Ngày làm việc thứ 7, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em
Sáng 27.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bước vào ngày làm việc thứ 7. Trong ngày làm việc này, Quốc hội xem xét, thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về nội dung này.
Dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Thị Thu Trang; các ĐBQH khóa XIV tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại chưa được phát hiện kịp thời
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Báo cáo nêu rõ, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm hơn, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại như: Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên còn khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các nghị định liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm tính răn đe; việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa được chú trọng đúng mức; vẫn để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, thậm chí xảy ra cả trong gia đình và nhà trường; công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc đã bị xâm hại còn một số hạn chế; việc giải quyết một số vụ xâm hại trẻ em chưa kịp thời, chưa nghiêm, một số trường hợp có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Qua giám sát cho thấy, tình hình trẻ em còn những vấn đề đáng quan tâm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại vẫn còn rất lớn, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, phức tạp và khó lường.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự, xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Trong đó, xâm hại tình dục (XHTD) là 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại. Ở nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị XHTD chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại. Số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế.
Tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỉ lệ lớn và có xu hướng gia tăng. Đã xảy ra vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp XHTD dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con có tính chất dã man...
Xâm hại trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn mà tại các tỉnh, thành phố lớn cũng đang có xu hướng gia tăng. TP. HCM và Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất nước. Đáng lưu ý, 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị XHTD, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật...
Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Toàn cảnh phiên họp
Từ thực trạng trên, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ xâm hại trẻ em.
Trong năm 2020, Chính phủ cần ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ ban hành: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục; Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Quy trình giám định đặc thù đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em; Quy định về điều tra thân thiện đối với trẻ em…
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công an bảo đảm tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 90%. Viện kiểm sát nhân dân tối cao bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn và truy tố bị can đúng tội danh đạt 100%. Tòa án nhân dân tối cao: bảo đảm tỷ lệ giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em đạt trên 90%. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm Luật Trẻ em. Bên cạnh đó tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em
Sau khi nghe báo cáo giám sát, các ĐBQH tiến hành thảo luận, phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.
Tham gia phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, môi trường gia đình vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông bà, cha mẹ, người thân thích thực hiện. Theo thống kê của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
“Những xâm hại ở trẻ từ trong chính gia đình là một mất mát rất lớn và dễ dẫn đến tác hại kép, vừa gây tổn thương cho chính trẻ, gây mất hạnh phúc cho gia đình hiện tại; vừa ảnh hưởng lớn đến khả năng xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh khi chính trẻ bị xâm hại trở thành cha, mẹ, ông bà trong gia đình tương lai”- đại biểu Phạm Thị Thu Trang khẳng định.
Từ quy định và thực tiễn, bên cạnh phân tích những tổn thương của trẻ em và gia đình, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị, cần phải bổ sung phân tích, đánh giá sâu hơn về ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực và đến điều kiện xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh để thấy tầm quan trọng trong quản lý, đầu tư thực hiện quyền trẻ em nói chung và đề ra giải pháp hiệu quả để bảo vệ; phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tham gia phát biểu thảo luận
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cũng cho biết, qua rà soát 5 Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2016 – 2020 và từng năm trong kỳ, đều nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và từng năm có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về trẻ em theo tình hình. Tuy nhiên, theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì có hạn chế về công tác quản lý nhà nước, liên quan đến việc: “Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; một số bộ, ngành chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được quy định trong Luật Trẻ em, dẫn đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành và địa phương đạt hiệu quả chưa cao”.
Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Thu Trang đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến thực hiện quyền trẻ em; phối hợp xây dựng hoàn thiện cơ chế, biện pháp và làm tốt công tác phối hợp trong việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em để tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em và khắc phục những hạn chế nêu trên.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện; tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng và các địa phương bảo đảm việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong kế hoạch phát triển KT-XH dài hạn, trung hạn và hằng năm của quốc gia, ngành, và địa phương theo quy định, để làm cơ sở bố trí nguồn lực, triển khai thực hiện các giải pháp căn cơ về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; bảo đảm xây dựng, phát triển dân số và nguồn nhân lực bền vững.
Tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng đặt ra vấn đề thời sự hiện nay, đó là việc trẻ bị xâm hại trên chính không gian mạng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, sự phát triển của Internet khiến trẻ em thành "công dân số" từ rất sớm. Trẻ có nhiều mối quan hệ trên mạng và có nhiều cơ hội để học tập, phát triển. Tuy nhiên, Internet cũng mang lại các các tác động xấu, mặt trái đặt ra có nhiều nguy cơ.
Dẫn các số liệu, đại biểu Thủy cho hay, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội. Kết quả khảo sát cho thấy 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số em gái cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng thì chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay.
Thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện làm quen. Sau khi đã gây được thiện cảm với trẻ, chúng bắt đầu chia sẻ, cho các em xem phim khiêu dâm, hướng dẫn đóng phim, rồi cuối cùng sử dụng chính hình ảnh đó để đe dọa, ép buộc các em gặp ngoài đời thực, ép quan hệ tình dục...
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định, việc xâm hại trên mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu bị xâm hại ở xã hội thì có thể chỉ một vài người biết tới, nhưng lên mạng thì nỗi đau này sẽ theo các em suốt cả đời. Đáng lo ngại hơn, trẻ ở trong nhà cũng có thể bị xâm hại bởi các đối tượng hoạt động phi biên giới. Chính vì vậy, việc gia đình trao cho trẻ điện thoại thông minh nhưng lại không hướng dẫn cho trẻ cách sử dụng an toàn là mối đe dọa.
Từ các dẫn chứng và phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con tham gia mạng xã hội một cách an toàn để khai thác internet một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đưa nội dung giảng dạy này vào nhà trường để bảo vệ trẻ trước môi trường đầy nguy cơ.
Trong phiên làm việc buổi sáng đã có 22 đại biểu phát biểu, chiều nay, Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.