Tranh cãi 'nảy lửa' vì ai phải mở nắp bình xăng: Nhân viên hay tài xế?

Một đoạn clip chỉ dài 30 giây nhưng khiến cộng đồng mạng 'chia phe' dữ dội chỉ vì… ai là người mở nắp bình xăng khi đi đổ xăng.

Một đoạn video ngắn ghi lại cuộc đối thoại giữa nữ tài xế và nhân viên cây xăng đã nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội như Tiktok và Facebook từ chiều ngày 10/5, làm "dậy sóng" cộng đồng mạng với nhiều ý kiến trái chiều.

Đoạn video đang gây tranh cãi trên mạng xã hội (Nguồn: Tiktok)

Trong đoạn video chưa đầy 30 giây, nữ tài xế đang ngồi trong ô tô thắc mắc với nhân viên rằng: "Chị ơi, cây xăng yêu cầu khách phải xuống tận nơi mở nắp bình xăng thì mới được đổ xăng à?".

Khi nhân viên xác nhận điều này, người phụ nữ lập tức phản ứng gay gắt: "Em đi đổ xăng chưa một cây xăng nào bắt khách tự mở nắp cả. Toàn nhân viên tự biết mở nắp bình xăng".

Nhân viên cây xăng lúc đó nhẹ nhàng đáp lại rằng nếu được nhờ, họ sẵn sàng hỗ trợ. Tuy nhiên, nữ tài xế gắt gỏng: "Em không phải nhờ! Khách hàng mất tiền mua xăng, sao phải nhờ hả chị?".

Vụ việc tưởng chừng không đáng chú ý nhưng lại trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người lên tiếng bênh vực nhân viên cây xăng, cho rằng nhân viên không có trách nhiệm tự động mở nắp xe nếu không được yêu cầu.

Một tài khoản Minh Anh bình luận: "Mỗi xe có cách mở nắp bình xăng khác nhau. Nếu nhân viên đổ xăng không biết mà cố mở rồi hỏng thì ai chịu? Chủ xe chứ ai nữa đâu. Nên khi đổ xăng, chủ xe nên tự mở để chủ động".

Hay theo anh Nguyễn Tuấn Nam - một tài xế lâu năm chia sẻ: "Mỗi khi đi đổ xăng tôi luôn tự mở nắp bình xăng vì mình xuống mở vừa đảm bảo cho chính chiếc xe, lại có thể theo dõi việc người đổ xăng xem đúng số lượng mình mua hay không. Tránh tình trạng lại thắc mắc sau khi đổ thấy thiếu hay hụt".

Hay như tài khoản Hong Hoa chia sẻ: "Theo tôi, tùy vào trường hợp mình sẽ phục vụ theo yêu cầu, nếu khách yêu cầu hỗ trợ thì nhân viên đổ xăng cũng nên giúp chủ xe; còn nếu không có thể hỏi trước khách hàng xem có nhu cầu hay không. Nhưng như bình thường thì đa phần chủ xe sẽ xuống mở nắp bình xăng vì nhiều dòng xe phải mở từ phía trong xe, cùng với đó, xuống cũng có thể theo dõi việc người đổ xăng có đổ đúng số lượng hay không".

Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng nữ khách hàng đã có thái độ thiếu thiện chí và không tôn trọng người lao động. Đặc biệt, một bình luận nêu quan điểm ủng hộ nhân viên bán xăng đã nhận được hơn 20.000 lượt thích, cho thấy số lượng đông đảo của những người đồng tình với nữ nhân viên. Vì nhân viên bán xăng cũng có nói là nếu khách yêu cầu thì nhân viên đổ xăng vẫn hỗ trợ mở bình thường.

Tuy nhiên, cũng có không ít người đứng về phía nữ tài xế và cho rằng nhân viên bán xăng là người cung cấp dịch vụ thì cần hỗ trợ khách hàng một cách trọn vẹn, từ việc mở nắp bình, bơm xăng đến thanh toán. Đặc biệt với những khách hàng là người cao tuổi hay phụ nữ, thao tác mở nắp bình xăng có thể gây khó khăn. Nhiều người cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân rằng đi đổ xăng chưa bao giờ phải tự xuống mở nắp bình.

Ở góc nhìn trung lập, một số người cho rằng việc nhỏ như vậy hoàn toàn có thể giải quyết nếu hai bên có sự trao đổi rõ ràng. Tài khoản Minh Châu bình luận: "Chỉ cần một câu hỏi, một lời nhờ là xong. Không nên coi đó là trách nhiệm bắt buộc hay quyền lợi hiển nhiên".

Một tài khoản khác cũng nêu trải nghiệm cá nhân cho thấy sự việc sẽ chẳng có gì nếu hai bên có thái độ tôn trọng nhau: "Tôi đổ xăng 100 lần 100 lần không phải xuống mở cửa bởi vì mình luôn hạ kính: Bác ơi bác mở bình giúp em tí nhá bác em cảm ơn bác ạ".

Nguồn ảnh: Petrolimex

Nguồn ảnh: Petrolimex

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Hoàng Long - quản lý một trạm xăng ở Quốc Oai, Hà Nội cho biết: "Chúng tôi luôn nhấn mạnh thái độ đúng mực khi phục vụ khách. Xe đến sẽ hướng dẫn đỗ và cho đồng hồ về vạch số 0 trước khi bơm xăng, đồng thời thông báo cho khách hàng để theo dõi tránh việc tranh cãi.... Tuy nhiên, chúng tôi cũng không có quy định nào bắt buộc nhân viên phải mở nắp bình xăng cho khách hàng".

Anh Long cũng lý giải, việc mở bình xăng tưởng đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì mỗi xe có cơ chế khác nhau. Nếu thao tác sai gây hư hỏng, tranh cãi còn lớn hơn.

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu khách cần, nhưng nên xuất phát từ sự giao tiếp và hiểu ý giữa đôi bên" - anh Long cho biết.

Được biết, quy trình bán hàng 5 bước tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex đã được công ty phổ biến từ năm 2017 như sau:

Bước 1: Hướng dẫn khách hàng vào vị trí, chào hỏi và xác nhận nhu cầu của khách hàng.
Bước 2: Mời khách hàng xác nhận màn hình cột bơm đang ở số "0".
Bước 3: Bơm hàng đúng, đủ theo yêu cầu của khách hàng.
Bước 4: Mời khách hàng xác nhận màn hình cột bơm trước khi thanh toán.
Bước 5: Nhận và xác nhận số tiền, cảm ơn khách hàng.

Đúng như chia sẻ của quản lý trạm xăng, quy định của đơn vị bán xăng không hề có bước "mở nắp bình xăng cho khách hàng". Dẫu vậy trên thực tế, hành động này ở nhiều cây xăng đã trở thành một bước không thể thiếu nhằm thể hiện tinh thần phục vụ tận tâm của cửa hàng.

Sự việc tuy nhỏ nhưng một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của giao tiếp và sự tôn trọng lẫn nhau trong các tình huống hàng ngày. Giao tiếp rõ ràng không chỉ giúp tránh hiểu lầm mà còn thể hiện thái độ văn minh, lịch sự giữa người mua và người bán.

Tuệ Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/tu-van/tranh-cai-nay-lua-vi-ai-phai-mo-nap-binh-xang-nhan-vien-hay-tai-xe-post1198604.vov