải thành công cần thấu lý, đạt tình. Cái “lý”, cái “tình” cũng là bí quyết để hòa giải thành công các vụ việc. Đó là thông điệp được đội thi hòa giải viên giỏi quận Đống Đa- đôi thi giành giải Nhất chia sẻ, gửi gắm đến Cuộc thi. Thông điệp này được thể hiện đậm nét qua các phần thi của đội. Ở phần thi xử lý tình huống, quận Đống Đa bốc thăm được tình huống tranh chấp giữa hai hộ liền kề là nhà ông Minh, nhà ông Chiến. Ở phần đất giáp ranh giữa hai nhà, ông Minh trồng 2 cây nhãn. Một cây có nhiều lá rụng, đọng lại trên mái nhà và nhiều cành ngả sang đất nhà ông Chiến làm hư hỏng mái ngói. Một cây bị nghiêng, gần bật gốc, có nguy cơ đe dọa đổ vào nhà ông Chiến.

Nhiều lần, ông Chiến đề nghị ông Minh chặt các cành vươn sang đất nhà mình và đốn cây nhãn bị nghiêng để tránh cây đổ nhưng ông Minh không đồng ý. Hai bên nhiều lần to tiếng gây căng thẳng, làm mất trật tự khối xóm. Hàng xóm đã nhiều lần khuyên can nhưng không được, xung đột, mâu thuẫn có nguy cơ gia tăng cao.

Xử lý tình huống đặt ra, các hòa giải viên của quận Đống Đa đã khéo léo kết hợp giữa “lý” và “tình”. Trong quá trình gặp gỡ hai bên tranh chấp, hòa giải viên đã khéo léo gợi tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau lâu nay giữa hai bên gia đình. Đồng thời phân tích cho ông Minh các quy định của pháp luật dân sự liên quan để ông Minh thông suốt hơn.

Quận Đống Đa mang đến Cuộc thi thông điệp: “Cái tình, cái lý là tiêu chí thành công”. Ảnh: Công Phương

Quận Đống Đa mang đến Cuộc thi thông điệp: “Cái tình, cái lý là tiêu chí thành công”. Ảnh: Công Phương

Nghe những phân tích có lý có tình của hòa giải viên, cuối cùng hai nhà đã hòa giải thành công. Phần thi xử lý tình huống của đội Đống Đa cũng được Ban Giám khảo đánh giá là phần xử lý tình huống hay nhất.

Sang phần thi năng khiếu với tiểu phẩm “Tình làng nghĩa xóm”, thông điệp về chữ “lý”, chữ “tình” lại thêm một lần được quận Đống Đa truyền tải mạnh mẽ đến Cuộc thi. Tiểu phẩm kể câu chuyện về gia đình ông A cho thuê tầng 1 để mở câu lạc bộ và thường xuyên mở nhạc to khiến nhà hàng xóm bị ảnh hưởng. Hai bên nhiều lần lời qua tiếng lại và không bên nào chịu nhận mình sai, không bên nào chịu nhường bên nào. Mâu thuẫn hai nhà ngày càng gay gắt.

Biết chuyện hai nhà, hòa giải viên đã phân tích, khuyên nhủ hai bên nên có cách hành xử đúng. Cuộc nói chuyện giữa hai bên còn đang căng thẳng thì bất ngờ khói bốc lên ở nhà bà B hàng xóm. Dường như quên mất hai nhà đang có xích mích mâu thuẫn, ông A vội vàng vào dập lửa giúp nhà hàng xóm và rồi bị thương. Tình cảm yêu thương, sẻ chia giữa người với người, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn luôn là thứ tình cảm tốt đẹp trong lòng mỗi người mà đôi khi cuộc sống với nhiều những bận rộn lo toan, với những áp lực mưu sinh khiến người ta vô tình quên lãng. Nhưng với sự kết nối của hòa giải viên, những tình cảm tốt đẹp ấy lại được đánh thức. Câu chuyện “Tình làng nghĩa xóm” đã có một kết thúc đẹp khi tình làng nghĩa xóm được gìn giữ và nhân lên bởi hai gia đình không những hóa giải mâu thuẫn mà con của hai gia đình cũng có tình cảm, yêu thương nhau.

