Ngày này năm xưa 22/6: Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam

Ngày này năm xưa 22/6, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (gọi tắt Quy hoạch điện V).

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương và quốc tế ngày 22/6; các sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 22/6/2015, Bộ Công Thương có thông tư 17/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Amôni nitrat dùng để sản xuất thuốc nổ nhũ tương; Thông tư 20/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Mồi nổ dùng cho thuốc nổ công nghiệp; Thông tư 18/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Dây cháy chậm công nghiệp; Thông tư 16/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Dây nổ chịu nước; Thông tư 19/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc nổ Amonit AD1; Thông tư 15/2015/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các loại kíp nổ; Quyết định 6242/QĐ- BCT về việc bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp (serpentin, barit, grafit, fluorit, bentonit, diatomit và talc) đến năm 2015, có xét đến năm 2025.

Ngày 22/6/2012, Quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng Danh mục hóa chất quốc gia và Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia".

Ngày 22/6/2011, Công văn 5569/BCT-XNK về việc triển khai thực hiện Thông báo số 197/TB-BCT và Thông tư số 20/2011/TT-BCT; Chỉ thị 08/CT-BCT (2011) về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa và quản lý doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.

Ngày 22/6/2010, Nghị định 70/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử và Nhà máy điện hạt nhân.

Ngày 22/6/2005, Bộ Công nghiệp có Quyết định 28/2005/QĐ-BCN sửa đổi khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 1 Quyết định số 156/2004/QĐ-BCN ngày 3/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển Công ty Nhựa Hưng Yên thành Công ty cổ phần Nhựa Hưng Yên.

Ngày 22/6/2004, Quyết định 54/2004/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc chuyển Công ty Ắc quy Tia sáng thành Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng.

Ngày 22/6/2001, Quyết định 95/2001/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (Quy hoạch điện V).

Ngày 22/6/1996, Thông tư 11/TM-KD quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu; Quyết định 1719/1996/QĐ-BCN về việc đổi tên Công ty Dịch vụ Điện tử I thành Công ty Điện tử Công nghiệp.

Ngày 22/6/1953, Chính phủ ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam, trong đó khẳng định đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để kháng chiến, kiến quốc, giúp nhau tiến bộ về mọi mặt.

Ngày 22/6/1965, người thợ điện yêu nước 24 tuổi Trần Văn Đang bị Mỹ sát hại. Anh hùng biệt động Trần Văn Đang, sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân nghèo khổ tại xã Long Hồ Châu Thành Tây, nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 20/3/1965, chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang sa vào tay giặc. Đúng 5h30 sáng ngày 22-6-1965, Trần Văn Đang bị địch đưa ra pháp trường, gần bùng binh chợ Bến Thành, ngay vách của Nha Hỏa xa. Trong những giây phút cuối cùng, anh đã noi gương người thợ điện anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hô to: Hồ Chí Minh muôn năm…

Ngày 22/6/1798, thi sĩ Nguyễn Gia Thiều qua đời. Ông sinh nǎm 1741, quê ở xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, là quan dưới triều chúa Trịnh. Ông sáng tác nhiều thơ chữ Hán, nổi tiếng hơn cả là tập thơ chữ Nôm “Cung oán ngâm khúc”.

Sự kiện quốc tế

Ngày 22/6/1815, Napoléon buộc phải thoái vị lần thứ hai. Ông tìm đường chạy trốn sang Hoa Kỳ bằng đường biển nhưng không thành.

Ngày 22/6/1940, Chính phủ Pétain của Pháp đã phải ký hiệp định đình chiến với Đức.

Ngày 22/6/1941, Đức quốc xã đã mở màn chiến dịch Barbarossa, bất ngờ tấn công xâm lược Liên Xô.

Ngày 22/6/1984, hãng Virgin Atlantic Airways khởi hành chuyến bay đầu tiên từ sân bay London Gatwick.

Ngày 22/6/1940, Chính phủ Pêtanh của Pháp đã phải ký hiệp định đình chiến với Đức. Theo hiệp định này, Pháp bị tước vũ trang hai phần ba nước Pháp bị Đức chiếm đóng, trong đó có thủ đô Pari; vùng Andat và Loren của Pháp phải sáp nhập vào Đức; Pháp phải nuôi toàn bộ quân đội chiếm đóng Đức.

Trước khi ký hiệp định này, Pháp bị thất bại nặng nề trong trận Đoongkeccơ (Dunkerque) (từ ngày 26/5 đến ngày 4/6/1940), phải "bỏ ngỏ" thủ đô Pari. Chính phủ Pháp bỏ chạy về Tua (ngày 10/6) và ngày 16/6/1940, Râynô từ chức, Pêtanh lên cầm đầu chính phủ Pháp đã xin đầu hàng Đức.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp. Từ Biarritz, máy bay hạ cánh xuống sân bay Lơ Buốcgiờ (Le Bourget) của thủ đô Paris nơi diễn ra lễ đón tiếp trọng thể với những nghi thức quốc gia. Bộ trưởng Hải ngoại Pháp cùng nhiều thành viên trong Chính phủ, đông đảo nhân dân Pháp và bà con Việt kiều đã nghênh tiếp. Đoàn lưu lại tại khách sạn “Royal Monceau”. Ngay tại sân bay, Bác đã nói đại ý: “Cảm ơn Chính phủ và dân chúng Pháp tiếp đãi một cách long trọng, mong sau này hai dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.

Thủ tướng Pháp Georges Bidault chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp (2/7/1946)

Thủ tướng Pháp Georges Bidault chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp (2/7/1946)

Ngày 22/6/1947, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài về vai trò của trí thức, Bác khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.

Ngày 22/6/1948, Báo Cứu quốc đăng thư của Bác gửi các khu về dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến: “Ngày 23/9/1945, đồng bào toàn quốc đã đứng dậy làm một khối sau lưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chống lại bọn thực dân Pháp xâm lăng vào bờ cõi miền Nam đất nước ta. Để nhớ đến bao nhiêu chiến sĩ và đồng bào Nam bộ và miền Nam Trung bộ đã bỏ mình vì nước trên bãi chiến trường hoặc dưới sự tàn sát của quân giặc; để ghi công những chiến sĩ đã tiên phong giữ vững nền độc lập và thống nhất của nước nhà, toàn quốc sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 ngày chiến đấu của đồng bào miền Nam”.

Báo Nhân Dân ra ngày 22/6/1954 đăng bài “Cần phải xem báo Đảng”, trong đó Bác nhắc nhở: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất... Tờ báo Đảng như là những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”.

Ngày 22/6/1955, rời Hà Nội đi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, Bác tuyên bố: “Tin chắc rằng cuộc đi thăm này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và chính phủ hai nước bạn”.

Ngày 22/6/1947, Bác Hồ khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc... Địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc”.

Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định trí thức là một bộ phận quan trọng của dân tộc Việt Nam: “Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm vị trí hàng đầu”. Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi trí thức cùng các tầng lớp nhân dân khác hãy ủng hộ Đảng, gia nhập Đảng để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-226-quy-hoach-phat-trien-dien-luc-viet-nam-258951.html