Ngày này năm xưa 27/2: Ngày Thầy thuốc Việt Nam; Quy định hàng hóa mua bán qua cửa khẩu phụ biên giới
Ngày 27/2, Bộ Y tế chọn là 'Ngày Thầy thuốc Việt Nam; Bộ Công Thương quy định chi tiết hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương, sự kiện quốc tế và các sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 27/2.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 27/2/1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế. Trong thư Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang".
Thực hiện lời dạy của Người, ngành Y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Từ năm 1955, Bộ Y tế đã lấy ngày 27/2 làm ngày truyền thống của ngành. Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là "Ngày Thầy thuốc Việt Nam" nhằm nêu cao trách nhiệm và trí của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Cũng kể từ đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.
Ngày 27/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Ngày 27/2/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BCT quy định chi tiết danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới. Đối tượng áp dụng của thông tư là các cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP.
Ngày 27/2/2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BCT quy định chi tiết hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân. Đối tượng áp dụng của Thông tư là thương nhân, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.
Ngày 27/2/2019, Tổng thống Donald Trump có những cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo Việt Nam trước khi ông tiến hành hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong 2 ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội.
Ngày 27/2/2019, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phát động Chương trình sức khỏe Việt Nam tại hơn 700 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.
Sự kiện quốc tế
Ngày 27/2/1936, Ivan Petrovich Pavlov, người được mệnh danh là “nhà sinh lý học bậc nhất của thế giới” qua đời tại Leningrad (nay là Saint Petersburg). Ông còn là nhà tư tưởng lỗi lạc Nga và thế giới ở thế kỷ XX.
Ivan Petrovich Pavlov sinh ngày 26/9/1849. Nǎm 1904 ông được tặng giải thưởng Nobel dành cho các công trình nghiên cứu về phản xạ có điều kiện và hệ thống tín hiệu thứ, tức ngôn ngữ, ông đã chứng minh rằng ý thức con người được hình thành trên cơ sở vật chất.
Ngày 27/2/1976, Mặt trận Polisario tuyên bố thành lập Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Xarauy tại cựu thuộc địa Tây Sahara của Tây Ban Nha.
Ngày 27/2/2010, một trận động đất mạnh 8,8 độ richter ở bắc Concepcion (Chile) đã gây sóng thần tàn phá nhiều thị trấn ven biển, cướp đi sinh mạng của hơn 500 người và gây thiệt hại ước tính 30 tỉ USD thiệt hại.
Đây là một trong những trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Chile. Các nhà khoa học cho biết nó đã làm trục trái đất bị lệch 8cm và ngày bị rút ngắn đi 1,26 micro giây.
Ngày 27/2/2019, Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore đăng bài viết về những nỗ lực chuẩn bị cùng sự nhiệt tình, thân thiện của người dân thủ đô Hà Nội khi chào đón các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên.
Nội dung bài báo cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28/2. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 26/2 đã lần lượt có mặt tại thành phố cổ kính, có hàng nghìn năm lịch sử này của Việt Nam.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Báo cáo của mật thám Pháp cho biết trong ngày 27/2/1923, Nguyễn Ái Quốc họp chi bộ Đảng Cộng sản Pháp tại số nhà 52 đường Balagny, quận 17, Pari.
Ngày 27/2/1946, Bác ra “Lời hiệu triệu” kêu gọi đồng bào cảnh giác và đấu tranh với thủ đoạn “chiến tranh tinh thần” rất thâm độc của thực dân Pháp bằng cách: “thực hành trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn”.
Ngày 27/2/1953, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Động lực của cách mạng”, ký bút danh Đ.X, đăng báo Cứu quốc, số 2282.
Bài báo nêu rõ: “Tùy theo tính chất cách mạng ở mỗi nước mà quyết định động lực của cách mạng. Tính chất của cách mạng nước ta là cách mạng dân chủ mới, cho nên động lực của cách mạng nước ta bao gồm: giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bốn giai cấp ấy đoàn kết thành Mặt trận thống nhất đánh đổ đế quốc và phong kiến, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.”
Ngày 27/2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị bàn một số vấn đề về Hiến pháp mới.
Cùng ngày, bài viết của Người với nhan đề “Báo chí Pháp bình luận kinh tế miền Nam”, ký bút danh T.L., đăng trên báo Nhân Dân, số 1448, giới thiệu những ý kiến của tờ “LeMonde” bình luận về tình trạng kinh tế bấp bênh và đời sống khó khăn của đồng bào miền Nam Việt Nam.
Ngày 27/2/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời thủ đô Miến Điện và đặt chân tới thủ đô Giacácta của Inđônêxia, Tổng thống Xucácnô, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đã nồng nhiệt đón Đoàn.
Cùng ngày hôm ấy, ở trong nước ban hành sắc lệnh của Chủ tịch nước cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành các loại giấy bạc mới với mệnh giá cao nhất là 10 đồng và thấp nhất là tiền kim loại 1 xu, đồng thời tổ chức đổi tiền theo phương thức 1000 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới.
Ngày 27/2/1961, dự và phát biểu tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, Bác nhấn mạnh: “Ngày nay, tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà. Đã có quyền hạn làm chủ, thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà...”
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh – Ngày này năm xưa và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Sự thật NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật).