Ngày này năm xưa 8/12: Thi hành pháp lệnh xuất nhập khẩu hàng hóa
Ngày này năm xưa 8/12: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam, thi hành pháp lệnh xuất nhập khẩu hàng hóa.
Chuyên mục Ngày này năm xưa trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương; sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện quốc tế ngày 8/12.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Ngày 8/12/944: Ngày sinh của Phạm Cự Lượng
Phạm Cự Lượng sinh ngày 8/12/944 (tức ngày 20/11 năm Giáp Dần). Ông là danh tướng thời nhà Đinh và nhà Tiền Lê. Phạm Cự Lượng tham gia cuộc dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh, được phong chức Phòng ngự sứ Tiên phong Tướng quân, giữ cửa biển Đại Ác, sau đó là Tâm phúc Tướng quân, quản việc thị vệ, cận thần của vua Đinh Tiên Hoàng.
Phạm Cự Lượng cũng giúp công đưa Lê Hoàn lên ngôi, dù anh trai ông là Phạm Hạp chống lại Lê Hoàn và bị xử tử. Ông tiếp tục phò tá nhà Tiền Lê chống lại giặc phương Bắc xâm lược. Phạm Cự Lượng được sử sách Trung Hoa liệt vào danh sách “Giao Châu thất hùng”, tức 7 anh hùng người Giao Châu gồm: Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lượng.
Ngày 8/12/1585: Ngày mất của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm
Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh nǎm 1491 và qua đời ngày 8/12/1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Ông học giỏi, đỗ trạng nguyên, làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu 10 tên lộng thần. Vua không nghe, ông từ quan, về dạy học. Học trò có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ... Trong khi ông ở ẩn, vua nhà Mạc và các Chúa Trịnh, Nguyễn có nhiều việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên vua chúa cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi khổ. Lúc mất ông được vua Mạc truy phong Trình quốc công, do đó có tên gọi là Trạng Trình. Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm là: Bạch vân am thi tập và Bạch vân quốc ngữ thi tập. Ông được xếp vào hàng những nhà thơ lớn của dân tộc.
Ngày 8/12/1973: Đoàn gồm 24 công nhân xây dựng Cuba đã đến Việt Nam. Đây là đoàn thuộc Đội xây dựng quốc tế xã hội chủ nghĩa Cuba, dưới sự điều động của Đảng Cộng sản Cuba, sang Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhiều công trình quan trọng. Những công trình như Khách sạn Thắng Lợi, Xí nghiệp gà Lương Mỹ, Quốc lộ 21… đã là minh chứng cho tình cảm gắn bó bền chặt giữa 2 nước.
Ngày 8/12/1996: Chính phủ ban hành Nghị định số 86-CP quy định, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa;
Ngày 8/12/2003: Chính phủ ban hành Nghị định 150/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.
Ngày 08/12/2006: Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) ban hành Quyết định 44/2006/QĐ-BCN về Quy định kỹ thuật điện nông thôn.
Ngày 08/12/2011: Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngày 8/12/2017: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Ngày 8/12/2017: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Ngày 8/12/2017: Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cổ phần hóa công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).
Ngày 8/12/2017: Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 28/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Ngày 08/12/2021: Bộ tài chính ban hành Thông tư số 108/2021/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động tư vấn, quản lý dự án của các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/01/2022 và bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 06/2019/TT-BTC ngày 28/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính.
Sự kiện thế giới
Ngày 8/12/1864: Ngày mất của George Boole
George Boole sinh năm 1815, là một nhà toán học và triết gia nổi tiếng người Anh. Sinh ra trong gia đình nghèo, Boole kiếm sống và phụ giúp gia đình bằng nghề dạy học. Trong quá trình dạy học, ông đã tự tích lũy cho mình kiến thức toán học, làm nền tảng cho những công trình nghiên cứu sau này.
Những công trình nổi tiếng của ông có thể kể đến như Giải tích toán học của logic; Các định luật của tư duy, là tiền đề quan trọng cho khoa học máy tính sau này. Nhờ vào những công trình nghiên cứu trên, ông được nhận vào làm Giáo sư toán ở Trường Nữ hoàng tại Ireland, cho đến khi qua đời ngày 8/12/1864. Nữ văn hào Ethel Boole, tác giả tiểu thuyết Ruồi Trâu chính là con gái ruột của George Boole.
Ngày 8/12/1941: Rạng sáng, không quân của hạm đội Nhật bất ngờ tập kích vào Trân Châu Cảng. Nhật tuyên chiến với Mỹ, Anh, Australia và Canađa, đồng thời cho quân đội đổ bộ lên đảo Boocnéo, chiếm tô giới Anh ở Thiên Tân, Thượng Hải. Cùng Ngày, Mỹ, Anh, Australia, Canađa và Pháp cũng tuyên chiến với Nhật. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ.
Ngày 8/12/1947: Ngày sinh của Thomas Robert Cech
Thomas Robert Cech sinh ngày 8 tháng 12 năm 1947. Ông là nhà hóa học người Mỹ, đạt giải Nobel Hóa học năm 1989. Thomas Cech tốt nghiệp tiến sĩ hóa học tại Đại học California ở Berkeley và nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là quá trình phiên mã của nhân tế bào. Ông là người đầu tiên chỉ ra rằng các phân tử RNA không giới hạn để thành các phân tử mang thông tin di truyền cách thụ động.
