Ngày này năm xưa 20/10: Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngành Công Thương có nhiều sự kiện quan trọng

Ngày này năm xưa 20/10: Ngày Phụ nữ Việt Nam, Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, quặng apatit; ngày truyền thống Trường Cao đẳng Công Thương TP.Hồ Chí Minh

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” của Báo Công Thương giới thiệu tổng hợp, những sự kiện trong nước và ngành Công Thương; các sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20/10.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 20/10/1976, ngày truyền thống Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh (trực thuộc Bộ Công Thương). Trường được thành lập năm 1976 với tên gọi Trường Kỹ thuật nghiệp vụ công nghiệp nhẹ, trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ có nhiệm vụ đào tạo các bậc: Trung cấp chuyên nghiệp; Kỹ thuật viên; Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý làm việc trong ngành công nghiệp nhẹ ở các khu vực miền Nam, với cức danh từ tổ trưởng sản xuất, chuyền trưởng đến quản đốc, giám đốc xí nghiệp thuộc Bộ Công Nghiệp nhẹ.

Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 20/10/1976

Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh được thành lập ngày 20/10/1976

Sau 3 lần đổi tên, đến nay Trường Cao đẳng Công Thương TP. Hồ Chí Minh đào tạo 21 chuyên ngành hệ cao đẳng chính quy. Hiện nhà trường có trên 300 cán bộ, giảng viên; Trong đó có trên 15 Tiến sĩ, trên 150 thạc sĩ và một số giảng viên đang làm NCS; Đội ngũ giảng viên được đào từ nước ngoài.

Ngày 20/10/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Quy hoạch đặt mục tiêu thăm dò, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp tuyển quặng loại II và quặng loại IV; phấn đấu đạt tốc độ tăng sản lượng sản phẩm apatit các loại bình quân khoảng 9 - 10%/năm giai đoạn đến năm 2020 và duy trì sản lượng ổn định ở các năm tiếp theo, đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước. Các giải pháp được đề ra để thực hiện là: mục tiêu quản lý tài nguyên; tổ chức sản xuất; ưu đãi đầu tư. Về tổ chức thực hiện, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan thực hiện việc công bố, hướng dẫn triển khai, giám sát và kiểm tra việc thực hiện; ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế hợp tác thăm dò, khai thác, tuyển và chế biến quặng apatit trên địa bàn tỉnh Lào Cai; định kỳ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện; cập nhật thông tin về tài nguyên, nhu cầu thị trường, tác động của các dự án tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án và đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.

Ngày 20/10/2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 9423/QĐ-BCT về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành/thủ tục hành chính bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương.

Quyết định công bố 7 thủ tục hành chính mới ban hành, và 1 thủ tục hành chính bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ được quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BCT ngày 04/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, 7 thủ tục hành chính mới ban hành là: Cấp giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm của Việt Nam nhưng không thuộc danh mục cấm của Campuchia; cấp giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm Campuchia; cấp giấy phép quá cảnh đối với mặt hàng gỗ các loại đã qua xử lý; gia hạn giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm của Việt Nam nhưng không thuộc danh mục cấm của Campuchia; gia hạn giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm của Campuchia; gia hạn giấy phép quá cảnh đối với mặt hàng gỗ các loại đã qua xử lý; cấp phép tiêu thụ hàng hóa quá cảnh. 1 thủ tục hành chính bị bãi bỏ là cấp phép quá cảnh hàng hóa của Campuchia qua lãnh thổ Việt Nam (quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BCT ngày 11/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới.

Quyết định gồm 8 chương, 32 điều, quy định về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới (sau đây gọi tắt là hoạt động thương mại biên giới) gồm: hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; dịch vụ hỗ trợ thương mại tại khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới.

Ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới

Ngày 20/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới

Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế qua biên giới thực hiện theo quy định của Luật thương mại năm 2005, Luật biên giới quốc gia năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và tập quán thương mại quốc tế. Quyết định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại biên giới; các cơ quan, tổ chức quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thương mại biên giới.

Theo Quyết định, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quản lý và điều hành linh hoạt, kịp thời hoạt động thương mại biên giới; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý hoạt động thương mại biên giới; hợp tác, trao đổi, thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền của các nước có chung biên giới về cơ chế phối hợp trong quản lý hoạt động thương mại biên giới; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới điều tiết hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong trường hợp có khả năng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, lối mở biên, giới, nguy cơ ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp cần thiết khác; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quy định đối với cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới; tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động thương mại biên giới.

