Ngày tết Thanh minh...
Từ ngàn xưa đến ngày nay, sau Tết nguyên đán, tết Thanh minh là một trong những lễ - tiết quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng là dịp để mỗi người thể hiện truyền thống, đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'.

Tiết Thanh minh, đi tảo mộ là mỹ tục đẹp trong văn hóa của người Việt
Sau những ngày giêng, hai mưa nồm ẩm ướt, vạn vật hồi sinh, cây cối đâm chồi, nảy lộc, bước vào tháng ba (âm lịch), mùa xuân đã thực sự “khoác áo mới”. Đây cũng là thời điểm bước vào tiết - tết Thanh minh trong văn hóa của người Việt. Trong dịp tết Thanh minh, những người còn sống lại “ghé thăm nhà” của người thân đã khuất.
Lý giải về tiết - tết Thanh minh, theo cố học giả Nguyễn Văn Huyên trong sách Hội hè lễ tết của người Việt: “Ngày này, được đặc trưng bởi bầu không khí trong (thanh) và sáng (minh), diễn ra hàng năm, sau tiết Xuân phân nửa tháng. Người ta đang ở giữa mùa xuân lúc cỏ mềm và mạ non trải rộng khắp nơi màu xanh muôn nghìn sắc độ. Trai gái, đàn ông, đàn bà, trước khi tiếp tục rong chơi vui vẻ trong các cuộc hành hương và lễ hội đã bắt đầu ngay sau ngày Tết, đều cúng vong hồn người đã khuất... Họ lợi dụng lúc thời tiết mát mẻ và mưa bụi lâm thâm để trang điểm mới lại những mồ mả...”.
Và “cuộc thăm mộ ngày Thanh minh là một trong những hành vi tôn kính thiêng liêng nhất mà người sống có thể bộc lộ với người chết. Như ta đã biết, mồ mả được giữ gìn một cách thành kính ở Việt Nam”.
Khi nhắc đến tiết - tết Thanh minh, thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã viết những vần thơ thật đẹp: “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.
Trong dịp tết Thanh minh, ghé thăm mộ phần - “nhà” của người đã khuất, người còn sống dọn dẹp cỏ mọc um tùm, đắp mộ cho cao ráo, sạch đẹp, bằng tất cả sự thành kính. Vừa để bày tỏ sự quan tâm, nhưng cũng như tìm kiếm một sự “giao hòa” với người thân đã khuất.
***
Sinh ra ở làng quê, chị em tôi lớn lên theo những “mùa” thanh minh cùng ông bà, bố mẹ đi tảo mộ. Nét đẹp ấy như mạch nguồn, được tiếp nối qua những thế hệ.
Tôi vẫn nhớ, quãng khoảng 3 thập kỷ về trước, mỗi khi vào tiết Thanh minh, ngày mùng 3 tháng 3 (âm lịch), bên cạnh bánh trôi, bánh chay, thì bà nội còn làm bánh sệ (hay bánh xệ - theo cách gọi của người dân quê tôi). Nhân bánh từ bột nếp được bà nhào kỹ, bên trong là nhân thịt, trộn cùng một loại lá thơm. Bánh được nặn tròn, kích cỡ bằng quả trứng gà nhỏ. Sau khi nặn xong bánh thì bà nấu một nồi nước sôi, thả bánh vào, đến khi bánh nổi lên thì vớt ra, lại cho vào nồi đun sôi kỹ cùng mật mía. Bánh sệ nóng hổi được bà cẩn thận múc ra đĩa sâu lòng, dâng cúng trên ban thờ thần linh, gia tiên.
Sau khi hương tàn, những đĩa bánh sệ thơm ngọt ngào, cắn vào dẻo dai, bên trong nhân thịt vị hơi mặn được bà chia đều cho các cháu. Mỗi năm chỉ duy nhất một lần vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch bà nội mới làm món bánh này.
Bà nội mất, món bánh sệ cũng bị quên lãng. Và đến bây giờ, nhiều người ở quê tôi dường như cũng không còn nhớ đến món bánh này. Có lần, tôi nói với mẹ rằng thèm bánh sệ, mẹ tôi - một người phụ nữ khéo léo trong chuyện nấu nướng đã không ngại bày vẽ lạch cạch để làm bánh. Bánh mẹ làm khá ngon, nhưng rồi, đó vẫn không phải là hương vị của những chiếc bánh mà tôi từng được ăn do bà nội làm. Có lẽ, là tôi đang nhớ thương hương vị những chiếc bánh sệ của bà nội lúc trước?!
... Một “mùa” thanh minh nữa lại về, tôi lại hòa mình trong dòng người đông đúc, theo chân nhau ra nghĩa trang làng, trong mùi khói hương quện tỏa, thăm người đã khuất...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ngay-tet-thanh-minh-36359.htm