Ngày 8/12/1978: Nhà máy điện nhờ trữ không khí nén đã được Hǎntophơ (Huntorf) - người Đức - giới thiệu trước công chúng.
Các nhà máy điện nhờ trữ không khí nén cho phép thay nhà máy thủy điện ở vùng đồng bằng. Một bể chứa được tạo thành từ những hang ở độ sâu 500 mét, được chứa đầy không khí nén. Nó có thể tạo ra công suất khoảng 220 MW.
Ngày 8/12/1991: Ký hiệp ước Belovezh về việc giải thể Liên Xô năm 1991
Hiệp định Belovezha được ký ngày 8/12/1991 bởi Tổng thống Nga Boris Nikolayevich Yeltsin, Tổng thống Ukraina Leonid Makarovich Kravchuk và Chủ tịch Quốc hội Belarus Stanislav Shushkevich về việc giải thể Liên Xô và thành lập SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập). Cơ sở pháp lý của thỏa thuận này là “Hiệp ước về việc thành lập Liên Xô” được ký năm 1922 và “Đồng minh dựa trên ý chí tự do cộng hòa” tại Điều 72 của Hiến pháp Xô viết năm 1977. Về nguyên tắc, có quyền tự do rút khỏi Liên Xô.
Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Đây là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong “Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 2 Trường Đại học nhân dân Việt Nam”, Người nói ngày 8/12/1956.
Nói về Đảng, Người cho rằng: “Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với sự rèn luyện theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Khi có khuyết điểm, Đảng hoan nghênh phê bình, thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Vì vậy Đảng ngày càng tiến bộ, càng mạnh mẽ”.
Về chuyên chính dân chủ nhân dân, Người phân tích: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Dưới chế độ dân chủ nhân dân, chuyên chính là đại đa số nhân dân chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân, chống lại chế độ dân chủ của nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng mácxít và trải qua quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân trong tư tưởng, tình cảm của Hồ Chí Minh vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa là mỗi con người cụ thể.
Đó là người nông dân, công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài… Bác cho rằng, tất cả đều là nhân dân và dưới bầu trời này, không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Lời khẳng định của Bác tuy ngắn gọn, nhưng vô cùng sâu sắc, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo nhân dân qua các thời kỳ cách mạng.
Ngày 8/12/1961: Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng. Trong chuyến về quê, sau khi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nâng từng chiếc lồng bàn lên để thấy lượng và chất của mỗi khẩu phần. Sau đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An mời Bác ăn cơm tối, Bác nhận lời. Bữa cơm lãnh đạo địa phương mời Bác cũng chỉ có mấy món đơn giản hằng ngày của Bác. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng mang gói cơm độn ngô đỏ ra. Cơm gói của Bác được chia đều cho mọi người cùng ăn vui vẻ, ngon lành nhưng ý nghĩa thì thật sâu xa, xúc động.
Sự kiện hôm nay ngày 8/12/2022
Khai mạc “Diễn đàn chính sách và pháp luật: thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Thái Lan” được tổ chức ngày 8/12/2023 tại Băng Cốc, Thái Lan.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ nhất kết hợp thăm song phương tại CHDCND Lào (04-07/12/2023), thăm chính thức Vương quốc Thái Lan (07-10/12/2023) của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được giao chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan, đối tác Thái Lan tổ chức Diễn đàn chính sách và pháp luật: thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Thái Lan. Thời gian: 13h30 – 17h00, ngày 08/12/2023. Địa điểm: Centara Grand & Bangkok Convention Centre, Central World, Băng Cốc, Thái Lan
Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Thái Lan sẽ tham dự và có bài phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Ngoài lãnh đạo Chính phủ và Bộ ngành hai bên, dự kiến sẽ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan tham dự sự kiện này. Trong đó, sẽ có đông đảo các doanh nghiệp lớn của Thái Lan có quan tâm đến hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang kinh doanh và đầu tư tại Thái Lan.
Tổ chức Lễ hội Nghệ thuật biểu diễn quốc tế lần thứ nhất năm 2023 - Bình Thuận, Việt Nam.
Với thông điệp “Kết nối sáng tạo”, Lễ hội diễn ra (08/12 - 10/12) trên trục đường Nguyễn Tất Thành - sân khấu ngoài trời trước sảnh Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận. Lễ hội sẽ có sự tham gia biểu diễn của 04 đoàn nghệ thuật biểu diễn quốc tế đến từ 04 quốc gia (Mông Cổ, Philipinnes, Pháp, Cuba); 03 nhà hát, đoàn nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu trong nước đại diện cho Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và 10 nhóm nghệ sĩ trẻ độc lập tự nguyện tham gia chương trình Đại nhạc hội và Lễ hội đường phố.
Tổ chức Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội năm 2023 từ ngày 8 - 10/12.
Với chủ đề “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên”, chương trình sẽ khai mạc vào 20 giờ ngày 8/12/2023 tại sân khấu phố đi bộ Hoàn Kiếm.
Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội năm 2023 được tổ chức nhằm giới thiệu đến nhân dân Thủ đô Hà Nội, trong nước và du khách quốc tế về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị văn hóa các dân tộc của tỉnh Cao Bằng, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Cao Bằng.