Ngày 20/10/2015, Kỳ họp lần thứ chín Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Kỳ họp lần thứ chín của Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã diễn ra tại Trung Quốc. Tại Kỳ họp, hai bên đã thông báo tóm tắt cho nhau tình hình kinh tế của mỗi nước, điểm lại tình hình phát triển hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên kể từ Kỳ họp lần thứ 8 (năm 2013) đến nay. Theo đó, quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Đồng thời, hai bên trao đổi ý kiến rộng rãi về các vấn đề hợp tác thương mại, hợp tác công nghiệp và một số hợp tác trong các lĩnh vực khác, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển trong thời gian tới. Kết thúc Kỳ họp, hai bên đã đạt được nhận thức chung trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: trao đổi các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu do lãnh đạo hai nước đề ra đưa kim ngạch song phương lên 100 tỉ vào năm 2017 và từng bước giải quyết vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc; tiếp tục thực hiện tốt Bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản sang Trung Quốc; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo tăng cường hợp tác; hợp tác thúc đẩy tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án do các doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu EPC…

Từ 20/10-23/10/2015, Phiên đàm phán thứ 13 của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Nauy, Aixơlen, Líchtenxtên). Phiên đàm phán diễn ra ngày 20 đến ngày 23/10/2015 tại Hà Nội. Tại phiên họp, các bên đã kết thúc đàm phán các nội dung thuận lợi hóa thương mại, giải quyết tranh chấp, dịch vụ vận tải hàng hải, cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời đã đưa ra các gói thỏa hiệp đối với hầu hết các nội dung kỹ thuật còn lại. Đối với các nội dung liên quan đến mở cửa thị trường, do quan điểm của các bên còn khoảng cách nên sẽ phải tiếp tục cân nhắc và tham vấn nội bộ để có thể đàm phán tại phiên tiếp theo.

Ngày 20/10/2008, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT về tăng cường công tác cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu trên Cổng thông tin thị trường nước ngoài.

Ngày 20/10/2006, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 38/2006/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Ngày 20/10/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2005/NĐ-CP về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước.

Ngày 20/10/1999, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 68/1999/QĐ-BCN Về việc chuyển Xưởng May số 8B Lê Trực thuộc Công ty May Chiến Thắng thành Công ty cổ phần May Lê Trực.

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm làm ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng, Đảng chỉ rõ: nếu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp mà chưa giải phóng phụ nữ thì Cách mạng mới chỉ là một nửa.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Bác Hồ kính yêu đã từng đánh giá: Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ".

Trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước, phụ nữ nước ta có nhiều cống hiến to lớn xuất sắc. Hội hiệp phụ nữ Việt Nam đã được Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng.

Ngày 20/10/1995, tại 36 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đã khánh thành bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là kiến trúc hiện đại có diện tích 4.500 mét vuông. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam là trung tâm nghiên cứu về phụ nữ, nơi giữ gìn, bảo quản tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tầm hiện vật, thể hiện vai trò của phụ nữ trong tiến trình lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng cũng là trung tâm hoạt động văn hóa, truyền thống kiến thức về gia đình và xã hội cho phụ nữ. Bảo tàng còn là nơi giao lưu văn hóa giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.

Sự kiện quốc tế

Ngày 20/10/1952, Toàn quyền Evelyn Baring tuyên bố một tình trặng khẩn cấp ở Kenya và bắt đầu bắt giữ hàng trăm người bị nghi ngờ là lãnh đạo của cuộc Khởi nghĩa Mau Mau, gồm Jomo Kenyatta,Tổng thống đầu tiên trong tương lai của Kenya.

Ngày 20/10/1962, Quân đội Trung Quốc đồng thời tiến công Ladakh và vượt qua tuyến McMahon, khởi đầu Chiến trang Trung - Ấn.

Ngày 20/10/1970, Siad Barre tuyên bố Somalia là một nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 20/10/1976, Chiếc phà George Prince bị đâm bởi một chiếc tàu khi đang vượt qua sông Misissippi giữa Destrehan và Luing, Louisiana. 78 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng; chỉ 18 trên phà sống sót.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời Bác Hồ dạy Ngày này năm xưa 20/10: Làm sao cho được 50 người hiểu rõ còn hơn là 500 người hiểu lờ mờ. Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài “Lời căn dặn các đội viên tuyên truyền xung phong”, ngày 20 tháng 10 năm 1945, đăng trên Báo Cứu quốc, số 73, ngày 22 tháng 10 năm 1945.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên truyền cách mạng là một hoạt động thống nhất trên ba mặt. Một là, nhận thức đúng đắn về mục đích và vai trò của tuyên truyền. Hai là, phương pháp tuyên truyền. Ba là, những yêu cầu đối với người làm công tác tuyên truyền. Cả ba mặt trên luôn phải thống nhất, liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó nhận thức mục đích đóng vai trò chủ đạo, chi phối trực tiếp đến mọi phương pháp hoạt động tuyên truyền. Những lời khuyên và chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như phong cách nói và viết của Người đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe để đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền học tập và làm theo.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác tuyên truyền đối với toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội. Đồng thời, đây cũng là một vũ khí sắc bén đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; góp phần quan trọng giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối chính trị của Đảng.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-2010-ngay-phu-nu-viet-nam-nganh-cong-thuong-co-nhieu-su-kien-quan-trong-279898.html