Ngày nhà giáo Việt Nam - Nghĩ về người thầy

Người thầy - nghĩa đầu tiên của danh từ này dành cho người được đào tạo có năng lực sư phạm. Đời của mỗi người ai cũng có thầy.

Không ai nhớ hết khuôn mặt, tên thầy của quãng đường mà ta đến trường, song tình nghĩa thầy trò ở mức độ khác nhau vẫn luôn ghi nhớ. Làm thầy là làm nghề dạy học, nghề thanh cao, thanh bạch mà chẳng mấy thanh nhàn. Mọi người thấy mỗi ngày thầy mấy giờ lên lớp, có mấy tháng nghỉ hè là nhàn nhã lắm. Họ không biết về khuya bên ngọn đèn, thầy cặm cụi lo soạn giáo án, rồi chấm những tập bài, dạy nhiều giờ theo sự phân công, số bài chấm lại trồng lên cao. Cầm chiếc bút đỏ chấm bài, phê bài phải cân nhắc, khách quan, thể hiện trách nhiệm của mình và niềm tin của học sinh, phụ huynh. Có thầy đã cảm xúc:

Chẳng đợi trăng tròn, chẳng trông trăng khuyết

Đêm nao cũng một ngọn đèn xanh

... Như gặp lại những học sinh đến bên mình thao thức

Nét chữ thân thương dịu ngọt những tâm hồn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được Đảng, Nhà nước lấy làm ngày kỷ niệm để tôn vinh ngành giáo dục, đội ngũ nhà giáo. Nhưng truyền thống trọng thầy đã có hàng nghìn năm, là giá trị của văn hiến Việt Nam. Người thầy trong tâm thức của mọi người luôn được giữ: ơn cha mẹ, nghĩa với thầy là đạo lý căn bản, là đạo làm người, là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc. Ở mỗi con người, sống nêu gương, sống đúng mực, giữ tròn bổn phận người công dân, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh em trên kính dưới nhường. Đối với thầy luôn có sự trân trọng, là sự biểu thị của người công dân có văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, truyền thống tôn sư trọng đạo luôn được phát huy. Bác Hồ luôn đánh giá rất cao vai trò người thầy, Bác nói: "Những người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất”.

Để xứng đáng phẩm cách người thầy cần có 3 yếu tố làm nên phẩm cách, là tâm hồn, kiến thức và phương pháp sư phạm. Tâm hồn người thầy cần thể hiện lòng yêu thương, quý mến và tôn trọng con người. Tâm hồn người thầy luôn trong sáng, sống lành mạnh có sự yêu thương học sinh và đồng nghiệp, chính nhờ tâm hồn, lòng yêu thương ấy mà mỗi lời giảng của thầy mới thầm sâu vào tâm trí học sinh, thành những hình ảnh đẹp trong hành trang bước vào đời của mỗi người:

Thầy gọi về đây, những đoàn quân chở mơ ước lên đường

Đi gặp tương lai không chờ năm tháng

Như tiễn những tâm hồn trong bài mình giảng

Đến chân trời mùa xuân.

Trong cuộc sống làm thầy, gặp những hoàn cảnh khó khăn, những tình cảnh éo le thầy phải có cảm xúc để có những hành vi, cử chỉ đẹp. Vừa qua, nạn dịch Covid-19 xảy ra, với tinh thần chống dịch như chống giặc, học sinh phải nghỉ học, thầy không đến trường truyền thụ kiến thức cho học sinh, phải giảng bài online, trực tuyến. Có lẽ đó là giải pháp tình thế. Ở vùng sâu, vùng xa, không có phương tiện, thầy cô lại leo đèo, lội suối đưa bài tập đến từng học sinh, không quản đường xa đội chữ lên non, đầu đội trời, tóc vờn gió núi. Khi khống chế được dịch bệnh, học sinh được trở lại trường, lòng vui hồ hởi được gặp lại thầy cô, gặp lại ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thương. Có lẽ không có máy móc nào thay được người thầy. Trong bão lũ miền Trung, thầy cô lội giữa dòng nước lũ để giữ lại cho học sinh những dụng cụ, sách vở đầy gian lao, mạo hiểm.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thiết nghĩ người thầy phải luôn rèn luyện phẩm cách, không ngừng học tập nâng cao tính sáng tạo, phấn đấu làm người thầy giáo tốt như lời Bác Hồ dạy: "Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Văn Song (TTV)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/147398/ngay-nha-giao-viet-nam-nghi-ve-nguoi-thay.htm