Cùng với đội thi quận Đống Đa, các đội thi khác cũng luôn đề cao việc “thấu lý đạt tình” trong giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Cái “lý” là cái gốc để giữ cho cái “tình” được đậm sâu, bền lâu. Song hành với đó, cái “tình” góp phần bồi đắp, làm đẹp thêm cái “lý”, để ứng xử theo pháp luật không phải chỉ là những quy định khô khan trên trang giấy mà là một ứng xử tự nhiên, tự thân trong chính bản thân mỗi người. Việc khéo léo kết hợp hài hòa giữa chữ “lý” và chữ “tình” cũng đảm bảo cho kết quả hòa giải được thực chất, bền vững.

Phần thi xử lý tình huống của đội thi quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải

Phần thi xử lý tình huống của đội thi quận Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải

Cuộc thi - kênh tập huấn kiến thức, kỹ năng hiệu quả cho hòa giải viên

Đánh giá phần thi của các đội thi, bà Hồ Xuân Hương – PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, Trưởng Ban Giám khảo cho biết: “Các đội thi thể hiện sự ngang sức, ngang tài và có đầu tư rất kỹ lưỡng về mặt chất lượng. Ban giám khảo đã phải đánh giá rất kỹ phần thi của từng đội thi và cũng rất khó khăn để xếp loại các đội thi. Qua kết quả chấm điểm thì thấy các đội nhất, nhì, ba chênh nhau điểm không nhiều. Thậm chí có đội từ nhì với ba mà chênh nhau chỉ 0,1 điểm”.

Cũng theo bà Hồ Xuân Hương, tại các vòng thi sơ khảo trước đó, 30/30 đội thi quận, huyện, thị xã đều đầu tư bài bản trong từng phần thi, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với công tác hòa giải. Trong đó, 10/30 quận, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai cuộc thi ngay ở cấp cơ sở để chọn ra đội thi xuất sắc dự vòng sơ khảo cấp TP, đồng thời qua đó đẩy mạnh phong trào hòa giải tại địa phương mình. Điển hình là các quận, huyện: Quốc Oai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Đống Đa, Thường Tín, Hoàng Mai, Ba Vì, Sơn Tây, Ba Đình, Cầu Giấy..

Trong nhiều năm qua, cứ 5 năm một lần, TP Hà Nội lại tổ chức Cuộc thi Hòa giải viên giỏi trên địa bàn TP. Theo PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội “Đây là truyền thống của Hà Nội và cũng là thế mạnh của Thủ đô.

Phát huy truyền thống đó, năm 2019 Cuộc thi Hòa giải viên giỏi được TP Hà Nội tổ chức với mục đích đầu tiên là tuyên truyền phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn TP. Cùng với đó tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, đời sống hàng ngày của người dân, trong đó những Bộ luật, đạo luật mới ban hành như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Xây dựng năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)... Đặc biệt, năm nay, Ban tổ chức cuộc thi TP còn nhấn mạnh nội dung của cuộc thi về việc tìm hiểu và tuân thủ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP”.

Cuộc thi cũng nhằm trang bị kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên. Qua cuộc thi, các hòa giải viên được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây có thể xem như là một cuộc tuyên truyền, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên của TP”. “Thành công của Cuộc thi có vai trò, ý nghĩa như vậy”, PGĐ Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương nói.

Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng PBGDPL TP, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi: “Trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, tỷ lệ hòa giải thành của TP hàng năm đều tăng. Tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm đạt 82%, đặc biệt năm 2018 tỷ lệ hòa giải tăng cao 86,3%. Điều quan trọng đây là tỷ lệ thực chất chứ không phải báo cáo thành tích.

Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc giữu vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để Thủ đô xứng đáng là Thủ đô bình yên, thành phố vì hòa bình, điểm đến hấp dẫn và thân thiện của bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước”.

Thanh Hải - Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngay-hoi-ton-vinh-hoa-giai-vien-167502.html