Ngày tết Đoan ngọ quê tôi

Tháng 5 về trong niềm vui của tuổi học trò, không chỉ vì đây là thời gian nghỉ hè mà trong ký ức tuổi thơ của thế hệ U40 chúng tôi còn in đậm những hình ảnh thật đẹp đẽ, chân chất, mộc mạc về ngày tết Đoan ngọ, mùng 5 tháng 5 nơi làng quê.

Quê tôi ngày trước còn nghèo lắm, quanh năm chỉ quanh quẩn với đồng ruộng, vườn cây, mọi hoạt động vui chơi giải trí hầu như chưa được "phủ sóng", có chăng cũng chỉ là vài gánh hát cải lương về phục vụ mấy đêm rồi đi. Tuổi thơ chẳng có trò gì để làm vui ngoài việc tắm sông, hái bần, chăn trâu, thả diều, đến mùa thì đội nắng ra đồng bắt cá cạn. Chính cái sự thiếu thốn triền miên ấy mà trong ánh mắt của từng đứa trẻ gặp cái gì cũng mong, cũng ước. Đặc biệt là mong cho mau đến Tết để được có quần áo đẹp, được ăn ngon, được về thăm ông bà…

Gói bánh tét vào dịp tết Đoan ngọ. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Gói bánh tét vào dịp tết Đoan ngọ. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Đối với người dân quê tôi thì mỗi năm có hai dịp quan trọng nhất mà dù ăn đâu, ở đâu, làm gì thì cũng phải về quê sum họp với gia đình, đó là dịp tết Nguyên đán và tết Đoan ngọ mùng 5 tháng 5. Tết Đoan ngọ thì chỉ có một ngày nhưng không vì thế mà việc chuẩn bị “ăn Tết” trở nên sơ sài. Hồi đó, còn làm lúa mùa, mỗi năm chỉ có 1 vụ, vì vậy mà tháng 5 vẫn còn được xem là “tháng ăn chơi”.

Từ mùng 2, mùng 3 tháng 5 âm lịch là mọi người bắt đầu đón tết Đoan ngọ. Khắp xóm vang lên tiếng í ới của mấy đứa con gái rủ nhau đi chọc lá chuối về cho má gói bánh. Rồi tiếng rủ rê của mấy thím, mấy dì chia thịt heo ăn mùng 5, đến mần lúa thì trả. Nhà dư dả hay khó khăn gì thì ngày mùng 5 tháng 5 cũng phải có nồi bánh tét, bánh ú, nồi thịt kho hột vịt cúng ông bà, tổ tiên.

Thường ngày, chợ ở quê đơn sơ lắm, nhưng đến tết Đoan ngọ thì lại khác, chợ búa nhộn nhịp một cách lạ thường, hàng hóa trở nên phong phú, lại có thêm mấy thớt thịt heo mới không biết ở đâu đem đến bán. Người đi chợ thì chen chân không lọt, mua sắm xả láng, khác hẳn sự dè chừng, tính toán thường ngày.

Trong tết Đoan ngọ thì mùng 5 là ngày chính, nhưng với những gia đình một thế hệ thì họ đã tranh thủ cúng ông bà, tổ tiên từ ngày mùng 4 để ngày mùng 5 cho con cái về thăm hai bên nội, ngoại. Mâm cơm dâng cúng ông bà cũng đơn giản, chỉ có thịt kho trứng, một món canh, món xào và một dĩa bánh tét hoặc bánh ú. Với tụi con nít chúng tôi thì nôn nao không ngủ được, chỉ mong cho tới mùng 5 để được ăn ngon, mặc đẹp.

Việc đi lại ngày trước cũng khó, giao thông trên bộ thì hầu như chưa phát triển, chủ yếu bằng các phương tiện đường thủy như ghe, tàu, vỏ lãi... Mà muốn đi sông thì phải chờ con nước. Ngày mùng 5 tháng 5 thường thì khoảng 8 giờ hơn mới có nước. Lúc đó, từ dưới sông tiếng máy nổ bắt đầu vang lên dồn dập, liên tục còn hơn cả tiếng pháo. Mấy cụ già ngồi nhâm nhi nước trà cũng trở nên khó chịu, vì không ai nghe ai nói được gì. Nhưng ai cũng vui. Tết mà!

Với người lớn thì mùng 5 tháng 5 là dịp để họp mặt, đoàn viên gia đình, cúng bái tổ tiên, ông bà; còn với tụi con nít chúng tôi thì còn có niềm vui khác, đó là được đi chơi cồn. Quê tôi nằm bên dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng nên cũng được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều cồn bãi lớn nhỏ mọc giữa dòng, nổi tiếng nhất vẫn là cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Ngày thường, dải đất này chỉ như “một cô thôn nữ” hiền lành, kín tiếng, e ấp, thẹn thùng nhưng mỗi dịp đến tết Đoan ngọ thì “cô gái ấy” lại khoác lên mình một tấm áo mới đủ sắc màu, ăn nói huyên thuyên, mời gọi khách gần xa. Hai bên mé cồn thì ghe tàu neo đậu tấp nập. Vào ngày này, cồn có đủ loại trái cây đặc sản như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... được bà con địa phương chuẩn bị để phục vụ du khách gần xa. Mọi thứ đều diễn ra một cách rất tự nhiên nhưng lại có một sức hút hết sức mãnh liệt.

Mấy chục năm rồi mà cứ ngỡ mới hôm qua. Bây giờ thì mọi thứ đã đổi khác. Cồn Mỹ Phước giờ đã trở thành một khu du lịch sinh thái được tổ chức bài bản, đón khách quanh năm. Ngoài ra, còn có cả một lễ hội “Sông nước miệt vườn” được tổ chức vào dịp tết Đoan ngọ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hấp dẫn. Nhưng những hình ảnh tất bật chuẩn bị cho ngày tết Đoan ngọ của các mẹ, các chị, ngày xưa giờ chỉ còn là ký ức.

QUÁCH TẤN THUẦN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ngay-tet-doan-ngo-que-toi-73850.html