Ngày tàn của mafia New York
Khi đạo diễn gạo cội người Mỹ Martin Scorsese được hỏi vì sao ông chỉ làm phim về mafia trước thập niên 1980 của thế kỷ trước, người nghệ sỹ đã trả lời: 'Mafia ngày nay không còn được như xưa nữa!'.
Đây là một quan sát vô cùng chính xác. Kể từ khi Tổng thống Ronald Reagan tỏ ra “mạnh tay” đối với tội phạm có tổ chức, các cấp lãnh đạo mafia cứ lần lượt rơi rụng dần. Những ông trùm nào không bị bắt, bị giết hay nghỉ hưu buộc phải “lèo lái” tổ chức của mình theo hướng khác. Nhưng điều mà họ tưởng như đã cứu lấy “gia đình” tội phạm lại đang quay lại đe dọa sự tồn tại của chúng.
Mục ruỗng
Trong thế giới ngầm tại xứ sở cờ hoa, “Colombo” là cái tên quý tộc. Băng đảng mafia Colombo cùng năm “gia đình” tội phạm khác cùng “thống trị” thành phố New York được gần một thế kỷ nay. Nhưng rất có thể ngày tàn của Colombo đã điểm, song lại không phải vì cảnh sát. Ông trùm Andrew Russo đang phải loay hoay với một loạt vấn đề như quản lý yếu kém; không tìm được tay chân tốt, và tranh chấp trong việc thừa kế băng đảng.
Vào ngày 14-9-2021, cảnh sát New York đã bắt giữ Andrew Russo và một số tay chân. Từ hai thập niên trở lại đây, băng Colombo đã tống tiền bảo kê một công đoàn New York (hiện cảnh sát vẫn chưa công bố là công đoàn nào), đồng thời “rút ruột” quỹ của nhiều công đoàn khác. Đây là kiểu “làm ăn” điển hình của đa số các nhóm mafia khác.
Cựu nhân viên điều tra FBI, thám tử tư Scott Curtis nhận xét: “Vấn đề là hắn ta can thiệp quá sâu vào công việc. Các ông trùm thế hệ trước luôn biết cách giữ khoảng cách giữa mình và tay chân. Kể cả khi FBI có điều tra ra mọi chuyện thì cũng chỉ có đủ bằng chứng để tống vào tù những tên lính quèn…Russo bị buộc tội lần này là lần thứ chín. Đây là điều mà vào thời ngày xưa không thể chấp nhận được”.
Tại sao ông trùm Russo lại phải tự tay “nhúng chàm”? Ông ta khai với FBI như sau: “Không tôi làm thì ai làm”. Theo lời Russo, tay chân ông ta toàn một đám ăn hại. Những tên mafia ngày nay không lớn lên trên đường phố, không học được cái khôn ngoan của đường phố. Chúng hèn nhát hơn, kém thông thạo công việc, và luôn sẵn sàng phản chủ.
Một cựu thành viên khác của băng Colombo chia sẻ quan điểm tương tự. Ông ta kể lại: “Các ông trùm ngày xưa cũng từng toàn là “lính” cả. Họ đủ khôn ngoan để biết cách thoát tội. Đám ngày nay thì khác. Tôi biết một tên nhắn tin đe dọa lãnh đạo công đoàn rằng: “Đừng có để tao nhắn đến cái tin thứ ba”. Không ai khôn ngoan mà lại đi đe dọa qua điện thoại như thế. Làm thế thì khác nào tạo sẵn bằng chứng cho cảnh sát”.
Những ông trùm mafia nay không còn như xưa nữa.
Ngày tàn
Jerold Zimmerman, giáo sư ở trường Đại học Rochester (New York), viết trong cuốn sách nghiên cứu về mafia của mình rằng: “Trên một phương diện nào đó, năm gia đình mafia New York không khác gì nhiều McDonald’s. Họ bao gồm vô số “công ty con”. Đó là bao gồm những nhóm mafia nhỏ điều hành sòng bạc, chợ đen, doanh nghiệp xây dựng, v.v…Nhiệm vụ của những con “cá nhỏ” này là hằng năm đóng tiền cho các ông trùm”.
