Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III: Sức sống cội nguồn
Bề dày văn hóa là cội nguồn sức mạnh của mỗi dân tộc đang sinh sống trên cao nguyên Gia Lai hùng vĩ. Sức sống cội nguồn không ngừng được nuôi dưỡng, làm nên sự giàu có, đa sắc cho vùng đất.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III là dịp để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ, phong phú ấy trong sự hội tụ và lan tỏa.
Sắc màu di sản
Gần 800 nghệ nhân đến từ 7 dân tộc Bahnar, Jrai, Kinh, Tày, Mường, Mông, Thái đã mang đến ngày hội những sắc màu độc đáo của di sản văn hóa. Nếu 2 dân tộc tại chỗ là người Bahnar, Jrai tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng với những lễ hội, lễ thức gắn với vòng đời từ khi sinh ra cho đến khi về cõi Atâu thì các dân tộc anh em như Mường, Mông, Tày, Thái lại phô diễn nét tinh túy trong di sản văn hóa được họ chắt lọc, gìn giữ trong suốt những năm tháng gắn bó với quê hương thứ hai.
Bà Trần Thị Loan (75 tuổi, đoàn nghệ nhân huyện Chư Prông) chia sẻ: “Tôi đến định cư tại vùng đất Ia Phìn hơn 40 năm trước. Từ đó đến nay, tôi luôn duy trì những làn điệu chèo như một sợi dây kết nối với cội nguồn của văn hóa dân tộc Việt. Đây là lần đầu tiên loại hình hát chèo được đưa vào nội dung của Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai, tạo cơ hội để chúng tôi được tham gia giao lưu nên rất nhiều cảm xúc. Mỗi khi cất lên một làn điệu chèo, một điệu múa là lại thấy yêu quê hương, đất nước hơn, sức sống văn hóa trong con người mình mạnh mẽ hơn”.
Từ một ngôi làng Bahnar xa xôi ở vùng Đông Trường Sơn, chị Đinh Thị Thúy Ngân (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang) chia sẻ, đây cũng là lần đầu tiên chị được tham gia một sự kiện văn hóa lớn và có nhiều dân tộc anh em như vậy. Chị bày tỏ: “Mình rất tự hào khi người Bahnar ở Kbang còn giữ được các giá trị văn hóa rất đặc sắc. Trang phục của phụ nữ đẹp nổi bật, thu hút rất đông nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh. Tuy vậy, mỗi dân tộc đều có một nét đẹp riêng mình cần phải học hỏi”.
Tinh thần của ngày hội còn là sự tôn vinh bản sắc và chủ nhân của các di sản văn hóa. Nói về đoàn nghệ nhân nhiều thế hệ của huyện Ia Pa, chị Nay H'Gai-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Tul-cho biết: “Được tham gia ngày hội văn hóa lớn như vậy, bà con rất tự hào. Tôi muốn đưa người già đến ngày hội để tôn vinh những cống hiến của họ cho văn hóa. Còn đối với lớp trẻ, đến với ngày hội để tự hào về di sản văn hóa độc đáo của mình, học hỏi thêm để về làng tiếp tục kế cận lớp người già trong việc giữ gìn, phát triển văn hóa”.
Những điểm nhấn
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức ngày hội-cho biết: “Đây là lần thứ ba tổ chức nên chúng tôi cố gắng đổi mới để có những điểm khác biệt, hấp dẫn hơn. Ngày hội không có khai mạc, bế mạc, thay vào đó là đêm hội “Sức sống cội nguồn” để đồng bào thể hiện các giá trị văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc mình trên sân khấu. Mục đích lớn nhất là khơi dậy trong mỗi người dân niềm tự hào, tinh thần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Chúng tôi cũng sẽ luôn tìm ra nét mới theo từng năm để làm sao thu hút được người dân và du khách đến với ngày hội một cách vui vẻ, hào hứng nhất, đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị đích thực cho cuộc sống”.
Đêm hội diễn ra vào tối 13-4 để lại những thanh âm đẹp về “sức sống cội nguồn”. Đứng chung một sân khấu, các đoàn nghệ nhân ghi dấu ấn văn hóa đặc sắc qua các tiết mục đặc trưng. Các nghệ nhân Bahnar, Jrai mang đến một Tây Nguyên huyền ảo, vừa hùng vĩ, vừa trữ tình với phần trình diễn cồng chiêng, dân ca, dân vũ “Mừng nhà rông mới”, “Lễ bỏ mả”, “Em đẹp như hoa pơ lang”, cà kheo nghệ thuật trên nền nhạc “Hoa rừng”, dân vũ “Dòng suối mênh mông”, tam ca nam “Những chàng trai dũng cảm”, dân ca “Theo dấu chân cha”… Trong khi đó, các dân tộc Kinh, Tày, Nùng… cũng góp sắc màu với tiết mục đặc trưng vùng miền như hát chèo “Tình mẹ cho con”, hát then và đàn tính “Sự nghiệp Hồ Chí Minh vĩ đại”. Cũng trong đêm hội, nghệ nhân 7 dân tộc cùng trình diễn trang phục truyền thống trên nền của hòa tấu tre nứa do nghệ nhân Pleiku hỗ trợ. Khán giả như được dẫn dụ vào một hành trình khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa qua từng bộ trang phục đặc trưng, đầy màu sắc được các dân tộc gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử.
