Ngày mới ở Ia Dom
Xã biên giới Ia Dom cách trung tâm thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai 12km; có 7 thôn, làng, với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Gia Rai chiếm gần 31%. Đây là xã biên giới đầu tiên của Tây Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới và đang ngày càng vững bước trên hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Ia Dom nhiệm kỳ 2020-2025, chính quyền địa phương đã tập trung rà soát, cơ cấu lại đất nông, lâm nghiệp, hoàn thành giao đất, giao rừng ở nơi có đủ điều kiện; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu và tranh chấp đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Có đất sản xuất nên phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Ia Dom đang phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là tổng diện tích cây trồng do nhân dân thực hiện (không tính diện tích của các công ty) đạt gần 5,1 nghìn ha, song diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, cây ăn quả đã chiếm trên 84%.
Chị Siu Piar ở làng Mooc Đen 2 chia sẻ, năm nào gia đình chị cũng thu được gần 1 tấn tiêu, điều nên có thu nhập khá, có điều kiện vươn lên làm giàu. Nâng tầm phát triển sản xuất, bà con còn đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất điều với Công ty TNHH OFI Việt Nam (Chi nhánh Gia Lai) thông qua Hợp tác xã điều Đức Cơ, Hợp tác xã nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ; chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng với Hợp tác xã nông sản xuất khẩu Bắc Tây Nguyên và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trường Sơn. Đến nay, có 6 sản phẩm OCOP của xã đã đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.
Song song với trồng trọt, chăn nuôi là lĩnh vực được nhân dân xã Ia Dom quan tâm đẩy mạnh. Xã đang duy trì tổng đàn gia súc gần 7.000 con, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ được hình thành. Năm 2023, ở thôn 3 đã hình thành một tổ hợp tác nuôi heo sọc dưa sinh sản do phụ nữ làm chủ. Tổ gồm 10 thành viên là các hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khó khăn có chung nguyện vọng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau mở rộng đàn heo để tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Mỗi thành viên được Hội Chữ thập đỏ và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng từ chương trình nhắn tin “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong vòng 3 năm để xây dựng, sửa chữa chuồng trại kiên cố, sạch sẽ, đáp ứng yêu cầu thoáng mát về mùa khô, giữ ấm về mùa mưa và có nguồn thức ăn đảm bảo cho con giống sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 3 năm, mỗi thành viên Tổ hợp tác trả lại cho Hội Chữ thập đỏ xã 10 triệu đồng để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ phụ nữ khó khăn tiếp theo nhân rộng mô hình.
Có thể thấy, mọi gia đình ở Ia Dom đều được tạo điều kiện phát triển kinh tế và chính họ đang tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của xã. Nhờ đa dạng hóa mô hình sản xuất nên thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đã đạt 47,32 triệu đồng/năm, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2021. Xã chỉ còn 136 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,4%.
Theo ông Tăng Ngọc Trai, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cùng với sự chuyển biến tích cực trong sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các thôn, làng khó khăn của xã cũng đã có bước tiến quan trọng. Hiện nay, 98% đường giao thông ở các thôn, làng đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 90% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 99,93% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 92% người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và 90% được nghe phát thanh...
Một điểm đáng được ghi nhận ở Ia Dom là chính quyền xã đã có nhiều nỗ lực đảm bảo quyền được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách pháp luật, quyền được nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho đồng bào DTTS. UBND xã phối hợp với Phòng Tư pháp mở các hội nghị phổ biến pháp luật tại các thôn, làng có đông đồng bào DTTS và có đông đồng bào theo tôn giáo. Công tác kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên các tổ hòa giải luôn được các thôn, làng triển khai thực hiện theo hướng chú trọng đưa đồng bào DTTS tham gia làm thành viên các tổ hòa giải và tuyên truyền viên pháp luật của các thôn, làng, xã. Xã hiện có 7 tổ hòa giải với 47 hòa giải viên thì có 10 hòa giải viên là người DTTS.
Trong những bước tiến ở Ia Dom có vai trò rất lớn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Những năm qua, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai đã huy động cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đồn phối hợp với xã và các lực lượng chức năng thường xuyên chủ động nắm tình hình, triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga”; phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép..., đưa xã ra khỏi địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh còn phối hợp hiệu quả với các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới và tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Do đó, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn luôn ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra. Công tác đối ngoại với chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang dọc tuyến biên giới Campuchia được tăng cường. Hằng năm, duy trì tốt hoạt động kết nghĩa giữa cụm dân cư hai bên biên giới; tổ chức các đoàn sang thăm, tặng quà chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Ratanakiri nhân dịp Tết cổ truyền Campuchia và mời phía bạn sang giao lưu, đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ngay-moi-o-ia-dom-post483938.html