Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất: Gieo 'hạt giống' cho một tương lai tươi sáng
Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động ngăn chặn những thảm họa sắp tới của biến đổi khí hậu, nguy cơ tàn phá môi trường, để 'ngôi nhà chung' ngày thêm xanh.
Ra đời cách đây hơn một thập kỷ, Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (22/4) là dịp để các quốc gia trên thế giới cùng cất chung tiếng nói thừa nhận Trái đất là “ngôi nhà chung” của chúng ta và bày tỏ niềm tin rằng cần phải thúc đẩy sự hài hòa của con người với thiên nhiên; khuyến khích các phong trào hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới - tất cả vì một hành tinh xanh, an toàn và phát triển bền vững, thịnh vượng.
Năm 2021, hưởng ứng Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, từ ngày 20-22/4, Tổ chức vì Trái Đất kêu gọi thế giới hãy cùng các nhà lãnh đạo thế giới có những hành động để ngăn chặn những thảm họa sắp tới của biến đổi khí hậu và các nguy cơ tàn phá môi trường do chính con người gây ra; từ đó cùng nhau hành động để khôi phục Trái Đất.
Để kỷ niệm Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, sáng nay (22/4), Google Doodle đã cập nhật video truyền cảm hứng trồng cây. Hình tượng trưng về Ngày Trái Đất nêu bật cách mọi người có thể gieo hạt giống cho một tương lai tươi sáng hơn. Video cũng cho thấy nhiều loại cây khác nhau được trồng trong môi trường sống tự nhiên, đó là một trong nhiều cách chúng ta có thể làm để giữ "ngôi nhà chung" của chúng ta khỏe mạnh cho các thế hệ tương lai.
Tại Việt Nam - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng ngày càng dày hơn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn lại tiếp tục tái diễn trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán xâm nhập mặn năm 2016. Bão lớn diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây. Các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục ở nhiều vùng, gây ra sạt lở, lũ ống lũ quét trên diện rộng. Mưa lớn lịch sử trong vòng 60 năm gây thiệt hại to lớn cho Hà Giang và một số địa phương ở miền Bắc.
Đặc biệt, mới đây, miền Trung đã phải gồng mình gánh chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão với những mất mát vô cùng to lớn về người và tài sản, trong đó nặng nề nhất là tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam,...
Không những thế, tác động do biến đổi khí hậu đang trở thành nguyên nhân gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người di cư ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến, tỷ lệ di cư gấp hai lần trung bình cả nước.
Thứ tế trên cho thấy biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thời gian qua, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) năm 2015. Theo đó, các bên tham gia Thỏa thuận có trách nhiệm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân trên cả nước, ngày 31/12/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, trồng cây, trồng rừng ngay dịp Tết Tân Sửu năm 2021; cả nước chung sức, đồng lòng góp sức hướng tới mục tiêu trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2021, theo kế hoạch, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020…
Chỉ sau hơn tháng phát động, Chỉ thị bước đầu đã đạt tính lan tỏa khi nhiều địa phương đã hưởng ứng tổ chức trồng cây gây rừng; Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen tỉnh Bến Tre là địa phương đầu tiên hưởng ứng sáng kiến tham gia trồng 1 tỷ cây xanh bằng nguồn xã hội hóa; Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hưởng ứng lời kêu gọi thông qua hoạt động trồng mới hơn 11.000 cây xanh tại tỉnh Quảng Nam; Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp thực hiện các chương trình trồng cây xanh trên khắp mọi miền đất nước,...
Với thông điệp chung tay nhân lên màu xanh - màu của sự sinh sôi cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng, hướng tới “vì một Việt Nam xanh,” đến nay, chương trình 1 tỷ cây xanh đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng.
Năm nay, nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất 22/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi thông điệp kêu gọi mỗi người dân thực hiện những hành động thiết thực bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lối sống hiện tại, đặc biệt là cách tiêu dùng và sản xuất của con người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp nhận của Trái Đất. Sự coi thường thiên nhiên và tính toàn vẹn của các hệ sinh thái và các quá trình hỗ trợ sự sống của nó đã dẫn đến những hậu quả như: Mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu và sự gián đoạn của một số chu kỳ tự nhiên. Do đó, trong khi dân số thế giới ngày càng tăng, nhu cầu của con người ngày càng lớn thì nguồn tài nguyên của Trái Đất chỉ có hạn và ngày càng giảm, chúng ta cần phải đưa ra một mô hình bền vững hơn cho sản xuất, tiêu dùng và nền kinh tế nói chung./.