Có thể nói, việc lựa chọn những nội dung mới đã mang đến thành công lớn cho ngày hội năm nay. Người dân và du khách không chỉ mãn nhãn với phần trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc, hào hứng cùng từng bước cà kheo nghệ thuật, hồi hộp trong từng nhịp chày thi giã gạo của các nữ nghệ nhân, mà còn bùng nổ cảm xúc với từng cú nhảy trên bao bố đầy sức mạnh và khéo léo của những đôi chân trần. Hai nữ nghệ nhân của huyện Đak Đoa hoàn thành phần thi giã gạo trong thời gian sớm nhất với thành phẩm là những hạt gạo đều đẹp, không nát vỡ-một tiêu chuẩn cho sự khéo léo của người giã gạo. Nghệ nhân Ayah cho biết: “Giã gạo là hoạt động thường ngày của phụ nữ. Khi giã ở ngày hội với sự reo hò, cổ vũ của đông đảo mọi người, mình rất hồi hộp, nhưng cũng vui lắm. Hy vọng những năm sau sẽ có thêm nhiều hoạt động của người dân tộc Tây Nguyên đưa vào ngày hội để thế hệ trẻ thấy sự phong phú trong văn hóa của dân tộc mình”.
Trong khi đó, cô gái Jrai Nay Thị Thu Hà (đoàn nghệ nhân Ia Pa) với chiều cao nổi bật đã thổi hồn vào bộ trang phục truyền thống của người Mường. Nói về lý do lựa chọn trang phục của dân tộc khác để trình diễn, chị chia sẻ: “Mình chọn trình diễn trang phục truyền thống của người Mường với mong muốn các dân tộc luôn đoàn kết, cùng chung tay bảo tồn các giá trị văn hóa. Dù là người dân tộc nào thì thế hệ trẻ cũng cần có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Mình mong muốn qua các hoạt động của ngày hội sẽ góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc sinh sống trên vùng đất cao nguyên”.
Hội tụ và lan tỏa
Đạo diễn Lê Đức Tiến cùng ê kíp của Hãng phim Giải Phóng (TP. Hồ Chí Minh) có mặt tại Pleiku trong những ngày vừa qua để thực hiện bộ phim tài liệu “Hoa văn Tây Nguyên”. Ông cho biết: “Bộ phim tài liệu “Hoa văn Tây Nguyên” mà chúng tôi đang thực hiện đề cao hoa văn, mỹ thuật của người Tây Nguyên, trong đó có hoa văn trên gốm sứ, đặc biệt trên thổ cẩm, tượng nhà mồ. Vì thế, chúng tôi đến ngày hội không khác gì gặp được “kho báu”. Có thể nói tinh túy văn hóa các dân tộc đều hội tụ về đây, nhất là nghề đan lát truyền thống, đẽo tượng nhà mồ, trang phục dân tộc. Mỗi làng buôn lại mang một sắc thái riêng, làm nên không khí hội hè đặc trưng trong văn hóa của họ. Quá trình thực hiện bộ phim tài liệu này, chúng tôi đã đi nhiều nơi thuộc các tỉnh Tây Nguyên, nhưng khi về đây cảm giác như về nhà, y như cách đây 29 năm, tôi cùng với bác Núp đi làm phim “Đất nước đứng lên” hay như những năm trước tôi về làm các phim về văn hóa Tây Nguyên. Có mặt ở ngày hội lần này, tôi cảm giác như được trở về ngôi nhà xưa, không khí xưa, những người bạn xưa, thấy rất xúc động và hạnh phúc”.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung: “Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III là dịp để đồng bào các dân tộc trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, tôn vinh và nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng. Qua đây, chúng ta một lần nữa khẳng định, văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng. Nhiệm vụ của chúng ta là hỗ trợ đồng bào gìn giữ, trao truyền những giá trị ấy, từng bước biến các giá trị văn hóa đặc sắc trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch”.
Đạo diễn phim “Đất nước đứng lên” cũng cho rằng, tổ chức ngày hội là sáng kiến rất hay của ngành Văn hóa Gia Lai. Hoạt động rất phù hợp với tâm lý, tính cách của đồng bào. “Người Tây Nguyên thích lễ hội và cực kỳ mến khách. Vì vậy, hoạt động như vậy sẽ tạo cơ hội để họ được chơi và sống hết mình, được phô diễn cái tinh túy của dân tộc mình, để giao lưu với nhau, tiếp thu những tinh hoa, đặc sắc các buôn làng khác. Có lẽ cũng bởi người Tây Nguyên sống hồn nhiên như vậy, tận hưởng cuộc sống như vậy nên họ cũng là dân tộc rất hạnh phúc. Tất cả những cái đó làm nên sự quyến rũ trong văn hóa của họ”-ông nói.
Trong 2 ngày diễn ra các hoạt động chính, ngày hội đã thu hút đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế. Điều đó minh chứng cho sức hút của văn hóa trong đời sống. Chị Rcom HNhung (hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi xa quê hương Phú Thiện từ nhỏ, nhưng trong lòng vẫn luôn thương nhớ tiếng cồng chiêng và không khí lễ hội. Dịp này, tôi đưa 2 con về trải nghiệm các hoạt động văn hóa, các con rất hào hứng. Còn tôi, sau rất nhiều năm mới lại được sống trong một ngày hội nhiều màu sắc như vậy, tôi thực sự choáng ngợp”.