NGÀY NGHỊ VIỆN THẾ GIỚI: QUỐC HỘI VIỆT NAM CHUNG TAY CÙNG NGHỊ VIỆN CÁC NƯỚC NỖ LỰC CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Ngày 30/6/2023, Liên minh nghị viện thế giới (IPU) kỷ niệm Ngày quốc tế Nghị viện và 134 năm thành lập IPU(30/6/1889). Quan tâm chính của IPU năm nay là về hành động chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C.

Ngày 30/6/2023, Liên minh nghị viện thế giới (IPU) kỷ niệm Ngày quốc tế Nghị viện và 134 năm thành lập IPU(30/6/1889). Quan tâm chính của IPU năm nay là về hành động chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C.

Về vấn đề này, tại Đại hội đồng IPU 146 tại Manama, Bahrain, IPU đã phát động chiến lược Nghị viện vì Hành tinh (Parliaments for Planet) để huy động các Nghị viện các nghị sĩ vì sự nguy cấp của vấn đề biến đổi khí hậu,thông qua các hoạt động lập pháp, quyết định ngân sách và giám sát chính phủ trong việc thực hiên Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, hướng đến COP-28 vào tháng 11/2023

Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về vai trò của Quốc hội Việt Nam cũng như nghị viện các nước trong việc chung tay chống biến đổi khí hậu và những khuyến nghị để Việt Nam cùng các nước đẩy nhanh các hành động chống biến đổi khí hậu hơn nữa.

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, quyết định ngân sách cũng như tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu?

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP: Quốc hội Việt Nam đã quyết tâm và đã tham gia vào quá trình này từ rất lâu, điển hình đó là việc phê chuẩn chính thức Việt Nam tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1994, hay thông qua Nghị định Kyoto về giảm phát thải 2002.

Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua những luật và các chính sách liên quan. Gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hẳn một chương về biến đổi khí hậu, hay như Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2010. Luật pháp của Việt Nam thể hiện rất rõ các vấn đề liên quan đến khí hậu cũng như bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, Quốc hội Việt Nam đưa ra những chính sách và phân bổ ngân sách cho các chương trình ưu tiên của Việt Nam. Trong đó phải kể đến các chương trình về trồng rừng ngập mặn hay bảo vệ rừng. Gần đây nhất, Quốc hội có đề án là giám sát quá trình Chính phủ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đăc biệt trong khuôn khổ của nghị quyết của Trung ương 2022 về việc chuyển đổi năng lượng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Rõ ràn, Quốc hội đã và đang đồng hành rất là sâu sát cùng chính phủ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, từ việc tham gia vào các công ước Quốc tế, phê chuẩn để Việt Nam chính thức trở thành viên của các Công ước này, đến việc thông qua các đạo luật, chính sách, phân bổ ngân sách cho các chương trình lớn cũng như giám sát quá trình thực hiện này.

Phóng viên: Ông có thể đưa ra khuyến nghị gì cho Quốc hội Việt Nam trong các hoạt động đồng hành cùng Chính phủ để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP:Thứ nhất, Quốc hội Việt Nam nên tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong việc xác định các ưu tiên trên tinh thần ưu tiên của Việt Nam cũng như là ưu tiên của thế giới. Theo một xu hướng tất yếu đó là phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Điều này không chỉ giúp Việt Nam phát triển bền vững mà còn có khả năng cạnh tranh để phát triển lâu dài. Không ai khác, Quốc hội là cơ quan phê chuẩn các định hướng lớn, luật pháp lớn để giúp Việt Nam phát triển theo hướng như vậy. Cùng với đó là việc phê chuẩn các công ước quốc tế, các cam kết quốc tế, tạo nền tảng cho Việt Nam phát triển được theo hướng xanh và theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai, khi đã xác định mục tiêu chuyển đổi xanh, rõ ràng Quốc hội cũng cần phải quyết tâm và đặt ưu tiên mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh hiện nay, những ngành kinh tế xanh và mới như ngành công nghiệp, ngành năng lượng tái tạo hay kinh tế biển xanh, giao thông điện, giao thông xanh…là những ngành kinh tế mới, cơ hội mới. Không nhất thiết phải là các nước công nghiệp lớn có lợi thế mà chính các nước đi sau như Việt Nam cũng có lợi thế nếu Quốc hội phê chuẩn được những ưu tiên để đầu tư thích đáng. Chúng ta có thể trở thành những người dẫn dắt trong ngành công nghiệp mới, ngành kinh tế mới này.

