Ngày này năm xưa 3/10: Hợp nhất Bộ Công nghiệp và nhiều bộ ngành
Ngày này năm xưa 3/10: Quốc hội quyết định hợp nhất nhiều bộ ngành, Chương trình hành động kinh tế tư nhân, thống nhất nước Đức
Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 3/10 trong nước và quốc tế. Các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 3/10.
* Sự kiện trong nước
Ngày 3/10/1950, Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng - đánh dấu một bước ngoặt trọng đại, kết thúc một chặng đường dài kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh. Từ đây, nhân dân các dân tộc Cao Bằng được sống trong độc lập, tự do, vững bước đi lên xây dựng cuộc sống mới, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến toàn quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 3/10/1995: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Bộ luật Dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt và sửa đổi biểu thuế nhập khẩu. Quốc hội còn quyết định: Hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp Nhẹ thành Bộ Công nghiệp; hợp nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việc hợp nhất các Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp Nhẹ thành Bộ Công nghiệp đã thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy quản lý nhà nước, tin giản theo hướng gọn nhẹ, tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức viên chức.
Kể từ khi được hợp nhất từ 1995 đến 2007, Bộ Công nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với vai trò chức năng, nhiệm vụ trong việc tham mưu xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về các ngành Công nghiệp quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Vào ngày 29 tháng 9 năm 1997, Quốc hội khóa XII đã quyết nghị danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó có: Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp. Ngày 31/7/2007, Quốc hội có Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương.
Ngày 14 tháng 5 năm 1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã ký Sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Năm 1955, Bộ Công Thương tách ra thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Năm 1958, Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Năm 1960, Bộ Công nghiệp tách thành Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ. Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng tách thành các Bộ Cơ khí và Luyện kim, Bộ Điện và Than và Tổng cục Hóa chất. Năm 1981, Bộ Điện và than tách thành Bộ Mỏ và Than và Bộ Điện lực, đến năm 1987 lại nhập thành Bộ Năng lượng. Năm 1988, Bộ Ngoại thương hợp nhất với một bộ phận của Ủy ban Hợp tác Kinh tế - Văn hóa với Lào và Cam-pu-chia thành Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1990, Bộ Thương nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội thương, Bộ Vật tư và Bộ Kinh tế đối ngoại. Năm 1991, đổi tên thành Bộ Thương mại và Du lịch. Đến năm 1992, Bộ Thương mại và Du lịch được đổi tên thành Bộ Thương mại. Năm 1995, Bộ Công nghiệp được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ và Bộ Năng lượng.
Ngày 3/10/1999: Khởi công xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với quy mô 860 ha, tại Đồng Mô - Ngải Sơn, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngày 19-9-2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương và đi vào hoạt động.
Ngày 3/10/2009 khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Dự án có chiều dài 55 km gồm 4 làn xe (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư 932,4 triệu USD.
Ngày 3/10/2010: Chính thức thông xe đại lộ Thăng Long - công trình dài nhất Việt Nam sau 5 năm xây dựng. Với tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, chiều dài gần 30km, rộng 140m, Đại lộ Thăng Long là tuyến đường dài và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Ngày 3/10/2014: Công bố quyết định đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển với 4 vùng theo thứ tự 1, 2, 3, 4. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, bước phát triển mới, thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời cũng là trách nhiệm và mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển tiếp tục phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ngày 3/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết Số: 98/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày 3/10. Ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam. Quyết định 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/12/2009.
Ngày 3/10. Ngày truyền thống ngành Quản lý Đất đai. Ngày 03/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41, đặt Nha tổng thanh tra kỹ nghệ và khoáng chất trong Bộ Quốc dân kinh tế. Sự kiện mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bắt đầu đánh dấu cho quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành Quản lý đất đai Việt Nam.
Ngày 11 tháng 06 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số: 850/QĐ-TTg, lấy ngày 3/10 hàng năm là ngày truyền thống ngành quản lý đất đai.
3/10/1914: Ngày sinh đại tướng Lê Trọng Tấn (qua đời năm 1986). Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội.
* Sự kiện quốc tế
3/10/1990: Năm bang tái lập của Cộng hòa Dân chủ Đức chính thức sáp nhập vào Cộng hòa Liên bang Đức.
3/10/1942: Trong Đệ nhị thế chiến: Tên lửa V-2 của Đức được phóng thành công, là vật thể nhân tạo đầu tiên đi vào không gian.
Tên lửa V-2 do Đức chế tạo dài 14m, đường kính 1,65m, khối lượng phóng 12,7 tấn, mang đầu đạn 800kg, có thể đạt vận tốc lớn nhất 1.700m/s ở độ cao 96km và có tầm bắn 270-320km.
* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 3/10/1922, Nguyễn Ái Quốc dự họp Ban biên tập báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ) kiểm điểm tình hình tài chính đang gặp khó khăn và phân công việc trực ban để tiếp bạn đọc, số đông là người dân thuộc địa.
Ngày 3/10/1923, tại Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi, đại diện cho Trung Hoa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hợp tác chống Nhật cùng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Liên Xô làm việc.
Ngày 3/10/1936, Đảng Cộng sản Đông Dương gửi thư cho Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp kêu gọi chấm dứt chế độ khủng bố ủng hộ Đông Dương Đại hội.
Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 về việc bãi bỏ các công sở và các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây.
Ngày 3/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam bộ do đồng chí Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc.
Ngày 3/10/1955, Bác viết bài “Tổng tuyển cử ở Nam Dương (Indonesia)” với bút danh C.B. đăng trên Báo Nhân dân, số 579. Bài viết là lời chúc mừng nước bạn và mong cho nước bạn sẽ bầu ra được một quốc hội xứng đáng với một dân tộc to lớn có nhiều ảnh hưởng tới châu Á và thế giới.
Ngày 3/10/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm các lớp bổ túc văn hóa tại hai trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Người thăm hỏi tình hình học tập của học sinh và nhắc nhở anh chị em giáo viên phải thường xuyên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy để nâng cao chất lượng bài giảng và căn dặn cán bộ lãnh đạo nhà trường phải năng đi sát các lớp học để giúp cho việc dạy và học ngày một tốt hơn.
Ngày 03/10/1960, Báo Nhân dân đăng bài viết “Một thắng lợi vẻ vang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bút danh T.L, trong đó Người nêu “Về mặt văn hóa, thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta thắng lợi vẻ vang. Chúng ta có quyền tự hào, nhưng chúng ta không được tự mãn”.
Sự kiện hôm nay: Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII dự kiến sẽ khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Trước đó, Bộ Chính trị thống nhất thông qua một số Đề án trình Hội nghị Trung ương 6.Bộ Chính trị thảo luận, đánh giá Đề án "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Bộ Chính trị cho rằng các nội dung trong Đề án là những vấn đề lớn, khó, phức tạp, đồng thời Bộ Chính trị khẳng định những nội dung gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, đa số đồng thuận thì đưa vào Đề án và thống nhất thông qua Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu xem xét, ban hành Nghị quyết.
Về Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ Chính trị khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của nước ta trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.Trong hơn 35 năm đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; phát triển văn hóa, xã hội được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Chính trị thống nhất thông qua Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu xem xét ban hành Nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành công nghiệp hóa và kết thúc giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa; đến năm 2045, cơ bản hoàn thành quá trình hiện đại hóa, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; là một trong những trung tâm lớn của khu vực châu Á về sản xuất thông minh và dịch vụ thông minh; xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, phát triển thuộc nhóm hàng đầu thế giới.
Báo Công Thương