Ngày mới ở khu tái định cư Bản Lầu
Những ngôi nhà ở khu tái định cư Bản Lầu (Trịnh Tường, Bát Xát) được xây từ tấm lòng 'tương thân, tương ái', sự quan tâm của Bộ Công an đối với người dân vùng cao, biên giới sau cơn bão lịch sử Yagi.
Sau cơn bão Yagi tháng 9/2024, Bát Xát là 1 trong 3 huyện bị thiệt hại nặng nề nhất (cùng với Bảo Yên và Bắc Hà) với 625 ngôi nhà thuộc diện phải làm mới, sửa chữa hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Chăm lo đời sống, ổn định “nơi ăn, chốn ở” cho người dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên triển khai sau thiên tai nhưng nguồn lực mới là yếu tố quyết định. Rất kịp thời, Bộ Công an đã hỗ trợ toàn bộ chi phí xây dựng 37 ngôi nhà tại khu tái định cư tập trung thôn Bản Lầu (Làng thanh niên lập nghiệp), xã Trịnh Tường trong khi huyện Bát Xát đối ứng xây dựng hệ thống giao thông, san tạo mặt bằng và các công trình phụ trợ như cấp nước, cấp điện cho các hộ dân.
“Ở đậu” trường học
Điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nà Lặc, xã Trịnh Tường nhìn ra cánh đồng đá khô khốc, lổn nhổn, trơ trọi, “bảo tàng tự nhiên và sống động” về sự tàn khốc của thiên tai sau bão Yagi. Suốt bao năm qua, điểm trường đón các em nhỏ đến học tập thì từ tháng 9/2024 đến nay đón thêm 4 gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhà đến đây tá túc.
Một dãy 3 phòng học trước đây là lớp học của nhóm học sinh lớp 4, 5, sau khi bậc học này tập trung về trường chính thì phòng bỏ trống, hoàn lưu bão Yagi làm dãy phòng học phục hồi giá trị. Khi chúng tôi tới thực tế, hai gia đình đi làm vắng, chỉ có chủ nhân căn phòng giữa là anh Phàn Trang Phương, dân tộc Dao, sinh năm 1993, thôn Tùng Chỉn 2 ở nhà. Ở tuổi này, anh Phương đã hai lần trải qua mất mát vì lũ ống, lũ quét.
Anh Phương kể, năm 15 tuổi, khi đang học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện thì cơn lũ lịch sử ngày 8/8/2008 ập tới quét sạch nửa thôn Tùng Chỉn, trong đó có ngôi nhà của anh. 4 người gồm mẹ, chị gái và 2 cháu của anh Phương bị nước lũ cuốn đi, có người không tìm thấy thi thể.
Lũ dữ đêm 9, rạng ngày 10/9/2024 thêm một lần anh Phương thoát nạn khi đang học sửa xe máy ở thị trấn huyện, 2 con nhỏ của anh gửi nhờ nhà anh trai cũng thoát nạn. Lũ quét khiến anh Phương mất ngôi nhà và toàn bộ tài sản, suốt gần 5 tháng qua, ba bố con anh sống chủ yếu nhờ hàng cứu trợ. Phòng học nhỏ vừa là nơi nghỉ ngơi, đun nấu, học bài.
Ngay sát với cổng vào điểm trường là phòng học trên cửa có biển “Lớp 3A” nhưng kỳ thực đang là chỗ ở nhờ của gia đình chị Tẩn Thu Phương, dân tộc Dao, thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường. Cơn lũ dữ ngày 10/9/2024 ập tới, chị Phương cùng 2 con hô nhau chạy ngược đồi thoát nạn. Hình ảnh nước lũ quét qua ngôi nhà đang ở cùng toàn bộ tài sản có lẽ mãi ám ảnh chị Phương nhiều năm sau này. Chị Thu Phương có hoàn cảnh khá éo le, cách đây 6 năm, chồng chị mất trong một vụ tai nạn giao thông. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn, Đồn Biên phòng Trịnh Tường đề nghị đón con trai đầu của chị về nuôi ăn, học đến hết lớp 12.
