Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Xây dựng Nền tảng Số mở cho ngành xuất bản
Một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay là kết hợp với Chuyển đổi Số.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba-năm 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội vào ngày 17/4.
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba được tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của xuất bản điện tử; đưa ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra giá trị mới với thông điệp: "Sách hay cần bạn đọc,” “Sách quý tặng bạn,” “Tặng sách hay-Mua sách thật,” “Sách hay: Mắt đọc-Tai nghe.”
Trong Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành xuất bản phẩm năm 2024 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu một trong những nội dung quan trọng của các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay là kết hợp với Chuyển đổi Số.
“Xuất bản sẽ phải hoạt động ở cả 2 không gian. Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Còn không gian mới – không gian mạng sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường, tạo ra các sản phẩm mới, tạo ra sự phát triển trong dài hạn. Nhưng 2 không gian này không hoạt động độc lập mà bổ trợ cho nhau,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Ông Hùng nhấn mạnh một Nền tảng Số mở sẽ thu hút được nhiều nguồn lực để làm sách, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, để người đọc cũng tham gia vào các công đoạn xuất bản sách…
Năm nay, ngoài các hoạt động truyền thống như tổ chức các tuần lễ sách, hội sách, tháng phát hành hành sách trọng tâm tri ân khách hàng, các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành còn được khuyến khích tổ chức các kênh phát hành trực tuyến, kết hợp với các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sách, song hành cùng các chương trình tặng sách đến các đối tượng yếu thế; các chương trình khuyến mại hỗ trợ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành thành phố đối với việc phát triển văn hóa đọc; xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng xã hội học tập, tạo nét đẹp trong đời sống xã hội.
Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức diễn ra lúc 20h ngày 17/4, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Ngay sau lễ khai mạc sẽ là Hội sách kéo dài đến hết ngày 21/4. Hội sách gồm các hoạt động trưng bày mô hình sách, giới thiệu quảng bá sách của các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ. Dự kiến có 60 đơn vị tham gia, với khoảng 40.000 tựa sách.
Trong suốt thời gian diễn ra Hội sách sẽ có các sự kiện giới thiệu sách, tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Thư viện Hà Nội và hệ thống thư viện quận, huyện, thị xã; các đơn vị xuất bản, phát hành của thành phố sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu về sách, chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba, tham gia các sự kiện do Trung ương và thành phố tổ chức.
Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Xuất bản Việt Nam triển khai Kế hoạch tổ chức Lễ phát động Ngày đọc sách trong thanh niên lần thứ Nhất vào ngày 19/4 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Lễ phát động nhằm triển khai sâu rộng các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến từng đối tượng, địa bàn, đặc biệt là thanh niên nhằm lan tỏa giá trị của sách, của văn hóa đọc đến các bạn trẻ, từ đó xây dựng nền tảng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng./.