Ngày Lương Thực thế giới: Tài nguyên nước - nền tảng của sản xuất lương thực
Ngày Lương thực Thế giới năm nay có chủ đề 'Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không ai bị bỏ lại phía sau'.
Sáng 16/10, tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam tổ chức chương trình kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 43, 78 năm ngày thành lập tổ chức FAO và 45 năm hợp tác Việt Nam - FAO.
Ngày Lương thực Thế giới năm nay có chủ đề “Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không ai bị bỏ lại phía sau”, với mục tiêu nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò, tầm quan trọng của việc quản lý nước hợp lý. Đây là sáng kiến quan trọng vì nguồn tài nguyên quý giá này đang bị đe dọa bởi sự gia tăng dân số nhanh chóng, quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, nước rất cần thiết cho sự sống trên trái đất. Chỉ có 3% nước là ngọt, thích hợp cho ăn uống và sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp. Riêng nông nghiệp sử dụng khoảng 70% tổng lượng nước ngọt toàn cầu. Cũng giống như các nguồn tài nguyên tự nhiên khác, nước ngọt không phải là vô hạn và thực tế hiện nay khoảng 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia gặp căng thẳng về nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp với hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn nước ngọt để đảm bảo sinh kế. Việt Nam đã xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ hệ thống công trình kết cấu hạ tầng nguồn nước cùng với hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ để quản lý, khai thác, tận dụng tối đa khả năng nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống lũ, lụt và các tác hại khác do nước gây ra.
Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều dạng khan hiếm nước khác nhau – quá ít, quá nhiều, chất lượng kém và sử dụng quá mức. Để đáp ứng những thách thức này, tháng 6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Quản lý tài nguyên nước tổng hợp bền vững là một yếu tố then chốt ở Việt Nam và trên thế giới với việc vận dụng hiệu quả các sáng kiến liên quan đến nước nhằm hỗ trợ chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
FAO cũng đang hợp tác với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc thực hiện các nội dung chính của Chương trình Nghị sự Hành động vì nước của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là liên quan đến xây dựng các Lộ trình Nước Quốc gia, xác định quyền sử dụng nước, quản lý rủi ro hạn hán, giám sát dữ liệu về nước và số liệu bốc thoát hơi nước. Chương trình Nghị sự này là một phần của Hội nghị Nước Liên Hợp Quốc năm 2023 mà FAO chủ trì.
Việc đạt được các Mục tiêu SDGs liên quan đến nông nghiệp cũng là một trong những trọng tâm chính trong hoạt động của FAO tại Việt Nam, được phát triển dựa trên những nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong suốt 45 năm hợp tác của FAO với Việt Nam. FAO có mặt ở Việt Nam từ năm 1978, là một đối tác quan trọng và là nguồn cung cấp hỗ trợ kỹ thuật chính cho lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của Việt Nam.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, nước là động lực cho con người, nền kinh tế, môi trường tự nhiên và cũng là nền tảng để sản xuất lương thực thực phẩm.
Nước hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững và quản lý tổng hợp tài nguyên nước bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu của FAO; trong đó thúc đẩy các sáng kiến về nước nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.
Theo ông Rémi Nono Womdim, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc giải quyết các thách thức về tài nguyên nước, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nguồn nước trong nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, môi trường ngày càng gia tăng, trong khi tài nguyên nước ngày một suy thoái cả về số lượng và chất lượng.
Với tầm quan trọng của nước, ông Rémi Nono Womdim chia sẻ các lĩnh vực hành động cần thực hiện là đầu tư vào nâng cao năng lực quốc gia để kiểm kê tài nguyên nước và gắn với phân bổ nguồn nước công bằng, minh bạch. Để quản lý tổng hợp tài nguyên nước bền vững cần sự hợp tác liên ngành thông qua các chính sách pháp lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Nông dân cần được trang bị thông tin, công cụ quản lý, được hỗ trợ áp dụng các giải pháp tổng hợp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.
Ở góc độ chính sách cần thực hiện bảo trợ xã hội hiệu quả để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, qua đó nâng cao khả năng thích ứng cũng như củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Đồng thời, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân trong giảm phát thải trong chuỗi cung ứng.
“Tất cả chúng ta cần coi trọng nước, thực phẩm mà nước tạo ra và hành tinh mà nước nuôi dưỡng”, ông Rémi Nono Womdim nhấn mạnh.
Đóng góp vào việc nghiên cứu, giảng dạy và phát triển nguồn nhân lực về lĩnh vực tài nguyên nước tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Huế, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủy lợi cho biết, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của trường. Trường luôn đặt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các đề tài, dự án nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước lên hàng đầu, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.
Các đề tài, dự án, tiêu chuẩn đã đi vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước và giảm nhẹ thiên tai. Bên cạnh đó, các đơn vị của trường đã tham gia tư vấn thiết kế, giám sát thi công, thi công nhiều công trình thủy lợi, phòng chống sạt lở, lũ lụt, ông Nguyễn Hữu Huế cho biết./.