Nước lũ đã lấy đi không chỉ nhà cửa, tài sản mà toàn bộ phần ruộng lúa của gia đình chị Phương, nay là một phần của cánh đồng đá. Căn phòng học nhỏ “Lớp 3A” suốt gần 5 tháng qua vốn chất đầy đồ dùng trường học, đồ dùng, lương thực, thực phẩm của gia đình chị Thu Phương nhận từ các đoàn cứu trợ. Cũng như gia đình anh Phàn Trang Phương, chị Tẩn Thu Phương được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà.
Bản Lầu trước ngày mừng tân gia
Cách Tỉnh lộ 156 đoạn Bản Vược - A Mú Sung không xa, cụm tái định cư thôn Bản Lầu gồm 2 dãy nhà làm trên địa thế bằng phẳng, mỗi dãy 10 căn hộ hướng mặt vào nhau và một dãy nhà khác 17 căn nhà dựng ngay sát đó.
Có mặt tại công trường vào những ngày cuối năm Giáp Thìn, chúng tôi cảm nhận rõ không khí thi công hết sức khẩn trương. Riêng 2 dãy nhà 20 căn hộ đã hoàn thiện với màu sơn mới đều tăm tắp, chỉ còn một vài căn hoàn thiện lắp đặt trần, điều chỉnh kỹ thuật phần bếp.
Anh Lê Ngọc Dương, người phụ trách nhóm thợ đảm nhận lắp cửa, làm trần cho biết, suốt mấy tuần qua, công trường đêm cũng như ngày, các nhóm thợ tăng ca để đảm bảo tất cả 20 hộ đều được dọn vào ở nhà mới trước tết Nguyên đán. Với 17 hộ khởi công muộn hơn, mục tiêu hoàn thành trong tháng Giêng năm 2025, chủ nhân của những căn này đang có chỗ ở ổn định, đảm bảo các điều kiện tối thiểu.
Một cán bộ xã Trịnh Tường dẫn chúng tôi đi tham quan khu tái định cư thôn Bản Lầu cho hay, mỗi căn hộ làm theo mẫu định hình rộng gần 60 m2, bao gồm cả bếp. Bộ Công an đảm nhận toàn bộ chi phí thiết kế, xây dựng, hoàn thiện 37 căn hộ với tổng giá trị xây lắp 127 triệu đồng/căn, huyện Bát Xát bố trí nguồn lực hơn 2 tỷ đồng làm đường giao thông, tạo mặt bằng và đổ sân bê tông, khoảng giữa 2 dãy nhà và hạ tầng phụ trợ như đường điện, nước sinh hoạt. Thời gian qua, huyện Bát Xát đã tích cực vận động tìm nguồn lực hỗ trợ và hiện đã có thêm nhà từ thiện cam kết hỗ trợ khu dân cư phần điện chiếu sáng bằng đèn tích năng lượng mặt trời.
UBND xã nỗ lực phối hợp với các cơ quan của huyện để đảm bảo đồng thời giao nhà cho các hộ là trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo mỗi hộ có khoảng 200 m2 đất thổ cư. Với định mức này, các hộ hoàn toàn có thể mở rộng diện tích xây dựng về phía sau nhà đã được san tạo phần đất bằng phẳng. Ngay gần khu tái định cư, chính quyền địa phương đã quy hoạch khu đất dành cho chăn thả, nuôi nhốt gia súc với diện tích hàng nghìn m2, trong khi những nỗ lực cải tạo đất sản xuất bị ảnh hưởng thiên tai cũng đã được khởi động.
Khi đang viết bài này, qua điện thoại, chúng tôi nhận được thông tin từ ông Trần Kiều Hưng, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường, tính đến ngày 23/1 đã có 20/20 hộ dân dọn về ở tại 2 dãy khu tái định cư. Cuộc sống mới đã bắt đầu bằng tình yêu thương, sự quan tâm, chở che của đơn vị tài trợ, các cấp, ngành và toàn thể cộng đồng xã hội. Thôn Bản Lầu là âm đọc chệch từ Bản Láo, theo tiếng của đồng bào địa phương có nghĩa là “bản lớn”, nơi quần cư của nhiều hộ dân. Với cụm tái định cư Bản Lầu, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng và những điều lớn lao đã và đang được bắt đầu từ những hành động có thể nhỏ nhưng ý nghĩa vô ngần.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ngay-moi-o-khu-tai-dinh-cu-ban-lau-post396494.html