Ngày Tết ngẫm câu 'rượu đứng đầu trăm thứ thuốc'
Tiền nhân có câu: 'Không rượu chẳng nên tiệc'. Theo y học cổ truyền, 'Trà vi vạn bệnh chi dược. Tửu vi bách dược chi trưởng'. Tức 'Trà là thuốc chữa vạn bệnh. Rượu đứng đầu trăm thứ thuốc'.
Thế nhưng, uống rượu không đúng cách sẽ phá hoại sức khỏe và cả nhân cách. Cần phải biết cách uống rượu để ngày Tết thực sự ý nghĩa.
Nhiều bệnh đến từ “bia rượu uống người”
PGS.TS nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, uống quá nhiều rượu bia trong những ngày Tết không chỉ gây ngộ độc phải cấp cứu, thậm chí tử vong. Nó còn gây các bệnh gan, dạ dày... mà cả bệnh tim mạch.
Thực tế cho thấy, sau những đợt nghỉ kéo dài số người bị bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch tăng cao. Nguyên nhân quan trọng khởi phát bệnh và gây ra các biến chứng bao gồm cả tử vong. Bệnh thường gặp ở nam giới lứa tuổi 30 – 55, uống quá nhiều rượu, thậm chí cả bia và rượu vang.
Uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài có thể gây ra các biến chứng tim mạch trầm trọng như suy tim, ứ huyết, tăng huyết áp, tai biến mạch não, rối loạn nhịp tim và... đột tử. Nghiện rượu là một nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh cơ tim giãn thứ phát không do thiếu máu cục bộ cơ tim và chiếm tới 1/3 các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn.
Theo ước tính có tới 2/3 người trưởng thành uống rượu. Khoảng 10% uống nhiều rượu. Vì vậy, bệnh cơ tim do rượu đang trở thành một vấn đề quan trọng đáng được quan tâm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có biểu hiện suy tim ứ huyết cấp sau khi chè chén say sưa với một lượng rượu lớn trong ngày nghỉ.
Các triệu chứng thường gặp là khó thở khi gắng sức. Những cơn khó thở kịch phát vào ban đêm. Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực do những cơn rung nhĩ kịch phát. Những cơn rối loạn nhịp nhanh trên thất... Vì vậy, tuyệt đối không uống quá nhiều rượu bia. Khi có dấu hiệu cần đi khám ngay. Điều trị ngoài việc dùng thuốc cần uống giảm lượng rượu.
Khổ vì rượu bổ
Cách giải rượu:
Nếu chẳng may uống rượu say, để tránh tác hại, cần cho người say uống một lượng nước vừa đủ, ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào. Việc này nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Sau đó, tùy theo điều kiện cụ thể mà có thể dùng các cách giải rượu đơn giản, sẵn có trong Tết như sau:
1- Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt
2- Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100 - 200g rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt cho uống.
3- Trà búp 5g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được) 16g thái vụn, đem hãm với nước sôi, uống đặc.
4- Trà búp 9g, cà rốt tươi 60g, vỏ bí xanh 15g, sắc uống.
Lương y, thầy thuốc nhân dân Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam cảnh báo, hiện người ta đua nhau ngâm rượu thuốc bồi bổ. Nhiều người thường cầm đơn chép tay hoặc in photo đến hiệu thuốc để mua thuốc ngâm rượu đón Tết. Có người nói đó là bài thuốc “Nhất dạ ngũ giao” của Vua Minh Mệnh truyền lại… Đây là một điều nguy hiểm dù đó là những chén rượu bổ đích thực.
Đương nhiên bài thuốc nào cũng có tác dụng nhất định trong bổ dưỡng và điều trị bệnh. Không dám nói là thần hiệu nhưng phải đúng với cơ chế của bệnh thì có lợi, nếu không tác dụng sẽ ngược lại. Còn cơ chế của bệnh là do thầy thuốc khám và kết luận.
Có người ngâm thang thuốc bổ với không ít quế tâm và những vị tân nhiệt khác mà không qua khám bệnh. Họ ngâm theo sở thích cá nhân, uống để cho “bốc”. Với thang thuốc này, nếu người thuộc thận dương hư, kiêm hàn thấp thì còn khả dĩ. Nhưng người thuộc thận âm hư, chân âm khuy tổn, uống vào quả là tai hại.
ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền BV T.ƯQĐ 108 phân tích, rượu thuốc cũng là một loại dược phẩm. Bởi thế, khi dùng nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc: Đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh thì trước hết người uống phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế cho phù hợp.
