Ngày mai đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội cập cảng Hải Phòng
Sau 46 ngày vận chuyển bằng đường biển, dự kiến ngày mai (18/10), đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội sẽ cập cảng Hải Phòng thay vì mốc 24/10 như ban đầu. Đoàn tàu sau đó sẽ được vận chuyển bằng đường bộ về Hà Nội để chuẩn bị vận hành thử nghiệm.
Sáng 17/10, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, sau khi rời cảng cảng Dunkirk (Pháp) vào ngày 2/9, hiện đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội đã được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) vận chuyển về đến khu vực biển Đông. Dự kiến đoàn tàu sẽ cập cảng Hải Phòng (Việt Nam) vào ngày 18/10, sớm hơn một tuần so với dự kiến. “Sau khi cập cảng Hải Phòng, đoàn tàu sẽ được vận chuyển bằng xe siêu trường siêu trọng tới khu Depot Nhổn (Hà Nội), thực hiện lắp đặt lên ray để vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức”, đại diện MRB thông tin.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1435 mm), thân xe sử dụng vật liệu hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp.
Đoàn tàu được trang bị đầy đủ các tiện nghi như: Điều hòa không khí, thông gió, hệ thống phát thanh hành khách, hệ thống camera, hệ thống phát hiện cháy và khói độc lập, đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm... Nội thất bên trong tàu với các gam màu sáng cùng hệ thống đèn LED ánh sáng trắng để tạo cảm giác thoáng đãng, dễ chịu cho hành khách.
Đặc biệt, đoàn tàu sử dụng giải pháp tín hiệu điều khiển tàu CBTC (Communication-Based Train Control) có tên URBALIS – đây là công nghệ tiên tiến nhất của Alstom với các ưu điểm như: Cấu trúc hệ thống điều khiển linh hoạt; Tối ưu hóa độ an toàn; Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ cho hành khách không bị gián đoạn. Cấu tạo mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin cho lái tàu, 1 toa động cơ và 1 toa kéo), với 3 toa/4 toa sử dụng động cơ xoay chiều 3 pha, giá chuyển hướng lò xo không khí lắp đặt để tăng cao độ an toàn khi vận hành.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 03) có 2 đoạn tuyến, gồm 1 đoạn đi trên cao dài 8,5 km từ Nhổn (Bắc Từ Liêm) đến ga S8 - Đại học Giao thông vận tải (Cầu Giấy); đoạn đi ngầm dài 4 km đi ngầm từ khách sạn Daewooo đến ga Hà Nội. Dự án được khởi công tháng 9/2010 với tổng mức đầu tư đến nay là 1.176 triệu euro (khoảng 32.900 tỷ đồng) chủ yếu là vay ODA của Chính phủ Pháp. Ban Quản lý dự án đường sắt – MRB (UBND thành phố Hà Nội) làm đại diện chủ đầu tư. Theo tiến độ dự kiến, năm 2021 dự án sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao và năm 2022 sẽ khai thác đoạn đi ngầm.