Thứ ba, đương nhiên những hoạt động này phải đi kèm với những rủi ro, đầu tư ban đầu rất lớn, thì Quốc hội sẽ phải phê chuẩn những chính sách cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nào, ưu tiên những lĩnh vực nào để cho phép nhập khẩu hay miễn thuế hay những điều kiện nhất định để có thể thu hút được những đầu tư chất lượng cao, thu hút vốn chất lượng hơn vào những ngành kinh tế mới, kinh tế xanh. Đó là vai trò của Quốc hội, cũng như việc Quốc hội sẽ cần giám sát quá trình thực hiện khi đã xác định được những ưu tiên.

Quốc hội sẽ phải giám sát Chính phủ để làm sao đầu tư cho đúng, cho trúng những ưu tiên đã đặt ra.

Khi ta đã quyết tâm đặt ưu tiên rõ ràng theo các định hướng kinh tế mới thì Quốc hội có trách nhiệm và vai trò rất quan trọng trong việc phân bổ vốn phù hợp những ưu tiên đã đặt ra. Tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam đã làm rất tốt việc này, trong việc phân bổ ngân sách và theo tôi vai trò giám sát ở Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa.

Về biến đổi khí hậu hiện nay, có hai chiến lược và định hướng rất lớn liên quan đó là chiến lược biến đổi khí hậu hướng đến năm 2050 để đạt được phát thải ròng bằng 0, trong đó có ước tính ra một khoản đầu tư khoảng từ 330 - 372 tỉ đô la Mỹ từ nay đến 2050. Việc đầu tiên là Quốc hội cần đảm bảo được lộ trình cũng như phân bổ ngân sách phải chi thì mới thực hiện được chiến lược biến đổi khí hậu. Tất nhiên đó là ước tính là từ nay đến 2050 còn khá dài, và giả định trong việc tính toán có thể thay đổi, tuy nhiên mỗi 10 năm từ nay đến 2030 chúng ta sẽ có sự điều chỉnh. Ít nhất là chúng ta đã cam kết ở trong đó và với quốc tế ở COP26.

Quốc hội phải có trách nhiệm làm việc chặt chẽ với Chính phủ để đưa ra những ưu tiên hợp lý nhất, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam từ nay đến 2030 để đủ đảm bảo ngân sách thực hiện chiến lược đó cũng như kế hoạch hành động. Trong đó, cũng liên quan đến chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đưa ra vào cuối 2021, trong đó có nâng cao nhận thức, nâng cao sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như là việc đảm bảo trong sáng tạo đổi mới, chuyển giao công nghệ xanh, để làm sao Việt Nam có thể phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Quốc hội cũng cần nghiên cứu, giám sát chặt chẽ cũng như phân bổ ngân sách để thực hiện được 2 chiến lược này. Chưa kể đến các chiến lược liên quan ví dụ như Luật Tiết kiệm năng lượng hay Luật Phòng chống thiên tai. Việt Nam cần quan tâm tới vấn đề giảm nhẹ các đầu tư xanh để giảm phát thải. Việt Nam đã và đang trở thành nước phát thải trong tương lai, đồng thời cần có các hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp, địa phương thích ứng với vấn đề khí hậu đã và đang xảy ra.

