Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10): 'Bóng hồng' mũ nồi xanh kể chuyện đi gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi

Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi nhiệm kỳ 2021 – 2022, cô gái trẻ Vũ Nhật Hương cho hay, dù chỉ khoảng một năm nhưng 'biết bao nhiêu tình'.

Đại úy Vũ Nhật Hương nhận Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, do Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi trao tặng tháng 12/2022. (Ảnh: NVCC)

Đại úy Vũ Nhật Hương nhận Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, do Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi trao tặng tháng 12/2022. (Ảnh: NVCC)

Hương kể, cái duyên đến với cô từ việc xung phong tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi. Gia đình lo lắng, trong mắt bạn bè là sự liều lĩnh nhưng với Hương, đó là một hành trình đầy ý nghĩa.

“Có lẽ, tôi may mắn vì được công tác tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chứng kiến những người đi trước tham gia các chương trình tập huấn và sẵn sàng lên đường tới những nơi còn nhiều khó khăn và thử thách đã khiến tôi ấp ủ những dự định trong sự nghiệp của mình”, Nhật Hương thổ lộ.

379 ngày chinh phục thử thách

Với mong muốn được thử thách, chinh phục để hiểu thêm về những giới hạn của bản thân, Nhật Hương tham gia các chương trình huấn luyện tiền triển khai trong và ngoài nước, tập trung vào việc trau dồi ngoại ngữ, tìm hiểu về Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Cô cho hay: “Các khóa học kỹ năng sinh tồn ở các vị trí công việc khác nhau và sau mỗi khóa học, chúng tôi đều phải viết thu hoạch, vượt qua các bài kiểm tra của chuyên gia của Việt Nam hay Quốc tế, được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo để sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ”.

Ngày 4/12/2021, Nhật Hương lên đường nhận nhiệm vụ trong vai trò là Sĩ quan Truyền thông của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Cộng hòa Trung Phi. Ở đây, cô đã bắt đầu một hành trình “379 ngày” đáng nhớ của mình.

Có người nói, chiến trường không phải là nơi dành cho “bóng hồng”. Đúng là, với những “bóng hồng” như cô để đến với đất nước còn nhiều bất ổn và xung đột về chính trị sẽ gặp không ít thách thức. Một năm, cuộc sống không chỉ đơn thuần là nhớ nhà mà phải đối mặt với những thiếu thốn và hiểm nguy. Những chiến sĩ mũ nồi xanh phải tuân thủ luật pháp nước sở tại về giờ giấc giới nghiêm, các điều luật về giới, hoặc tiếp xúc dân bản địa…

Nhật Hương trải lòng: “Sự thiếu thốn về Internet, điện, nước là những điều bình thường ở Cộng hòa Trung Phi. Ở đây, Internet hay một chiếc điện thoại thông minh cũng là điều xa xỉ. Dù là Thủ đô mà đa phần là đường đất đỏ và rất hiếm các nhà cao tầng. Người dân vẫn còn đi chân đất, nhiều đứa trẻ không được đến trường…”.

Tuy thế, Nhật Hương và các đồng nghiệp luôn động viên lẫn nhau. Là phái nữ, dù nhận được nhiều sự ưu tiên, nhưng cô vẫn luôn cố gắng khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống xa nhà. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, cô đã học được nhiều kinh nghiệm sinh sống và làm việc trong môi trường đa quốc gia.

Công việc của Nhật Hương gắn liền với những hoạt động thiện nguyện. Cô từng chộn rộn mỗi khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ nhỏ không đồ mặc, lạ lẫm với những món đồ chơi. Cô xao động khi thấy hình ảnh những người phụ nữ đã từng là nạn nhân của bảo lực tình dục - đôi mắt của họ luôn nghẹn ngào khi có người lắng nghe, chia sẻ.

Những trải nghiệm tưởng như bình thường ấy lại khiến cô gái trẻ Nhật Hương cảm nhận sâu sắc thêm ý nghĩa mà công việc mình đang làm, hành trình mình đang đi. Gắn bó với mảnh đất Trung Phi dù chỉ khoảng một năm ngắn ngủi nhưng đó thực sự là những giá trị và cảm xúc thú vị không dễ gì có được.

Nhật Hương bên những đứa trẻ. (Ảnh: NVCC)

Nhật Hương bên những đứa trẻ. (Ảnh: NVCC)

Vui từ những điều bình dị

Kể về công việc vất vả của mình, Nhật Hương cho hay, do phải di chuyển nhiều nơi và các nhiệm vụ được thay đổi liên tục. Cô cho rằng, mỗi sáng tới trụ sở làm việc cũng giống như tới căn nhà chung. Bởi nơi đó cho cô một môi trường và không khí làm việc đầy nhiệt huyết.

