Ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Thanh tra (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan cùng các đại biểu tại phiên thảo luận ngày 13/6

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan cùng các đại biểu tại phiên thảo luận ngày 13/6

Tại phiên thảo luận đã có 27 ý kiến phát biểu, 2 đại biểu tranh luận liên quan đến các nhóm vấn đề như chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam; các quy định liên quan đến người hành nghề khám, chữa bệnh; kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh...

Các đại biểu nhấn mạnh: Việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Bên cạnh đó, góp phần giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Từ đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Sau đó, tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó, ngày 26/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và đã thảo luận tại các tổ về dự án luật này.

Qua tổng hợp thảo luận tại tổ đã có 140 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì soạn thảo, được Chính phủ phân công đã có báo cáo làm rõ một số nội dung và giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các đại biểu đã thảo luận tại tổ.

Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tổ cho thấy, đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này không có nhiều thay đổi so với luật hiện hành, chưa có những thay đổi căn bản, đáp ứng được yêu cầu đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của ngành thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng luật như trong tờ trình của Chính phủ bởi góp phần thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực nhà nước cũng như bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành luật.

Các đại biểu đề nghị cần bổ sung quan điểm, nguyên tắc “kết hợp linh hoạt với điều kiện, hoàn cảnh, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước”; xây dựng Luật Thanh tra theo hướng thanh tra là cơ quan có trách nhiệm phát hiện, hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện pháp luật như các quốc gia khác trên thế giới; mọi hoạt động trong xã hội đều phải được thanh tra để ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Thanh tra là một cơ quan độc lập, quản lý theo ngành dọc nhằm tăng cường tính độc lập trong hoạt động, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng; phân định rõ ràng giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; nghiên cứu để hợp nhất các cơ quan có chung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng như kiểm toán, nội vụ, thanh tra thành một cơ quan duy nhất để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng lưu ý về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán. Có ý kiến đề nghị rà soát kỹ, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thanh tra với các luật chuyên ngành để quy định trường hợp nào áp dụng Luật Thanh tra, trường hợp nào áp dụng luật chuyên ngành…

Linh Duy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/78461/ngay-lam-viec-thu-16-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-thao-luan-2-du-an-luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-va-luat-thanh-tra-sua-doi.html