Ngày Môi trường thế giới 2021: Phục hồi sinh thái để phát triển bền vững
Ngày Môi trường thế giới 2021 có chủ đề phục hồi hệ sinh thái, nhấn mạnh vai trò của hệ sinh thái. Đây cũng là sự kiện đánh dấu bước khởi động cho Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc.
Trong suốt nhiều thập niên qua, con người đã khai thác gần như triệt để tài nguyên thiên nhiên để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, đồng thời “trả lại” rác thải nhựa, khí nhà kính hay nhiều loại chất ô nhiễm khác. Từ đó, hệ sinh thái ngày càng bị phá hủy, trở nên mất cân bằng nghiêm trọng.
Cái giá phải trả cho sự mất cân bằng sinh thái đang ngày càng “đắt”, từ những đợt thiên tai, bão lụt cho tới hiện tượng sa mạc hóa, sụt lún, sạt lở đất, gây ra thiệt hại về người và của. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 60% bệnh dịch được phát hiện trên người có nguồn gốc từ động vật. Như vậy, đại dịch Covid-19 mà nhân loại đang đối mặt cũng có thể chính là hệ quả của việc xâm phạm cân bằng sinh thái.
Trước tình trạng đáng báo động, phục hồi hệ sinh thái đã được lựa chọn làm chủ đề của Ngày môi trường thế giới (5/6) năm 2021, nhấn mạnh vai trò của hệ sinh thái trong công cuộc chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Sự kiện này đánh dấu bước khởi động của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, cũng là thập kỷ cuối cùng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thuộc chương trình nghị sự 2030, cũng như các mục tiêu cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), phục hồi hệ sinh thái bao gồm việc hồi sinh lại những hệ sinh thái đã bị hủy hoại, đồng thời bảo vệ những hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, sông, hồ hay đại dương.
Thông qua những hệ sinh thái lành mạnh, duy trì được đa dạng sinh học, nhiều nguồn lợi kinh tế sẽ được tạo ra như sản lượng gỗ, thực phẩm, đất đai, không khí, bên cạnh việc lưu trữ hiệu quả khí thải các bon gây hiệu ứng nhà kính.
Những cộng đồng sinh sống phụ thuộc vào hệ sinh thái, thường là tại miền núi, nông thôn, nơi có tỷ lệ nghèo đói cao sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ những hệ sinh thái cân bằng và lành mạnh.
UNEP ước tính, với kế hoạch tới năm 2030 phục hồi 350 triệu héc ta diện tích sinh thái được hơn 70 quốc gia cam kết, 9.000 tỷ USD sẽ là quy mô kinh tế được tạo ra, chưa tính tới những lợi ích từ việc hạn chế các tác hại ngày càng trở nên cực đoan do mất cân bằng hệ sinh thái.
Phục hồi hệ sinh thái ở Việt Nam
Nằm trong top 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu trên thế giới, tuy nhiên Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro ngày càng gia tăng do mất cân bằng sinh thái, đặc biệt là tại một số địa phương như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hay duyên hải Nam Trung Bộ.
Xói mòn, sạt lở đất, hạn mặn kéo dài ở miền Tây, sa mạc hóa tại các vùng duyên hải, hay những cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ tràn vào khúc ruột miền Trung, gây ra biết bao đau thương, mất mát chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Thấu hiểu được những đe dọa đang đặt ra từ mất cân bằng sinh thái, Luật Bảo vệ môi trường mới được phê duyệt năm 2020 nêu rõ quan điểm phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái là một trong những ưu tiên của chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2021, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng ra lời kêu gọi sự tham gia đóng góp sáng kiến, giải pháp cũng như sự quyết tâm hành động đến từ các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức và cả mỗi cá nhân.
Ở cấp độ vĩ mô, những yếu tố bảo tồn, phục hồi sinh thái cần được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố nhằm mục đích giảm thiểu tác động của hoạt động kinh tế, xã hội tới hệ sinh thái. Vai trò của cộng đồng dân cư sống dựa vào hệ sinh thái cũng cần được đẩy mạnh.
Ở cấp độ địa phương, vấn đề giải quyết ô nhiễm, hạn chế rác thải cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các chương trình, dự án phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái cần được triển khai một cách mạnh mẽ, có sự vào cuộc của các bên liên quan.
Một số chương trình, chiến dịch có thể kể đến như Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, sáng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Dự án phục hồi rừng Ninh Thuận của Quỹ Sống hay Dự án bảo tồn các khu đất quan trọng và sinh cảnh liên kết của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE).
Các mô hình phát triển kinh tế bền vững như kinh tế tuần hoàn, du lịch sinh thái, nông nghiệp sinh thái, xây dựng trung tâm nghiên cứu, bảo tồn cũng là hướng đi quan trọng cần được triển khai để vừa đảm bảo duy trì hệ sinh thái, vừa tạo ra lợi ích kinh tế lan tỏa.