Ngày Quốc tế Lao động, tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử

Ngày Quốc tế Lao động, còn được gọi là Ngày Lao động, được tổ chức vào ngày 1 tháng 5 hàng năm. Đây là một lễ kỷ niệm của những người lao động trên khắp thế giới.

Ngày Quốc tế Lao động có nguồn gốc từ phong trào công đoàn, cụ thể là phong trào làm việc 8 giờ/ngày. Đây là một ngày lễ lớn ở Ấn Độ, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác.

Một logo của Ngày Quốc tế Lao động, hay Ngày Lao động. Ảnh: Internet

Ngày Quốc tế Lao động có ý nghĩa kỷ niệm các cuộc đấu tranh trong quá khứ của người lao động chống lại các hành vi vi phạm quyền của người lao động, bao gồm cả ngày và tuần làm việc kéo dài, điều kiện tồi tệ và lao động trẻ em.

Ngày Quốc tế Lao động bắt nguồn từ vụ Haymarket năm 1886 ở Chicago, Mỹ, khi một cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ công nhân đã dẫn đến một cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát, dẫn đến cái chết của ít nhất 38 dân thường và 7 nhân viên cảnh sát.

Ngày 20/6/1889, ba năm sau “thảm kịch” tại thành phố Chicago, Quốc tế cộng sản II được nhóm họp tại Paris (Pháp). Dưới sự lãnh đạo của Friedrich Engels, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế Cộng sản II đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước.

Một sự kiện khác làm nổi bật Ngày Quốc tế Lao động là hội nghị lần thứ sáu năm 1904 của Quốc tế cộng sản II, kêu gọi “tất cả các tổ chức xã hội và công đoàn của tất cả các nước biểu tình sôi nổi vào ngày đầu tháng 5 về việc thông qua luật làm việc mỗi ngày tám giờ, vì yêu cầu của giai cấp vô sản, và vì hòa bình chung”.

Nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Thụy Điển, Pháp, Ba Lan, Phần Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Đức và Ý, cũng kỷ niệm Ngày Lao động. Ở Canada, Mỹ và Úc, Ngày Lao động được tổ chức ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm.

Bùi Huy (theo Wiki, Timesnow)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-quoc-te-lao-dong-tam-quan-trong-va-y-nghia-lich-su-post192465.html