Ngày Tết bỗng nhớ lụa là

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhớ về những Tết nghèo năm xưa, khi vui buồn ngày Tết của trẻ em thường gắn liền với việc mua đồ mới.

 Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Y Nguyên.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: Y Nguyên.

1. Được ba mẹ sắm cho áo mới, đó là điều gần như đứa trẻ nào cũng mong mỏi vào dịp Tết. Nhà không có hạt dưa, không nấu bánh tét cũng không sao. Nhưng nếu không có áo mới, dứt khoát đó chưa phải là Tết.

Người lớn vẫn nói những từ văn hoa “năm mới, ngày mới, xuân mới, nắng mới”, nhưng nếu không có áo mới, đối với trẻ con những cái mới kia sẽ lập tức... cũ xì.

Hồi học cấp một, tôi thấy nhiều đứa trẻ trong làng không dám ra đường chỉ vì không có áo mới. Cái cảm giác thua thiệt chúng bạn đối với trẻ con thật là kinh khủng.

Nhà nào đông con như nhà tôi, việc may áo mới cho gần chục đứa con lúc nhúc là vấn đề vô cùng nan giải. Khi con cái học lên cao, các bậc phụ huynh càng thêm lo lắng. Thời tôi đi học, lên cấp hai học sinh đã mặc đồng phục: nữ sinh mặc áo dài trắng, nam sinh vận áo sơ mi trắng quần dài xanh. Một năm, như vậy, có tới hai đợt may đồ mới: dịp Tết và dịp khai trường.

2. Đồng phục mới trong dịp khai trường tuy quan trọng nhưng vẫn không quan trọng bằng áo mới ngày Tết. Ngày nhập học, ít đứa trẻ nào so đo quần áo. Nếu đứa trẻ không lớn quá nhanh, đồng phục năm ngoái vẫn mặc vừa thì không nhất thiết may đồ mới. Kẹt quá, quần áo đứa anh sửa lại cho đứa em, quần áo đứa em sửa lại cho đứa em kế nữa, cứ thế mà “tuần tự nhi... lùi”. Trẻ con tuy có buồn một chút nhưng chưa đến nỗi vùng vằng đòi bỏ học.

Dịp Tết thì khác. Mới phải là mới, chứ không có kiểu “cũ người mới ta” như ngày khai trường. Áo mới, đó không chỉ là niềm vui mà còn là “thế giá” của một đứa trẻ trước cộng đồng.

Không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng hiểu được cái tâm thế đó của con cái. Giả dụ hiểu được nhưng kinh tế ngặt nghèo thì cũng đành chịu.

Thông thường, nếu tiền ít con đông các bậc cha mẹ làng tôi ưu tiên may áo mới cho đứa nào có nghĩa vụ theo chân cha mẹ đi chúc Tết bà con hàng họ gần xa. Đi “đối ngoại”, bắt buộc phải ăn vận tươm tất, đẹp đẽ. Đứa được chọn vào “phái đoàn ngoại giao” này thường là đứa con lớn nhất. Thằng anh, con chị thương em đành bỏ nhỏ “Em đừng buồn! Đợi xong ba ngày Tết, anh (chị) sẽ cho em cái áo này!”. Nghe mà cảm động làm sao!

3. Ba mẹ tôi dạo đó có sáng kiến đem áo cũ của đàn con giao cho thợ nhuộm. Y như có phép màu, những chiếc áo bạc màu của anh em tôi khi đem về bỗng nhiên xanh mướt, đỏ tươi như vừa được cắt may từ các súc vải mới ngoài cửa hàng. Nhưng chỉ độ mươi, mười lăm ngày, màu vải cứ bợt dần, thậm chí lốm đốm không đều, “mèo lại hoàn mèo”, thậm chí là con mèo bị lang ben. Cũng may, ngày những chiếc áo nhuộm “phơi trần sự thật” thì Tết nhất cũng qua.

Cạnh nhà tôi dạo đó, có hai chị em. Tôi còn nhớ con chị tên Lụa thằng em tên Là. Thằng Là bằng tuổi tôi, con Lụa lớn hơn tôi hai tuổi. Là hai chị em, nhưng tụi nó cùng học một lớp, chung lớp bốn với tôi. Nhà nó là tiệm hàng xén, gọi là tiệm nhưng trong nhà chỉ treo lơ thơ dăm nải chuối và bày vài lọ bánh kẹo xanh xanh đỏ đỏ, ít chai xì dầu, nước mắm, mươi quả trứng. Ba mẹ tụi nó đặt tên con là “lụa là” nhưng ngày Tết chỉ may được mỗi chiếc áo, hai chị em phải mặc chung. Con chị mặc áo mới ra đường thì thằng em ở nhà. Thằng em đi chơi thì con chị chui vô bếp.

Áo may kiểu con trai, mỗi lần tròng vô người, con chị phải lấy kim gút “nhấn eo” để ra áo con gái. Lần nào tôi rủ hai chị em nó chạy ra sân vận động xem người ta thi thả diều hoặc ra chợ chơi lô tô, bao giờ có con chị cũng thiếu thằng em, có thằng em lại vắng con chị. Tôi thắc mắc thì đứa này bảo đứa kia bận nấu cám cho heo hay hái rau ngoài vườn, đại khái là đủ thứ lý do trên trời dưới đất. Mãi về sau tôi mới biết hai chị em nó thay nhau mặc mỗi cái áo đó thôi.

4. Thằng Là bây giờ nghe nói làm giám đốc một công ty may mặc có tiếng, không biết nó còn nhớ những cái Tết nghèo năm xưa không.

Riêng con Lụa, khi học cùng nhau lên tới lớp tám, lớp chín, nó chính là đứa khiến tôi thay đổi quan niệm về... quần áo. Mười ba, mười bốn tuổi, chiếc áo mới ngày Tết với tôi không quan trọng nữa. Tôi bắt đầu chú tâm đặc biệt đến bộ đồng phục học sinh là bộ đồ ngày ngày tôi vẫn mặc để lượn lờ trước mặt bọn con gái trong trường. Con Lụa lúc học cấp một, da nó ngăm ngăm, dung nhan chẳng có gì đặc biệt, cứ xáp lại gần rủ tôi chơi đánh đũa là bị tôi đẩy ra, thế mà cuối năm cấp hai nó bỗng “thay da đổi thịt”, trở thành đứa con gái xinh nhất trường tôi.

Mẹ tôi không để ý rằng tôi đã lớn. Bà không hiểu tại sao tôi giở chứng chê vải kaki. Tôi đòi may quần bằng vải tẹcgan, vải pôlite. Mặc áo, tôi bắt đầu ghét vải phin nhăn nhúm, tôi nằng nặc đòi may áo bằng vải têtarông, vải katê phẳng phiu đẹp đẽ. Chú gà trống choai chập chờn trổ mã, biết khoe mẽ trước mặt bọn con gái, đã làm bậc từ mẫu nghèo túng phải vất vả chiều theo.

Hai năm lớp tám, lớp chín, mẹ tôi xoay xở đủ cách để tôi có áo quần ăn diện. Vậy mà con Lụa chẳng động lòng mảy may. Học hết cấp hai, không hiểu sao nó nghỉ học ngang, ở nhà lấy chồng.

Chồng nó học cùng lớp với tôi nhưng lớn hơn tôi bốn tuổi. Mà “tình địch” của tôi có bảnh bao gì cho cam. Nó cứ quần kaki, áo vải phin mà lấy được vợ, lạ ghê!

Năm đó, tôi mười bốn tuổi.

Nguyễn Nhật Ánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngay-tet-bong-nho-lua-la-post1459755.html