'Ngày phụ nữ khởi nghiệp' - Sức lan tỏa của phụ nữ Bắc Ninh
Thực hiện Đề án 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025', Hội LHPN Bắc Ninh là đơn vị được T.Ư Hội LHPNVN đánh giá là một trong những tỉnh triển khai thực hiện Đề án hiệu quả nhất với nhiều hoạt động thiết thực giúp phụ nữ khởi nghiệp, đem lại những kết quả đáng khích lệ.
Với cách làm chủ động, sáng tạo, việc triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939) của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Ninh đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của các tầng lớp phụ nữ; nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ cấp ủy Đảng, chính quyền. Năm 2019, UBND tỉnh hỗ trợ 30 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện Đề án, giúp chị em ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô, phát triển sản phẩm. Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đều tích cực chủ động kết nối với ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vay vốn giúp phụ nữ mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở vốn vay, kết hợp với nguồn vốn của gia đình, chị em tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều chị mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh doanh tổng hợp giúp cho đời sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo được cải thiện. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai phong trào phụ nữ khởi nghiệp, Bắc Ninh được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá là một trong số các tỉnh có phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đi đầu trong cả nước.
Mô hình trường Mầm non Sao Mai của chị Hương.
Những gương sáng về khởi nghiệp thành công
Tiêu biểu là mô hình giáo dục của chị Trần Ngọc Mai, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. “Từ nhỏ tôi đã ước mơ theo đuổi con đường giáo dục. Năm 2011 tôi thành lập Cơ sở mầm non Sao Mai tại phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh với số vốn 700 triệu. Do chưa có kinh nghiệm và với số tiền đầu tư hạn chế nên cơ sở vật chất khó khăn với 5 lớp học và hơn 100 học sinh. Hàng tháng, trừ chi phí, cơ sở của chị thu lãi trên 20 triệu đồng. Nhưng, với quyết tâm và đam mê trong sự nghiệp trồng người, tôi tiếp tục vay thêm vốn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đưa phương pháp giáo dục mới áp dụng vào trong giảng dạy. Nhờ vậy, cơ sở mầm non Sao Mai của tôi nhanh chóng có được niềm tin của phụ huynh, đến nay tôi đã mở thêm 1 cơ sở mới”- chị Mai chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Được các cấp chính quyền tuyên truyền, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, chị Mai mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn. Năm 2018, chị được tiếp cận 2 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách tỉnh Bắc Ninh. Bắt tay vào triển khai ý tưởng, chị mời các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đào tạo tư vấn, mở thêm 4 lớp montessori (cách giáo dục montessori từ đất nước Hàn Quốc). Khác với các phương pháp dạy học truyền thống, trong phương pháp giáo dục Montessori, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, ưu tiên sự phát triển tự nhiên của trẻ, để trẻ được tự tìm tòi và học hỏi thế giới xung quanh của mình, giúp học sinh có thể phát triển toàn diện. Đến nay, với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, chị đã thành lập được 3 cơ sở giáo dục có tổng số 300 học sinh. Ba cơ sở giáo dục của chị đã tạo việc làm cho 43 giáo viên, nhân viên với thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh mô hình khởi nghiệp của chị Trần Ngọc Mai, chị Hoàng Thị Thúy (sinh năm 1988), quê tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh) lại chọn cho mình hướng đi mới. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, ngành Kỹ thuật công nghệ môi trường năm 2011, chị Thúy làm thuê cho các công ty tại các khu công nghiệp. Mặc dù được làm đúng chuyên ngành học tập nhưng không phát huy hết khả năng của mình nên tháng 8/2013, chị thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ tư vấn công nghệ môi trường Etech (hiện có địa chỉ phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Chị Hoàng Thị Thúy cho biết, Bắc Ninh là địa phương có nền công nghiệp phát triển, nhưng rất ít công ty am hiểu pháp luật về môi trường. Ban đầu, công ty của chị chỉ thực hiện tư vấn môi trường, về nội dung phân tích môi trường thuê lao động thời vụ bên ngoài nên chi phí lớn và không bảo đảm chất lượng như đơn vị mình tự làm. Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, công ty của chị Thúy, đã mở rộng thêm các hoạt động tư vấn về công nghệ xây dựng cho hệ thống xử lý nước thải, trực tiếp tham gia công tác huấn luyện an toàn lao động dưới khu công nghiệp, quan trắc lấy mẫu môi trường, quan trắc môi trường khu làm việc và quan trắc môi trường định kỳ các ống khói và môi trường nước thải.