Công việc của Nhật Hương phải di chuyển nhiều nơi với nhiệm vụ làm tin tại các sự kiện, hội nghị, các chương trình thiện nguyện. Đồng thời, cô cũng tham gia các chuyến công tác tháp tùng Tư lệnh, Phó Tư lệnh Lực lượng quân sự Phái bộ đến thăm và làm việc với các đơn vị.

Hương vẫn nhớ như in, khi phát đồ dùng học tập, quần áo cho trẻ em ở các làng trẻ mồ côi, trường học; được ngắm gương mặt hân hoan của những đứa trẻ khi được nhận quà, đến giờ cô vẫn còn bồi hồi xúc động. Có lẽ, điều mà Hương cảm thấy ý nghĩa nhất chính là tham gia một số chương trình phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ em gái tuổi vị thành niên. Tiếp xúc với những đứa trẻ nơi đây, cô mới thấy yêu và thương mảnh đất này biết bao. Công việc ý nghĩa có khi chỉ từ những điều tưởng như bình dị như thế.

Đã có 379 ngày thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ, cô đã có nhiều thử thách đáng nhớ. Được làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa quốc gia. Do tính chất công việc, Nhật Hương thường xuyên phải theo Đoàn công tác tới các Phân khu ở tỉnh cách thủ đô khá xa, mọi di chuyển phải đi bằng máy bay trực thăng hay các máy bay chuyên dụng của Liên hợp quốc.

Nhật Hương chia sẻ, di chuyển nhiều nơi, chủ yếu là làm việc ngoài trời, có những khi thời tiết xấu, máy bay hạ độ cao thấp bất chợt đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để không bị chao đảo. Cô đã có những trải nghiệm đáng nhớ với những ngày phải làm việc ngoài nắng, có khi hơn 40 độ C. Vất vả nhưng Hương luôn trên tinh thần sẵn sàng, nụ cười luôn nở trên môi. Mỗi một chuyến đi đối với cô là một trải nghiệm đáng quý.

Lần đầu tiên cô hiểu rằng, thiếu thốn về nước sinh hoạt hay điện là điều bình thường, bên cạnh đó còn có một mối đe dọa nguy hiểm đối với những nhân viên Liên hợp quốc và lính mũ nồi xanh nơi đây, chính là sốt rét. Tuy thế, cô chỉ xem đó như thử thách, trải nghiệm đáng quý để biết trân trọng hơn những gì mình đang có, để thêm yêu hòa bình. Ánh mắt của cô gái trẻ vẫn sáng, cô nói: “Lần đầu tiên được tiếp cận cuộc sống ở một châu lục mới, nơi mà nụ cười là thứ giúp người dân địa phương và những người lính mũ nồi xanh như chúng tôi có thể hiểu nhau hơn rất đặc biệt”.

Làm nhiệm vụ ở vùng đất đặc thù, công việc sẽ không êm đềm, cô gái Vũ Nhật Hương tự “lên giây cót” cho mình sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống. Từ đó, những kỹ năng xử lý công việc cũng được tăng lên, chuyên nghiệp hơn. “Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ không phải để báo cáo thành tích của cá nhân mà vì màu cờ sắc áo. Là một quân nhân, sự nghiêm túc và kỷ luật luôn được đề cao. Tại môi trường quốc tế, mỗi sĩ quan đến từ các quốc gia khác nhau, họ mang đến một nền văn hóa khác biệt. Do đó, dù là phái nữ nhưng tôi luôn tự dặn mình phải sẵn sàng trong mọi thử thách”, Nhật Hương chia sẻ.

Trong câu chuyện với tôi, nữ sĩ quan trẻ luôn lộ rõ niềm tự hào khi kể về công việc của mình, đặc biệt là khi báo cáo những kết quả đã làm được với Liên hợp quốc. Theo cô, đó không chỉ là nỗ lực của riêng một cá nhân mà là của cả tập thể. Với ánh mắt tự hào, Nhật Hương nói: “Những chiến sĩ mũ nồ xanh đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm không chỉ với những đồng nghiệp quốc tế mà cả đối với những người dân bản địa về đất nước Việt Nam hòa bình và nhân ái”.