Việt Nam có 28 tỉnh ven biển với khoảng 50% dân số và đóng góp khoảng 60% GDP của Việt Nam. Nắng nóng, thiên tai, bão lũ, ảnh hưởng của nước biển dâng… đã tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế và sinh hoạt của người dân ven biển.

Phóng viên: Theo ông, hợp tác liên nghị viện, sự chung tay của các nghị viện trên thế giới có ý nghĩa như thế nào trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu?

Ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và môi trường UNDP: Việc liên kết, học hỏi và thúc đẩy giữa nghị viện các nước với nhau có vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra những chính sách tiến bộ và mạnh mẽ hơn. Nghị viện các quốc gia trên thế giới liên minh với nhau để đưa ra những định chế, chẳng hạn như về thuế Cacbon, thuế doanh nghiệp, hay thuế về các vấn đề bảo vệ môi trường. Hiện nay, có những thảo luận rất mạnh mẽ trong các nghị viện, đặc biệt là các nước phát triển, họ tính đến việc một số nhóm khoảng 1% dân số thế giới sở hữu một khối tài sản cực kỳ lớn, và khối tài sản lớn đó xây trên nền mà hiện nay, thuế trong các vấn đề hoạt động kinh doanh, kinh tế gây ra vấn đề biến đổi khí hậu thì chưa đánh thuế đủ để thu lại nguồn kinh phí giúp cho vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Các nghị viện đang thảo luận rất mạnh mẽ, tôi nghĩ gần đây 1 số nước phát triển đã đồng ý tăng thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia. Cái đó cũng có thể tác động vào các tập đoàn đầu tư vào Việt Nam.

Gần đây, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cũng thảo luận vấn đề giải quyết vấn đề thuế của các tập đoàn lớn như thế nào để Việt Nam vẫn giữ được thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng ít ảnh hướng nhất của thuế xuyên biên giới, đồng thời giúp thu được những nguồn kinh phí chống biến đổi khí hậu.

Rõ ràng vấn đề liên minh giữa các nghị viện rất quan trọng trong vấn đề trao đổi thông tin, quyết tâm trong việc áp dụng thuế xuyên biên giới như thế nào. Khi các nghị viện liên kết với nhau, cũng sẽ có những tiếng nói chung cho các định chế quốc tế.

Hiện các nước trao đổi rất nhiều định chế quốc tế mà được hình thành 70 năm trước đây rồi. Sau Chiến tranh Thế chiến thứ hai, ngân hàng thế giới hay quỹ tiền tệ quốc tế, trước đây định hướng là các quỹ như vậy được thành lập ra để trở thành một định chế giúp xóa đói giảm nghèo hay phát triển ở giai đoạn thấp phục hồi sau chiến tranh. Nhưng rõ ràng là các định chế quốc tế như thế không phù hợp với vấn đề biến đổi khí hậu nữa, vì nó dựa trên cho vay, cho không một số khoản nhưng cho giảm nghèo.

Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề chung của quốc tế, tức là không chỉ có nước nghèo mới chịu ảnh hưởng, mà nước giàu hiện nay như với Mỹ trong những năm gần đây họ cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, người nghèo ở đó cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Vấn đề chung nữa, chúng ta phải chung tay làm việc với nhau, vì vấn đề khí hậu không loại trừ nước nào cả. Rõ ràng là phải có sự công bằng ở chỗ có trách nhiệm lịch sử, những nước nào đã đóng góp nhiều trong vấn đề biến đổi khí hậu thì phải đóng góp nhiều hơn để giúp các nước nghèo, các nước đang phát triển vừa tăng trưởng phát triển được, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc hợp tác thành liên minh thành một khối thống nhất, một tiếng nói chung để vừa các chính sách thuế, vừa các chính sách cải cách nền tảng tài chính quốc tế, vừa đưa ra những luật pháp.

Tôi kỳ vọng Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước sẽ có các hành động mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!

Kiều Oanh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77621