Giáo sư Zimmerman tiếp tục viết: “Mô hình hoạt động này tuy tạo sự an toàn cho những ông trùm đòi hỏi họ phải có lòng tin vào cấp dưới. Lòng trung thành là yếu tố quan trọng nhưng không bằng khả năng làm được việc. Nhiều khi những đối tượng được giao trọng trách lãnh đạo các “công ty con” từng dành nhiều năm lăn lộn, ăn ngủ bên ông trùm để chứng tỏ khả năng của mình”.
Sau đợt “tổng tấn công” của cảnh sát và FBI trong giai đoạn 1980-1990, những đối tượng mafia có đầu óc một chút đều tìm cách rời khỏi tổ chức rồi kinh doanh hợp pháp trong những ngành như đầu tư chứng khoán, cố vấn, v.v…Sự chuyển biến này lớn đến mức cố nhà văn Mario Puzo đã dựa vào nó để viết quyển tiểu thuyết áp chót của mình với cái tên “Omertà” (“Luật im lặng”). Con cháu của các ông trùm cũng không trở thành mafia mà trở thành chủ doanh nghiệp.
Ngày nay, ngoài một số ông trùm cứng đầu còn cố ở lại, năm gia đình mafia tại New York gồm toàn những người mới. Ngoài chuyện thiếu khả năng, các ông trùm còn phải lo lắng việc tìm người kế thừa. Cảnh sát New York bắt giữ Andrew Russo cùng lúc với việc có tin đồn rằng quyền lãnh đạo băng Colombo sẽ được chuyển giao cho Theodore Persico Jr. Theodore Persico Jr. là một trong số những trường hợp hiếm hoi thế hệ thứ hai làm mafia. Ông chú của Theodore, trùm mafia khét tiếng Carmine Persico, vừa mới qua đời cách đây hai năm trong khi chịu án tù 187 năm.
Theo thám tử tư Scott Curtis, nhiều thành viên của băng đảng Colombo đặt niềm tin vào Theodore Persico Jr. “Chúng nghĩ rằng một người vừa có kinh nghiệm (Theodore đã 57 tuổi và có hơn 30 năm làm mafia), vừa có quan hệ gia đình chặt chẽ chắc chắn sẽ giúp gia đình Colombo thoát khỏi thế khó. Tôi còn nghe thấy thông tin rằng, một số cấp dưới của Andrew Russo đã tìm mọi cách để khiến ông trùm chọn Persico làm người kế nhiệm. Tôi biết Andrew Russo. Nguyện vọng của ông ấy là được làm “bố già” đến tận lúc “nhắm mắt xuôi tay”, Scott Curtis kể.
Cũng theo thám tử Scott Curtis, hiện là quá sớm để kết luận rằng liệu Andrew Russo bị bắt là do có “tay trong” tìm biện pháp hạ bệ ông ta để đưa Theodore Persico Jr. lên ngôi không. Tuy vậy, việc chuyển giao quyền lực chính thức bị gián đoạn rất có thể sẽ khiến Persico không “danh chính ngôn thuận”.
“Không chỉ có một người nhắm đến chức ông trùm Colombo. Nhằm giành được vị trí “bố già”, đám mafia ngày nay sẵn sàng đâm dao vào lưng cả những anh em thân cận nhất. Mafia không còn tính chất “gia đình” như ngày xưa nữa. Mối quan hệ giữa bố già và tay chân chỉ còn là quan hệ kinh doanh, mỗi bên tìm kiếm lợi ích riêng của mình. Cộng với việc các đối tượng mafia trẻ đều thiếu năng lực, hoàn toàn có khả năng sẽ không còn mafia ở New York trong vòng 30 năm tới nữa”, thám tử Scott Curtis nói.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/ngay-tan-cua-mafia-new-york-i633044/