Vũ Nhật Hương đã có những kỷ niệm đẹp ở đất nước, con người Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: NVCC)

Vũ Nhật Hương đã có những kỷ niệm đẹp ở đất nước, con người Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: NVCC)

Kỷ niệm đáng nhớ

Nhắc đến Trung Phi, Nhật Hương vẫn cảm thấy bồi hồi. Là phái nữ, cô cho rằng “chìa khóa” để thành công dù ở vị trí nào chính là phải có tâm lý vững chắc, phải luôn làm việc vì màu cờ sắc áo.

Hương kể, những ngày đầu đến với Trung Phi, điều cô lúng túng nhất, đó là ngoại ngữ. Khi mà người dân địa phương sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Pháp, trong khi đa số đồng nghiệp có thể sử dụng được hai, ba ngoại ngữ khác nhau, cô có chút choáng ngợp, lúng túng. “Do vậy, chúng tôi vẫn hay đùa rằng, nụ cười chính là ‘vũ khí ngoại giao’ hữu hiệu nhất. Nụ cười đã bắc cầu cho các nền văn hóa như xích lại gần nhau hơn”, Nhật Hương chia sẻ.

Nhưng đó chỉ là những ngày tháng đầu tiên, Nhật Hương hòa nhập rất nhanh với bạn bè, đồng nghiệp quốc tế. Nói về bí quyết, Hương cho biết, trước và sau khi gặp những người bạn mới, thông qua Internet hoặc nói chuyện với đồng nghiệp cùng phòng, cô luôn tìm hiểu về văn hóa, con người, đặc biệt là ẩm thực của đất nước ấy.

“Khi có kiến thức và hiểu biết về đất nước bạn cũng là cách thể hiện sự tôn trọng họ. Trong những ngày tháng trải nghiệm công tác tại Trung Phi, mỗi ngày được làm việc, mỗi bước chân tôi đi qua, mỗi con người tôi gặp gỡ đều như là kỷ niệm”, Hương tâm niệm.

Nhưng có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất với cô gái Nhật Hương đó là khi Tổ Công tác Cộng hòa Trung Phi (nhiệm kì 2021-2022) cùng nhau tổ chức Trung thu cho các em bé tại Làng trẻ mồ côi Bangui.

Cô cùng các đồng nghiệp phát quà cho trẻ em. (Ảnh: NVCC)

Cô cùng các đồng nghiệp phát quà cho trẻ em. (Ảnh: NVCC)

Công tác chuẩn bị tổ chức Trung thu rộn ràng, từ khâu xây dựng chương trình đến việc “biến hóa” những vật dụng thành đồ chơi hoặc sử dụng “cây nhà lá vườn”. Tất cả đều nỗ lực để thổi hồn vào buổi lễ sinh động. Các em nhỏ đã có một Trung thu ý nghĩa.

Nhật Hương cảm thấy thật vui khi những đứa trẻ ở châu Phi đã biết thêm về một văn hóa mới, về chú Cuội, chị Hằng… Hơn thế, sau buổi thiện nguyện ấm áp, ý nghĩa đó, những chiến sĩ mũ nồi xanh được Giám đốc làng trẻ tặng một số bức tranh tô màu của tụi trẻ. Nữ sĩ quan trẻ bồi hồi: “Cho đi thì nhận lại, đối với tôi, đó là tình cảm không gì đong đếm được, là sự trân trọng mà trẻ em nơi đó dành cho mình”.

Khi được hỏi muốn truyền lửa gì đến chị em phụ nữ trong việc phát triển bản thân và thử thách chính mình, Nhật Hương cho rằng, phụ nữ hãy là những bóng hồng rắn giỏi, bề bỉ. Hãy luôn khát khao cống hiến, khát khao chinh phục, ước mong được trải nghiệm và thử thách bản thân. Đồng thời, chị em hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và tinh thần thép thì dù đến những mảnh đất nắng gió châu Phi hay khó khăn đến đâu cũng đều có thể vượt qua.

Nhật Hương bộc bạch: “Những trải nghiệm tại châu Phi đã giúp tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, bản lĩnh hơn trong công việc. Tôi muốn cảm ơn những ngày tháng tươi đẹp ấy của tuổi trẻ…”.

Đại úy Vũ Nhật Hương, trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế/ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; nguyên Sĩ quan Truyền thông, Phòng Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) nhiệm kỳ 2021-2022.

Yến Nguyệt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-phu-nu-viet-nam-2010-bong-hong-mu-noi-xanh-ke-chuyen-di-gin-giu-hoa-binh-o-cong-hoa-trung-phi-246765.html