Cùng là bệnh dương nuy (liệt dương) nhưng với những người thuộc thể bệnh âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh dương hư... Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng cần phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất...
Nghĩa là, phải xác định được phần nào trong cơ thể bị hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và tạng phủ nào cần bồi bổ (tâm, can, tỳ, phế, thận...) để từ đó chọn phương lựa dược cho thích đáng.
Chỉ trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng thì mới lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng. Ngược lại nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.
Trên thực tế, không hiếm người vì lạm dụng hoặc dùng lầm loại dược tửu không phù hợp đã bị các bệnh lý như cao huyết áp, tai biến mạch não, mụn nhọt, dị ứng, đái ra máu..., thậm chí ngộ độc nặng và tử vong. Có không ít người khỏe mạnh nhưng dùng loại thuốc “bồi bổ” không phù hợp, hoặc bồi bổ thái quá đã trở thành người có bệnh.
Hiểu đúng “không rượu chẳng nên tiệc”
Theo ThS Hoàng Khánh Toàn, ngày Tết thường không thể thiếu rượu. Vì hàng nghìn năm nay thứ đồ uống đặc biệt này vốn là biểu tượng của tình hữu nghị. Nó cũng là hình ảnh của sự mở đầu thắng lợi, làm tăng thêm không khí vui vẻ, ấm cúng và thân mật.
Cũng bởi vậy mới có câu phương ngôn: “Không rượu chẳng nên tiệc”. Vả lại, theo y học cổ truyền, “trà vi vạn bệnh chi dược, tửu vi bách dược chi trưởng”. Nghĩa là: “Trà là thuốc chữa vạn bệnh. Rượu đứng đầu trăm thứ thuốc".
Rượu có công dụng làm lưu thông huyết mạch, trợ giúp tỳ vị. Nó làm da dẻ nhu nhuận, trừ phong thấp, dẫn thuốc, sát trùng, giảm đau và nâng cao năng lực chống lạnh.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cần phải biết uống rượu như thế nào để có lợi cho sức khỏe. Vì vậy, cổ nhân khuyên ba điều: Chớ uống nhiều, uống từ từ vừa nói chuyện vừa uống và phải biết cách giải rượu khi say. Phụ nữ có thai, thiếu niên nhi đồng, những người mắc bệnh xơ vữa động mạch tuyệt đối không nên uống rượu. Những người mắc các bệnh mạn tính khác cũng nên hạn chế ở mức thấp nhất.
Theo BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, ngày Tết nhà nào cũng chuẩn bị rượu, bia. Nhà có điều kiện thì đa dạng từ rượu sâm, nhung, tắc kè, rắn, các loại rượu tây… Rượu bia nhiều nhưng để khỏe mạnh và trường thọ thì cần chọn thời điểm uống cho phù hợp.
Đối với nam giới buổi sáng dương khí đang vượng không nên uống rượu. Bởi uống vào thời điểm này sẽ làm tổn thương dương khí. Nhà thơ Tú Xương đã có câu: “Tối sâm banh, sáng sữa bò”. Nếu uống rượu buổi sáng làm tổn thương dương khí, người chóng già, hay sinh bệnh tật.
Buổi trưa nên uống bia, buổi tối mới uống rượu. Vì nếu uống bia vào buổi tối lượng nước trong cơ thể quá nhiều. Buổi tối dương khí kém hơn âm khí, nếu đi tiểu nhiều, dương không đủ để khống chế âm nên dẫn đến rối loạn cường dương, có khi liệt dương.
Khi đã ăn no rồi thì không nên uống rượu. Trong Đông y, vị (dạ dày) thuộc dương. Rượu bia nóng cũng thuộ̣c dương. Nếu một lúc dạ dày chứa nhiều dương khí lâu ngày dễ dẫn đến viêm loét, sinh ra chứng đau dạ dày. Đối với các loại rượu thuốc nên uống vào buổi tối trước khi ăn, hoặc vừa ăn, vừa uống, không nên uống vào lúc khác.
Theo Đông y: “Nam chủ khí, nữ chủ huyết”. Phụ nữ chủ về huyết nên phần âm thường mạnh hơn dương. Bởi thế không nên uống rượu. Rượu nóng làm dương lấn át âm, dẫn đến huyết nhiệt chóng già, da xấu, rám má. Nếu đang ở thời kỳ kinh nguyệt dễ làm rối loạn kinh nguyệt…