Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4: Công nghệ chỉ mang tính hỗ trợ cho việc đọc của mỗi người
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nở rộ các phương tiện thông tin truyền thông, trí tuệ nhân tạo, các xu hướng sáng tác cũng như tiếp cận tri thức truyền thống, hiện đại đang cùng song hành. Nhân Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), PNVN đã ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia về trải nghiệm, cách nhìn nhận về xu hướng đọc hiện nay.

Ảnh minh họa
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, Giám đốc Công ty CP Văn hóa Đất Việt:
Trong xã hội hôm nay, việc đọc sách trở nên dễ dàng hơn với mọi người. Tuy nhiên, để đọc sách hiệu quả thì chưa bao giờ là dễ cả. Sự phát triển của công nghệ đã đem đến nhiều lựa chọn cho người đọc, như sách truyền thống, sách điện tử…
Vì thế, người ta buộc phải tìm, thích ứng với một loại hình sách hiệu quả nhất đối với bản thân. Nếu không tìm ra phương pháp và loại hình sách phù hợp, khả năng bị nhấn chìm trong "bể" sách là rất cao.
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng, với những người đọc để nghiên cứu, cập nhật kiến thức cho chuyên ngành làm việc của mình thì nên dùng sách giấy, hoặc tải, lưu và in file tài liệu ra văn bản giấy để đọc và đánh dấu những nội dung quan trọng, những câu chữ cần chú ý.
Học, tìm hiểu, cập nhật kiến thức qua sách vở và các nền tảng mạng xã hội, các tiện ích đọc, nghe qua internet… là nhu cầu chính đáng và cần thiết của con người trong một xã hội phát triển. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển qua các nền tảng công nghệ, tạo ra một cuộc cách mạng về tri thức và việc làm trên toàn thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên
Việc sử dụng AI để học tập, làm việc là vấn đề không cần phải tranh luận bởi tính thiết thực, nhanh chóng và hiệu quả. Công nghệ AI đang làm thay đổi nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt hạn chế. Với những nghề nghiệp chuyên sâu, hay những vấn đề cần sự chính xác và chứng nghiệm, người sử dụng AI nên có những kiểm chứng kết quả để tránh sai lầm.
Những người trẻ cần có một bộ tài liệu để học cách cá nhân hóa "trợ lý AI" của mình. Khi đã tạo ra được sự riêng tư và chuyên biệt cho phần mềm AI của mình như vậy, người sử dụng sẽ luôn có hướng giải quyết các vấn đề của cuộc sống một cách dễ dàng!
Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, Phó ban Nhà văn trẻ Hà Nội, Chánh văn phòng Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam, Giám đốc Công ty Tinh Văn Books:
Hiện nay, song song với sách giấy, người đọc đã có thêm những lựa chọn khác như: Sách số, sách nói, sách hình ảnh, sách tích hợp cả nghe, nhìn… Các công ty phát hành đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ để chuyển đổi hình thức kinh doanh, đáp ứng nhu cầu người đọc.
Chỉ cần một máy đọc sách hoặc chiếc điện thoại di động là có thể có trong tay hàng vạn đầu sách để nghe, đọc. Nhiều bạn trẻ lựa chọn phương thức tiếp nhận mới này, vì phù hợp xu thế, nhanh và thuận tiện.

Nhà thơ Đặng Thiên Sơn
Tuy nhiên, sách giấy vẫn có chỗ đứng riêng. Trong tương lai gần, AI sẽ phát triển thay thế cả người làm sách và người đọc sách một số công đoạn, giúp cho việc đọc trở nên dễ dàng hơn. Người đọc có thể tìm kiếm, lựa chọn những cuốn sách mình thích chỉ trong vài giây nhờ công nghệ AI.
Ngoài ra, AI còn hỗ trợ người đọc, phân tích, tổng hợp, ghi chú, giúp cho người đọc nắm bắt nội dung một cách hệ thống và lâu dài. Nhưng công nghệ chỉ mang tính hỗ trợ, việc đọc vẫn là tự thân và nỗ lực của con người.
Tác giả Quyên Gavoye, Trợ lý di sản văn hóa của Ủy ban thành phố Besançon, Pháp
Trong bối cảnh công nghệ số tác động mạnh đến tất cả lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất bản, việc tạo dựng văn hóa đọc cũng như tình yêu với sách rất cần có sự thay đổi để thích ứng với các loại hình sách công nghệ.
Tất nhiên, trước khi nói về sự thay đổi, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng, dù hình thức của sách có thay đổi theo năm tháng (từ sách giấy đến sách cdrom, ebook, nghe đọc streaming…) nhưng nội dung muốn truyền tải là không thay đổi.

Tác giả Quyên Gavoye
Do vậy, việc tạo dựng và lan tỏa văn hóa đọc vẫn cần thiết tuyệt đối giúp trẻ phát triển thói quen đọc sách. Đối với những người làm công tác thư viện, cần tìm ra những phương thức mới giúp bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi, tiếp cận thế giới sách phù hợp với phong cách thời đại.
Những năm qua, nước Pháp, nơi thư viện giữ vai trò trung tâm (cùng với nhà trường) trong việc tạo dựng văn hóa đọc cho giới trẻ, đã có rất nhiều thay đổi trong các buổi kể chuyện, đọc sách hàng tuần cho trẻ.
Từ nước Mỹ, "heure du conte" - giờ kể chuyện truyền thống vào mỗi thứ Tư hoặc thứ Bảy, đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều quốc gia. Ngày nay ở Mỹ cũng như ở châu Âu, hoạt động này trở thành một trong những nhiệm vụ hàng đầu của thư viện và chúng ta đã có "Heure du conte numérique" - Giờ kể chuyện kỹ thuật số.
Hầu hết các thư viện đã bắt đầu ứng dụng phương thức kể chuyện mới này. Những người đọc sách sẽ kết hợp giữa sách truyền thống, ebook và các ứng dụng kể chuyện để dẫn dắt người đọc tham gia vào câu chuyện. Trẻ sẽ được nghe, được xem sách.
Cùng với các ứng dụng, người đọc có thể sáng tạo ra các phần tiếp theo của câu chuyện. Có lẽ nhờ vào tính đa dạng của phương thức đọc mới này, không chỉ độc giả trẻ tuổi mà cả các bậc phụ huynh cũng đều hào hứng.
Sự thành công của phương pháp đọc kiểu mới này không chỉ giới hạn ở thư viện mà tại nhà trường, gia đình, lượng độc giả đọc sách kỹ thuật số cũng tăng mạnh.
Sự tăng trưởng này được thể hiện qua con số thương mại sách kỹ thuật số (dưới mọi hình thức sách). Mỗi năm thị trường sách kỹ thuật số tăng thêm vài phần trăm. Nếu như năm 2022, doanh thu của sách kỹ thuật số tại Pháp là 273 triệu euro thì năm 2023 là 283 triệu euro, chiếm 10,12% thị trường sách.