Ngày mai thần Chết gọi tên ai…

Kết thúc buổi học chiều cuối tuần, các em học sinh lớp 6 ở Châu Thành, Long An đi ra cổng trường về nhà. Lớp học tan sớm hơn thường lệ, vốn mang lại niềm hân hoan thường ngày, lại là điểm khởi đầu cho tai họa đang ập tới. Chờ các em ngoài cổng không phải là ba mẹ, mà là sợi dây điện trung thế thõng xuống vũng nước tạo ra bởi cơn mưa cuối mùa. Sự kết hợp đó trở thành cạm bẫy chết người: sáu em bị điện giật, trong đó hai em tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: vov.vn

Buổi sáng các con đi học còn là những đứa trẻ vô tư, buổi chiều về các con chỉ còn là tấm thân bất động. Có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ thấu hiểu được nỗi đau của ba mẹ các em trong hoàn cảnh đó.

Những cái chết thương tâm vậy, buồn thay, không phải là hiếm. Cách đây hơn một tháng, một người phụ nữ ở Hà Nội bị một thanh sắt từ công trình xây dựng rơi trúng, tử vong tại chỗ. Cô chết trên đường đi làm về, trên một trong những con phố đông đúc nhất phía Tây Hà Nội. Là một trong hai thành phố được coi là hiện đại nhất Việt Nam, nhưng không ít công trình xây dựng ở đây như được làm ở chỗ không người. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc taxi bẹp dúm dưới hàng chục tấn sắt thép, khi công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông bị sập giàn giáo bốn năm về trước. Sẽ ra sao nếu đúng thời điểm đó, chiếc xe của bạn lại đi dưới cái bẫy khổng lồ đó chứ không phải chiếc taxi thiếu may mắn kia?

Tất nhiên, sống chết nhiều khi là vấn đề may rủi. Nếu ai từng xem series phim “Điểm đến cuối cùng” (Final Destination) chắc cũng biết đến những cái chết bất đắc kỳ tử, dù cẩn thận thế nào cũng không thể tránh khỏi. Thế giới vẫn ghi nhận những trường hợp vô tình bị đạn bắn chỉ thiên rơi trúng đầu mỗi năm.

Nhưng có những cái chết - như của hai em học sinh Long An hay người phụ nữ ở Hà Nội - hoàn toàn không phải là lỗi của số phận. Những bi kịch đó có thể tránh được nếu người ta không cẩu thả trong xây dựng, không vô trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, và giám sát chặt chẽ những hoạt động tiềm ẩn nguy cơ cao.

Và có lẽ là cả mỗi người trong chúng ta, những người may mắn không bị điện giật chết hay thanh sắt rơi trúng đầu, cũng có một phần lỗi. Đã bao lần chúng ta bàng quan trước cái xấu, không dám lên tiếng trước những tiêu cực, hay bênh vực điều thiện, bởi lo ngại động đến nồi cơm của mình?

Sự thành công về mặt kinh tế của công cuộc Đổi mới giúp hàng chục triệu người thoát nghèo, và một nhóm nhỏ cá nhân trở nên giàu có. Nhưng mọi đồng tiền đều có hai mặt. Sự dư dả về vật chất khiến mỗi người đều có nhiều thứ để mất hơn khi lên tiếng. Cùng với đó, nền kinh tế thị trường nở rộ trong một khung thể chế chưa hoàn thiện cũng dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực liên quan đến chủ nghĩa thân hữu, tính minh bạch, và vấn nạn tham nhũng.

Một số vấn đề trong số đó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của chúng ta, như: lơ là trong công tác quản lý xây dựng ở các thành phố lớn. Một số là chủ đề khiến mọi người bức xúc khi uống cà phê đọc báo mỗi sáng: con đường cao tốc 34.000 tỉ đồng ở miền Trung đi chưa được một tháng đã hỏng. Phần còn lại là những câu chuyện ảnh hưởng gián tiếp - nhưng lâu dài - đến không chỉ đời sống của mỗi cá nhân, mà là con cháu của họ.

Điểm khó của việc lên tiếng là vấn đề “hành động tập thể”. Có lẽ mỗi cá nhân không được hưởng lợi gì nhiều từ việc lên tiếng trước tiêu cực, thậm chí còn rước họa vào thân. Khi thầy giáo Đỗ Việt Khoa lên tiếng trước tiêu cực trong thi cử ở địa phương mình hơn 10 năm trước, có lẽ ông không ngờ hành động dũng cảm đó khiến ông vừa mất nghề lại vừa chịu vô vàn áp lực trong cuộc sống về sau. Điều này khiến tất cả đều ngần ngại: tại sao lại phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”?

Có lẽ khó tìm ra lý lẽ kinh tế thuyết phục để cổ xúy cho tinh thần vị cộng đồng. Nhưng nếu xét trên khía cạnh công dân, và lợi ích sau cùng về dài hạn, nếu mỗi người dân không phản ứng, thì môi trường sống của tất cả sẽ bị tha hóa dần đi. Nhà phân tâm học Sigmon Freud từng nhận xét, khi cộng đồng không còn biết phản ứng thì cái xấu sẽ nổi lên, con người dễ phạm phải điều ác, dối trá, man rợ với nhau thậm chí ở cả những nền văn minh tiên tiến nhất.

Nguyễn Khắc Giang

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280287/ngay-mai-than-chet-goi-ten-ai%E2%80%A6-.html