Ngày Sức khỏe thế giới (7-4): Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng

Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm. Ảnh: H.Dung

Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm. Ảnh: H.Dung

Để đạt được các mục tiêu về phát triển thiên niên kỷ trên lĩnh vực y tế, nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phó giám đốc Sở Y tế VÕ THỊ NGỌC LẮM cho biết, Ngày Sức khỏe thế giới năm 2025 với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng”. Qua đó nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong việc dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em, mang lại hạnh phúc lâu dài cho phụ nữ.

Đầu tư cho tương lai

Vì sao phụ nữ và trẻ em lại nhận được sự quan tâm đặc biệt, thưa bà?

- Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước. Một phụ nữ khỏe mạnh sẽ có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy, phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn được các quốc gia, trong đó có Việt Nam ưu tiên hàng đầu. Quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận không thể tách rời trong quyền con người và luôn được bảo vệ đặc biệt trong xã hội, nhất là quyền được giáo dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia.

Bà có thể nói rõ hơn những tổn thương mà phụ nữ và trẻ em có thể gặp phải?

- Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 300 ngàn phụ nữ trên toàn thế giới tử vong do các biến chứng của thai nghén và quá trình sinh đẻ. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn phụ nữ khác bị các ảnh hưởng sức khỏe như: tổn thương đường sinh dục, nhiễm khuẩn và tàn tật trong quá trình mang thai hoặc khi sinh đẻ. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong mẹ đặc biệt cao ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, những nơi có điều kiện sống chưa cao, chất lượng dịch vụ y tế chưa đảm bảo.

Tổ chức Y tế thế giới cũng thống kê, mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh tử vong là người mẹ thực hiện quản lý thai nghén trước sinh chưa đầy đủ; việc chăm sóc trước, trong và sau sinh chưa chặt chẽ; sinh đẻ tại nhà không đảm bảo an toàn…

Những nguyên nhân gây tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa được không?

- Những nguyên nhân gây tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, mỗi gia đình và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà tỷ lệ tử vong ở bà mẹ tại Việt Nam vào năm 2023 đã giảm 5 lần so với năm 1990; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi cũng giảm hơn 4 lần. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng giảm đáng kể.

Tỷ số giới tính khi sinh khoảng 108 bé trai/100 bé gái.Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Tỷ số giới tính khi sinh khoảng 108 bé trai/100 bé gái.Một ca sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Vì một Việt Nam khỏe mạnh

Vậy để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, phụ nữ cần làm gì, thưa bà?

- Trước tiên, nếu có ý định kết hôn, các cặp nam nữ cần đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để được làm các xét nghiệm nhằm đảm bảo có khả năng sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị dị tật hoặc mắc các bệnh về di truyền. Trước khi mang thai, phụ nữ cần được tư vấn sức khỏe, tiêm đầy đủ các loại vaccine cần thiết để phòng bệnh cho cả mẹ và con, đảm bảo miễn dịch cho trẻ nhỏ trong những ngày tháng đầu đời. Phụ nữ mang thai cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống bổ sung sắt, axit folic; khám thai định kỳ và sinh đẻ tại cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc đúng cách, tiêm đầy đủ các loại vaccine chỉ định của bác sĩ. Để làm được những điều trên, phụ nữ cần có sự quan tâm, động viên, đồng hành của gia đình, của chồng/bạn trai và sự hỗ trợ về y tế khi cần.

Thời gian qua ngành y tế Đồng Nai đã làm gì để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ và trẻ em?

- Công tác truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Mục tiêu nhằm giúp người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, nếu gia đình nào cũng khỏe mạnh sẽ xây dựng nên một xã hội khỏe mạnh.

Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 32,6 ngàn trẻ em được sinh ra, giảm hơn 1,3 ngàn trẻ so với năm 2023. Đồng Nai là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp của cả nước với số con trung bình đạt 1,52 con/phụ nữ.

Đối với phụ nữ, chúng tôi cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai nhằm hạn chế các trường hợp mang thai ngoài ý muốn. Năm 2024, toàn tỉnh có hơn 2,7 ngàn ca phá thai ngoài ý muốn, giảm gần 600 ca so với năm 2023 và giảm hơn 1,9 ngàn ca so với năm 2017.

Thông qua các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, ngành y tế đã phối hợp khám và phát hiện, điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh dục cho hơn 1,6 ngàn phụ nữ. Thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho hơn 7,4 ngàn trẻ vị thành niên, thanh niên, tăng 10% so với năm 2023.

Các cơ sở y tế đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho hơn 23,4 ngàn thai phụ, sàng lọc sơ sinh cho hơn 28,3 ngàn trẻ em. Qua sàng lọc, phát hiện 63 ca nghi ngờ mắc dị tật bào thai, 280 ca nguy cơ mắc các bất thường bẩm sinh.

Chất lượng dân số ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Trước nguy cơ già hóa dân số, Đồng Nai đã có những giải pháp gì để tăng mức sinh, thưa bà?

- Trước tình trạng mức sinh thấp, chiến lược dân số hiện nay trên cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đã thay đổi từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Khẩu hiệu tuyên truyền về công tác dân số cũng được thay đổi từ “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1-2 con” chuyển thành “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”. Theo hướng dẫn mới nhất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ ngày 20-3-2025, đảng viên sinh con thứ ba sẽ không bị xử lý kỷ luật Đảng như trước. Bộ Y tế cũng đang đề xuất kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ từ 6 tháng lên 7 tháng.

Riêng tại Đồng Nai, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền 1 triệu đồng. Những chính sách này hy vọng sẽ là “cú hích” để tăng tỷ lệ sinh tại Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

Trong thời gian tới, những ưu tiên nào sẽ được thực hiện để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em, vì tương lai tươi sáng, thưa bà?

- Chủ trương chung từ Bộ Y tế là sẽ ưu tiên tối đa nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nông thôn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, y tế dự phòng trong việc phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, nhất là với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, sẽ triển khai tiêm vaccine hiệu quả, an toàn cho người dân, nâng cao tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Xin cảm ơn bà!

Hạnh Dung (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202504/ngay-suc-khoe-the-gioi-7-4-khoi-dau-khoe-manh-tuong-lai-tuoi-sang-82210a7/