Năm 2018, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, chị Thúy được tiếp cận nguồn vốn 2 tỷ đồng nên chị mạnh dạn đầu tư phòng thí nghiệm. Theo chị Thúy, khi phòng thí nghiệm đi vào hoạt động, sẽ giúp công ty mở rộng các hoạt động kinh doanh. Đúng như kỳ vọng, tháng 8/2019, công ty của chị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép quan trắc 265 thông số về quan trắc môi trường định kỳ và 265 thông số môi trường, đây là lợi thế để đơn vị cạnh tranh với các công ty khác. Đến nay, doanh nghiệp của chị được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tư nhân mạnh về lĩnh vực môi trường, với tổng doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục người lao động.
Chị Thúy (người đứng) đang trao đổi với nhân viên trong phòng thí nghiệm của mình.
Bắc Ninh: Khơi dậy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ
Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về khởi nghiệp từ việc trình bày kế hoạch dự án kinh doanh, các bước cần thiết triển khai ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận vốn, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường… Qua đó, nhằm thúc đẩy tinh thần và phong trào khởi nghiệp kinh doanh, phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ trong các tầng lớp phụ nữ. Tính đến hết tháng 9/2019, Hội đang quản lý 50 tỷ đồng vốn đầu tư ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với 76 ý tưởng khởi nghiệp.
Một trong những hoạt động tích cực nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh là xây dựng và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp. Theo đó, Hội đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng phụ nữ Bắc Ninh khởi nghiệp, thu hút hơn 500 ý tưởng. Sau đó, Hội tập hợp, phân loại và lựa chọn các ý tưởng có giá trị ứng dụng cao, đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng. Từ đó, Hội giới thiệu 2 ý tưởng tham dự “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, gồm: “Mô hình giáo dục ứng dụng khoa học công nghệ”; “Áp dụng khoa học kỹ thuật trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGap”. Cả hai ý tưởng này đều lọt vào top 20 ý tưởng xuất sắc toàn quốc.
Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, Hội LHPN Bắc Ninh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng quản trị hợp tác xã cho ban giám đốc, hội đồng quản trị của các hợp tác xã do phụ nữ thành lập và quản lý các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp để chuẩn bị thành lập các hợp tác xã.
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn doanh nghiệp phụ nữ khởi nghiệp tự tạo lập thông số của đơn vị mình trên mạng xã hội nhằm quảng bá, giúp tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Ngoài ra, tổ chức Hội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh giúp phụ nữ đăng ký thương hiệu và chứng nhận an toàn cho sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Với mức vay trên 300 triệu đồng, các dự án cần có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, với mức vay từ 50 - 300 triệu đồng, phụ nữ khởi nghiệp phải nộp cho nơi cho vay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi đó có nhiều phụ nữ khởi nghiệp do tuổi đời còn trẻ, chưa có tài sản đứng tên nên không nhận được nguồn vốn vay trong chương trình hỗ trợ. Mặt khác, nhu cầu vay vốn của phụ nữ nhiều, trong khi nguồn vốn dành cho chương trình khởi nghiệp còn ít, chưa giúp đỡ nhiều mô hình khởi nghiệp. Đặc biệt, phụ nữ trong tỉnh còn nhiều hạn chế trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết...
Thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển phong trào khởi nghiệp trong phụ nữ, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải quyết những vướng mắc, khó khăn tạo điều kiện thông thoáng cho phụ nữ vay vốn khởi nghiệp. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp và vai trò của phụ nữ với sự phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Hội tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo với nhiều hoạt động như tổ chức "Ngày phụ nữ khởi nghiệp", tập huấn hướng dẫn phụ nữ cách thức xây dựng ý tưởng kinh doanh. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh tiếp tục hỗ trợ các mô hình phụ nữ khởi nghiệp tìm đầu ra, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...
Cùng với vốn vay, kết hợp với nguồn vốn tích cóp được cùng sự hỗ trợ của gia đình, nhiều hội viên, phụ nữ đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh doanh tổng hợp giúp cho đời sống của nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo được cải thiện rõ rệt.
Những kết quả mà phụ nữ Bắc Ninh nói riêng và phụ nữ của các tỉnh, thành trong cả nước đang triển khai hoạt động Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là nền tảng khẳng định tiềm năng, sức sáng tạo và đặc biệt là đức tính cần cù, yêu lao động của phụ nữ Việt Nam. Từ những mô hình hay, cách làm tốt, có thể cho thấy phụ nữ khởi nghiệp không khó và hoàn toàn có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của đất nước.